Xã hội

Nghị lực của chị Trang

VĂN TOÀN 07/03/2024 16:08

(QNO) - Sinh ra với đôi chân không lành lặn, chị Lê Thị Hồng Trang (khối phố Mỹ Hiệp, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) nỗ lực vượt qua trở ngại để sống có ích cho đời.

chi-trang-tam-ky-tai-nha.jpg
Dù ngày hay đêm, chị Lê Thị Hồng Trang luôn nỗ lực may vá để phục vụ khách hàng. Ảnh: V.T

Ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con chị Lê Thị Hồng Trang nằm sâu trong con hẻm đường Lê Lợi, TP.Tam Kỳ. Chị Trang mở đầu câu chuyện về tuổi thơ không may mắn của mình...

Chị kể, dù đã được 3 tuổi nhưng chị vẫn không biết đi. Chân trái không có cảm giác và teo tóp. Thời điểm này gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh nhưng vẫn không tiến triển. Đến tuổi đi học, chị phải dùng nạng mới di chuyển được.

Tuy khó khăn khi cả tuổi thơ gắn bó với đôi nạng, song chị Trang vẫn theo đuổi ước mơ con chữ. Năm 1999, chị theo học ngành kế toán tại Trường Trung học Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam (nay là Trường Cao đẳng Quảng Nam). Ra trường, chị Trang làm việc tại một số công ty trên địa bàn TP.Tam Kỳ, song do điều kiện sức khỏe, năm 2004 chị xin nghỉ việc.

Không muốn bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình, chị Trang mở một quầy bán quần áo trẻ em tại khu chợ gần nhà và học nghề sửa quần áo để kiếm thêm thu nhập.

Thời gian này, sau khi theo dõi chương trình “Những ước mơ xanh” trên kênh VTV1, chị được kết nối với một bác sĩ. Và sau 3 lần phẫu thuật khả quan, chị mới được trải nghiệm cảm giác bước đi trên đôi chân dù không trọn vẹn. Nếu di chuyển quanh nhà, chị cố gắng tập luyện không cần nạng; song nếu di chuyển xa hơn, chị phải cần sự trợ giúp của đôi nạng.

chi-trang-tam-ky-3(1).jpg
Chị Trang (ngồi xe lăn ngoài cùng bên phải) tại chương trình “Khoảnh khắc tháng 3” vừa được Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: V.T

Thời gian rảnh ở chợ, chị Trang mua thêm sách dạy cắt chỉ, may vá để tự học may. Đến năm 2010, chị quyết định dời quầy quần áo về nhà và mở thêm dịch vụ may mặc.

“Đây chính là quyết định bước ngoặc để mình tìm một nghề lâu dài lo cho cuộc sống. May mắn là nhờ những khách quen ở chợ giới thiệu, sản phẩm mình làm tỉ mỉ nên khách hàng ủng hộ, tạo điều kiện để mình kiếm thêm thu nhập” - chị Trang cười nói.

Hiện tại, công việc may mặc và sửa quần áo của chị Trang cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Con số không quá lớn nhưng với một người khuyết tật như chị, là cả một quá trình phấn đấu.

Khi được hỏi về những mong ước cho tương lai, chị Trang chia sẻ, năm nay đã gần 45 tuổi, lại hay bị đau vặt nên mong ước lớn nhất đó là sức khỏe. Là mẹ đơn thân nên chị phải càng cố gắng để lo cho con gái ăn học đến nơi đến chốn.

“Nếu có điều kiện hơn, mình sẽ mở một cơ sở may gia công, vừa dạy nghề, vừa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật như mình có điều kiện để kiếm thêm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống” - chị Trang bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực của chị Trang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO