Khoa học - Công nghệ

Nghiên cứu đa dạng sinh học ven bờ, đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải

Hà Quang 22/03/2024 14:12

(QNO) - Sáng nay 22/3, Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức hội thảo "Nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực biển ven bờ xã Tam Hải", do ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham dự.

z5272846350841_478101bec7b9b11ebae3f1f70afc2bf3.jpg
Đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: H.Quang

Đây là hội thảo trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh năm 2019: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành", do Ths.Phạm Bá Trung (Viện Hải dương học) chủ nhiệm. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng nhằm triển khai Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày 7 báo cáo tham luận về kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực biển ven bờ xã Tam Hải. Nhiều ý kiến chuyên gia và đại diện cộng đồng địa phương cũng góp ý và đề xuất cơ chế hoạt động, khu vực bảo tồn khi thành lập khu bảo tồn biển xã Tam Hải.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Hải dương học, vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,4ha thảm cỏ biển, 196,7ha san hô và rừng ngập mặn có diện tích 110ha với 173 loài san hô cứng, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm động vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tác động của tự nhiên và con người ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái biển tại khu vực xã Tam Hải nói riêng. Do đó, công tác điều tra nghiên cứu tài nguyên các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô cũng như nguồn lợi sinh vật liên quan là cần thiết nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

293451030_5392100057573917_2643374211807598352_n.jpg
Người dân địa phương khai thác rong mơ tại khu vực ven biển Tam Hải.

Theo ông Nguyễn Phi Thạnh, trong các hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh phải kể đến hệ sinh thái biển và ven bờ đóng vai trò rất quan trọng về phương diện cung cấp nguồn lợi thực phẩm, nơi cư trú, bãi đẻ và ươn giống cho rất nhiều các đối tượng sinh vật, duy trì cân bằng sinh thái và cũng là môi trường thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng biển. Trong đó, khu vực xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của tỉnh Quảng Nam.

Hội thảo lần này nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu về tài nguyên đất ngập nước khu vực xã Tam Hải và lân cận; hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn tại vùng biển xã Tam Hải và khu vực lân cận; đánh giá các bãi đẻ và ươn giống các nhóm loài nguồn lợi thủy sản quan trọng tại vùng biển xã Tam Hải và khu vực lân cận; dự thảo quy chế quản lý bảo tồn biển, đề xuất phân vùng chức năng khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải. Đồng thời, qua ý kiến của các chuyên gia, cán bộ chuyên môn, quản lý sẽ giúp cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài, hướng tới chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

ban-than-14-1-.jpg
Rạn đá ven bờ biển Tam Hải

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài khi đề xuất khu vực bảo tồn cần tuân thủ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch cảng Chu Lai trở thành cảng loại I và khu vực triển khai dự án nạo vét luồng Cửa Lở.

Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, sát thực tế khu vực sẽ được đề xuất bảo vệ nghiêm ngặt; mở rộng vùng nghiên cứu, nhất là khu vực rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành); tích hợp những bài học thực tế từ công tác bảo tồn để người dân dễ tiếp cận; cần số hóa dữ liệu nghiên cứu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu đa dạng sinh học ven bờ, đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO