Người Quảng Nam

Ngôi làng có cây di sản

AN TRƯỜNG 16/06/2024 09:15

Có lịch sử hình thành chừng 400 năm, làng Tiên Châu (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tuy nhỏ nhưng hàm chứa nhiều trầm tích di sản văn hóa có giá trị. Làng hiện có ba di tích cấp tỉnh và ba cây thị được công nhận cây Di sản Việt Nam…

anh-5-cay-thi-co-tuoi-doi-243-nam-duoc-cong-nhan-cay-di-san.jpg
Cây thị có tuổi đời 243 năm được công nhận cây Di sản.

Bề dày vùng đất

Khoảng đầu thế kỷ thứ 16, ngài Chu Công Đình - vị thủy tổ của tộc Châu/Chu, quê ở xã Cổ Đạm (nay là xã Cương Giáng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được phái chỉ của triều đình nhà Lê vào Nam mở rộng bờ cõi vùng đất phương Nam.

Cùng với các chư tộc anh em, vị thủy tổ Châu/Chu tộc Chu Công Đình đã đến vùng đất mới khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, dựng nên làng xã và đặt tên làng là Tiên Châu, thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (huyện Thăng Bình ngày nay).

Theo một bản văn khế cổ còn giữ được ở làng Tiên Châu và dựa vào gia phả của các tộc họ, vào năm Quang Hưng thứ 14 (tức năm 1591, thời vua Lê Thế Tông), tướng thần Trần Ngự ở làng Tiên Đóa đã bán nhượng một phần đất canh tác cho thủy tổ các tộc ở làng Tiên Châu. Như vậy, làng Tiên Châu có lịch sử hình thành cách đây khoảng 400 năm. Điều này cũng phù hợp với gia phả 16 - 17 đời của các chư tộc họ tại làng Tiên Châu hiện nay.

Đến đời vua Lê Hy Tông, vào năm Chánh Hòa thứ 10 (năm 1690), làng Tiên Châu chính thức được chuyển sang thành lập xã hiệu, có địa giới riêng và quy mô hành chính tương đương với các xã khác trong huyện, phủ thời đó…

Ngôi làng có ba di tích lịch sử cấp tỉnh…

Khi vị Thủy tổ Châu Tộc là Châu Văn Đình mất, nhân dân trong làng an táng tại một khu đất bằng phẳng, rộng và cao ở làng Tiên Châu. Ông được vua ban sắc phong là vị tiền hiền của làng Tiên Châu. Khu lăng mộ của tiền hiền Châu Công Đình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ với những câu đối bằng chữ Hán - Nôm bề thế và cổ kính. Ngôi mộ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2020.

anh-3-so-nghia-trung-lang-tien-chau.jpg
Sở nghĩa trủng làng Tiên Châu.

Nằm cách khu lăng mộ tiền hiền không xa là di tích Nhà thờ tiền hiền làng Tiên Châu. Đây là nơi thờ tự những bậc tiền nhân có công trong việc khai phá, lập nên vùng đất này.

Theo các vị cao niên, trước đây nhà thờ tiền hiền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ “bát vầng” với khung sườn nhà bằng gỗ mít, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí đề án “lưỡng long tranh châu”, các bờ chái trang trí tứ linh “long, lân, quy, phụng”.

Hiện nay, nhà thờ tiền hiền làng Tiên Châu được nhân dân trong làng tu bổ lại theo lối kiến trúc xưa đặc trưng của vùng đất Quảng Nam với kiểu dáng 3 gian 2 chái. Đặc biệt, mặt dưới của cây đòn đông hạ (xà cò) trong nhà thờ còn lưu dòng chữ Hán ghi lại năm xây cất ngôi đình là vào năm Tự Đức thứ 2 (tức năm Quý Dậu - 1872).

Trong những năm kháng chiến, nhà thờ tiền hiền làng Tiên Châu là cơ sở hoạt động cách mạng, từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Đây cũng là di tích lịch sử cấp tỉnh của địa phương.
Cách mộ tiền hiền hơn 500m về phía bắc và cách nhà thờ tiền hiền khoảng 1.000m về phía tây là di tích Nghĩa Trủng tự - địa điểm vừa được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2023.

Các bậc hương chức, trưởng lão trong làng đã chọn địa danh động Cây Mâm để dựng nên Nghĩa trủng tự. Năm 1973, Nghĩa trủng tự được trùng tu, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên mẫu yếu tố gốc. Sự ra đời của Nghĩa trủng tự thể hiện cách ứng xử coi trọng đạo lý nghĩa tình của dân làng Tiên Châu đối với những người tử nạn…

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Nghĩa trủng là điểm dừng chân, trú quân của nhiều đơn vị du kích, bộ đội và ghi dấu những chiến công của quân và dân xã Bình Sa cũng như vùng Đông Thăng Bình.

Ba cây di sản

Bên cạnh ba di tích đã được công nhận di tích cấp tỉnh, tại làng Tiên Châu còn có quần thể ba cây thị có tuổi đời hàng trăm năm. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã công nhận là cây Di sản Việt Nam vào năm 2016.

anh-2-nha-tho-tien-hien-lang-tien-chau.jpg
Nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu.

Ba cây thị này nằm trong khuôn viên của nhà thờ tiền hiền, là chứng nhân lịch sử, gắn liền với quá trình xây dựng và tồn tại của nhà thờ từ xưa đến nay.

Theo hồ sơ công nhận cây Di sản, quần thể di sản 3 cây thị ở nhà thờ tiền hiền ở làng Tiên Châu là 3 cây cổ thụ lớn nhất trong vùng. Đây là niềm tự hào và sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập ấp, xây dựng quê hương…

Trong tâm thức của người dân nơi đây, ba thiết chế thờ tự linh thiêng là mộ tiền hiền - nhà thờ tiền hiền và Nghĩa trủng tự đã tạo thành hình tam giác mà dân làng gọi là thế “chân kiềng”. “Chân kiềng” này đã bao bọc, che chở vững chãi cho làng Tiên Châu suốt mấy trăm năm qua.

Gắn với 3 di tích là ba cây di sản, những địa điểm này được kỳ vọng sẽ đưa làng Tiên Châu trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh, sinh thái độc đáo của xứ Quảng. Người làng Tiên Châu đang cùng nhau gìn giữ những giá trị quý báu của làng, để lưu truyền cho con cháu đời sau về những trầm tích di sản văn hóa của quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi làng có cây di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO