Nghề khai thác mực cơm tuyến lộng ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có “bước đột phá” khi gần đây nhiều tàu nhỏ khai thác được sản lượng lớn.
Cũng vì ghi nhận và ngạc nhiên với “bước đột phá” này mà lão ngư Trần Công Hường (ở thôn Tân An, xã Bình Minh) nhiệt tình liên lạc với phóng viên để cung cấp thông tin.
Ông Hường trước đây trải qua nhiều nghề, trong đó có một thời gian dài làm nghề khai thác mực cơm. Tâm huyết với việc giữ gìn thương hiệu “mực cơm Bình Minh”, nên ông đang có niềm vui chung với ngư dân địa phương khi nghề chụp mực được mùa.
Hiệu quả cao
Thời điểm này, tàu thuyền của ngư dân Bình Minh sau khi khai thác phải về neo đậu ở khu vực Cửa Đại để tránh gió nên ông Hường dẫn chúng tôi đến tận nơi và liên lạc với từng chủ tàu.
Ông nói về chủ tàu Đỗ Hồng Sơn (ở thôn Tân An) với vẻ phấn chấn: “Hắn mới đóng tàu đây chớ mấy, làm ăn đạt lắm. Chỉ vài chuyến biển là kiếm bạc trăm. Cái nghề ni không ngờ hiệu quả như rứa!”.
Anh Sơn chở chúng tôi ra tàu bằng chiếc thúng chai nhỏ tròng trành. Con tàu của anh đang neo đậu giữa sông, cảm giác cũng không mấy vững vàng vì kích thước tàu không quá lớn.
Anh cho biết, trước đây mình làm nghề chụp mực khơi trên chiếc tàu to gấp 2 đến 3 lần tàu này, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
“Do đi dài ngày với nhiều người quá, trong khi giá bán hải sản không cao, sản lượng ít và chi phí chuyến biển lớn, nên cuối cùng thu nhập hạn chế và bấp bênh. Thậm chí có chuyến lỗ tổn...” - anh giải thích.
Không theo nghề mực khơi nữa, đầu mùa biển năm ngoái, anh Sơn cùng một ngư dân khác ở địa phương rủ nhau đóng mới hai chiếc tàu nhỏ để làm nghề chụp mực tuyến lộng.
Tàu tuy nhỏ nhưng ngư lưới cụ, phương tiện được sắp xếp rất gọn gàng và được trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ việc đánh bắt. Tàu chỉ cần 3 - 4 lao động, thực hiện chuyến biển ngắn ngày, chỉ một vài hôm là vào bờ.
Anh Sơn cho biết, trước tết, một con nước (khoảng 1 tháng), tàu của anh khai thác được khoảng 3 tấn mực, bán được 300 triệu đồng (100 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 180 triệu đồng, chủ tàu thu nhập gần 100 triệu đồng. Ba chuyến biển gần đây tàu thu nhập khoảng 110 triệu đồng.
Cần tiếp tục khơi thông luồng lạch Cửa Đại
Ông Trần Văn Tám (thôn Tân An, xã Bình Minh) cho biết, gần đây hiện tượng bồi lắng Cửa Đại tái diễn, nhiều phương tiện đánh bắt hải sản của địa phương khi vào cửa thì bị mắc cạn, gây hư hỏng và tiềm ẩn tai nạn.
“Đang vào mùa khai thác mà nhiều tàu thuyền phải nằm chờ con nước lớn mới dám ra cửa là rất bất tiện. Rồi cũng có tàu khi muốn vào bờ bán hải sản nhưng buộc phải câu giờ ngoài biển, chờ nước lớn mới dám chạy vô...
Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục triển khai việc nạo vét luồng lạch Cửa Đại để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn” - ông Tám nói.
Chài mực trên biển
Để chúng tôi dễ hình dung về phương cách đánh bắt của nghề chụp mực, anh Sơn giải thích, vàn lưới chụp mực giống như một chiếc chài khổng lồ, thao tác cũng giống như vãi chài trên sông suối nhưng chủ yếu bằng máy móc.
Theo đó, khi tàu ra khơi, qua hệ thống thiết bị sẽ phát hiện dấu hiệu khu vực có đàn mực, sau đó dàn đèn trên tàu được bật lên để thu hút.
Khi đàn mực say đèn, hệ thống chài trên mũi tàu bất ngờ ụp xuống, hệ thống chì trong vàn lưới nhanh chóng chìm xuống biển và khép miệng lại khi được kéo lên, tạo thành một “cái rọ” bằng lưới bao quanh đàn mực.
Theo anh Sơn, phương cách đánh bắt này hiệu quả bởi hệ thống chì đã được cải tiến. Chì được gắn ở miệng vàn lưới nhiều hơn, nặng hơn nên nhanh chóng “khép góc”, thâu tóm đàn mực.
Kèm theo đó, hệ thống tời kéo phải khỏe mạnh, sau khi chiếc “chài mực” được vãi xuống biển, hệ thống này phải kéo vàn lưới lên nhanh chóng.
Một ưu điểm nữa là hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, công nghệ này ít tốn điện năng nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng cho việc thu hút đàn mực. Điều quan trọng là khi hoạt động, hệ thống điện bằng công nghệ led đã giảm tải cho máy chính khi phải đồng thời thực hiện việc tời kéo vàn lưới...
“Nói chung việc chụp mực phải diễn ra nhanh chóng thì mới hiệu quả. Đây cũng là điểm ưu việt của nghề chụp mực ở tuyến lộng với phương tiện nhỏ, bởi rất dễ cơ động, thao tác nhanh, tần suất thực hiện đánh bắt cao, không cần nhiều lao động...” - anh Sơn chia sẻ.
Ngoài “công nghệ” đánh bắt phù hợp, thương hiệu “mực cơm Bình Minh” cũng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề chụp mực.
Với đặc thù đánh bắt ở tuyến lộng, thực hiện chuyến biển ngắn ngày nên sản phẩm vẫn giữ độ tươi ngon, vì vậy loài mực cơm đặc sản ở biển Bình Minh vẫn có giá bán cao và ổn định trên thị trường.
Hiện tại ở địa phương, nhiều phương tiện đánh bắt vùng lộng như lưới mùng, lưới sưa cũng khai thác được mực cơm, nhưng không “chuyên nghiệp” như nghề chụp mực. Hiện Bình Minh chỉ có hai phương tiện làm nghề này, đang cho hiệu quả kinh tế cao.