(QNO) - Tuổi thơ đầy khổ ải, lớn lên, chàng thanh niên xứ núi Trần Anh Đức đã vượt qua số phận, tự khẳng định chỗ đứng trên thương trường cạnh tranh khốc liệt.
Trần Anh Đức sinh năm 1974, là người con thứ nhì trong một gia đình sáu chị em tại huyện Hiệp Đức. Lên sáu tuổi, Đức vừa học vừa phải tập làm nghề buôn bán vặt mong kiếm được đôi đồng mua sách vở để học. Lên cấp hai, Đức vừa học vừa phải theo những người trong làng cõng hàng hóa lên vùng cao để đổi lấy cái ăn.
Cuộc sống khốn khó cứ đeo bám nên chưa xong lớp chín Đức đã phải bỏ học, lên non làm cái nghề bất đắc dĩ: đào đãi vàng sa khoáng. Trăn trở mãi chưa tìm được lối đi ổn định, trong một đêm mưa tầm tã, anh quyết định trốn gia đình hướng thẳng vào đất Sài Gòn. Tuy nhiên sau một thời gian bôn ba, anh cũng tìm đường về nơi chôn nhau cắt rốn.
Sau khi quay về lại quê nhà, Trần Anh Đức cùng ba người bạn liên kết nhau xin chính quyền địa phương cấp cho 80ha đất rừng chồi, rồi bằng chính sức lao động, bốn anh em vừa đốn củi đem bán lấy tiền mua gạo, mắm muối, vừa dọn rừng để trồng cây keo và bạch đàn, vừa đào ao nuôi cá.
Khi cây phát triển khá, nhóm anh Đức tiếp tục huy động những hộ trong làng có bò nái mang đến cho nhóm anh chăn dắt theo phương thức ăn chia sau khi những lứa bò sinh sản. Có tiền thu nhập từ bò con, từ nuôi cá, trồng cây rừng, cuộc sống anh Đức có phần ổn định hơn.
Với ý chí và nghị lực, Trần Anh Đức vừa làm vừa học bổ túc văn hóa vào ban đêm cho đến ngày tốt nghiệp cấp ba, rồi anh được địa phương tiếp nhận và phân công làm bí thư đoàn xã, về sau được kết nạp vào Đảng và phân công làm trưởng ban tuyên giáo xã.
Đến đây anh cảm thấy mình đã chọn đúng đường đi. Nhưng với ba người bạn kia họ lại lần lượt rời bỏ núi rừng để kiếm tìm công việc khác. Năm 1998, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi tất cả diện tích đất ở khu vực Hiệp Đức do các chủ hộ quản lý mà sau 3 năm không sử dụng để giao cho công ty cao su, trong đó có diện tích đất rừng của anh.
Sau khi UBND tỉnh thu hồi, anh còn được 15ha. Nhận thấy cây keo lá tràm có hiệu quả kinh tế cao, anh lặn lội đến từng nương rẫy của người khác xin nhổ cây con về trồng. Sau mấy năm chăm sóc, rừng không phụ lòng người và anh trở thành một điển hình của lớp người trẻ tuổi làm kinh tế trên địa bàn Hiệp Đức.
Nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm, được cọ xát trong cuộc sống, và có thêm người bạn đời cùng chí hướng (vợ anh, chị Nguyễn Tố Uyên quê tỉnh Thái Nguyên), Trần Anh Đức đã thật sự đứng vững trên thương trường đầy sóng gió của một cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Công ty TNHH MTV Đức Uyên do Trần Anh Đức làm Giám đốc hiện sở hữu 15ha đất rừng với các loại cây keo, trầm hương, kỳ nam tại khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức và 5ha sâm Ngọc Linh tại thôn 1, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Tại các cơ sở này, hơn 60 lao động có việc làm thường xuyên, bình quân lương hằng tháng mỗi lao động công nhật là 8 triệu đồng, những người hưởng theo hình thức khoán sản phẩm thì 12 - 15 triệu đồng.
Các loại cây giống của công ty đã vươn xa đến các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa. Tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp đạt 12 - 15 tỷ đồng, trừ tất cả khoản chi phí còn lãi ròng 1,5 - 2 tỷ đồng. Anh Đức cho biết đang có kế hoạch loại dần cây keo để đầu tư phát triển mạnh các loại cây trầm hương, kỳ nam và sâm Ngọc Linh, vì theo anh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.