Nhiều người độ tuổi 40 – 60 hiện thời, đều thừa nhận đã có những năm tháng rất quen với “văn chương diễm lệ” - những bộ tiểu thuyết trường thiên dịch từ văn đàn Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Bởi thế, thông tin kỳ nữ Quỳnh Dao vừa mất mới đây, đã có nhiều chia sẻ luyến tiếc trong cộng đồng.
Bản thân người viết cũng từng đọc những áng văn chương được gọi tên kỳ tình, diễm tuyệt ấy.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc, là tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long, tên đích xác “Ỷ thiên Đồ long ký” - một tác phẩm của nhà văn Kim Dung. Hình ảnh kiêu hùng của thiếu niên Trương Vô Kỵ - võ kỹ vô địch, đánh bạt bao kẻ mạnh, nhưng cuối cùng yên ả ngồi bên người con gái yêu thương, đã in đậm trong rất nhiều người.
Thậm chí có thời, người ta nói chuyện với nhau, đều dùng những từ ngữ trích xuất trong bộ tiểu thuyết này cũng như các tác phẩm khác, như đại hiệp, tiêu sái, trấn nhậm quần hùng…
Tương tự vậy, chuyện tình ái diễm lệ đầu tiên người viết biết đến, là tuồng cải lương Mùa thu lá bay - cải biên từ tiểu thuyết diễm tình Thái Vân Phi của nhà văn Quỳnh Dao.
Cuộc tình lãng mạn của chàng trai Mẫn Vân Lâu với người đẹp yểu mệnh Dương Hàn Ni vẽ nên trong lòng những thế hệ trẻ tuổi cảm xúc sâu sắc về thủy chung, trách nhiệm. Âm hưởng của những từ ngữ văn chương đẹp đẽ ấy, có thể nói đã tác động rất nhiều đôi lứa trong tình yêu.
Những điều này nhìn lại, cho thấy, rất nhiều người trong các thế hệ trước, đã có ảnh hưởng nhất định từ hai nhà văn dẫn đầu mạch văn học mới tại Trung Quốc, là Kim Dung và Quỳnh Dao. Một người ở Hồng Kông. Một người nơi Đài Bắc. Hai con người đã viết nên những tác phẩm để đời, mà chung quy, gặp nhau ở một chữ tình bất tuyệt.
Cuộc đời của họ, cũng biểu đạt chữ tình ấy! Mấy năm trước, Kim Dung chia tay cõi hồng trần phiêu bạt, như ông tự nhận xét, “gây một náo trường, lặng lẽ rời đi”. Mới đây, đến lượt Quỳnh Dao chủ ý kết thúc phận sinh tử, như bà tự nhắn lại, “không để phó mặc cho số phận tự lụi tàn”.
Người viết đã đọc những trang dịch qua tiếng Việt của tiểu thuyết Kim Dung, rồi tìm nguyên bản Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long…; nghe từng khúc cải lương, xem những bộ phim dài tập, về Hải Âu Phi Xứ, về Dòng sông ly biệt… rồi tìm nguyên bản với những trang ấn loát từ Đài Loan. Rất nhiều người cùng thế hệ cũng thừa nhận sự cảm nhiễm như vậy, để có hứng thú đặc biệt về văn chương diễm lệ.
Dường như, khí thế hào sảng khí khái ở văn chương Kim Dung, cái miên man lưu luyến ở từ ngữ Quỳnh Dao, từng chút một, đưa con người đi đến cảm xúc chân chính cư ngụ trong lòng.
Có là chính hay tà, thì cũng phải nghiêm chỉnh thể hiện, chớ có trà trộn bất minh. Có là đúng hay sai, thì cũng phải thật lòng tử tế, chớ có u mê hàm hồ. Người sống cho chính mình, hiện thực cũng bởi do mình, là sự lựa chọn của bản thân, không câu dẫn bởi ai được.
Những trang chữ ấy, đã khiến độc giả cảm thụ mà theo. Cái sự bút nghiên, nghiệp viết lách, hóa ra không dễ dãi. Nhiều người nhận xét, viết được như thế, mới là viết; kể chuyện như thế, mới nên kể.
Theo đó, một Kim Dung dũng mãnh, cùng một Quỳnh Dao yêu kiều, luôn là niềm cảm hứng của các thế hệ yêu thích sự sâu sắc, tinh tế qua từng câu từng chữ, giữ mãi những ấn tượng về trách nhiệm đạo đức con người.
Đến hôm nay, cả hai văn tài ấy, đều đã đi vào cõi hoang vu. Song, câu hỏi đọng lại trong lòng nhiều người - những độc giả đã từng say mê mỗi trang giấy của họ, là liệu những áng văn chương diễm lệ ấy, có còn tái hiện trên văn đàn, có còn là cảm xúc bâng khuâng trong lòng người đọc sách?