Ngư dân Quảng Nam kiên tâm bám biển
Đoàn kết, kiên tâm bám biển quanh năm và mở rộng ngư trường là những nỗ lực vượt khó của ngư dân Quảng Nam trong bối cảnh chi phí chuyến biển tăng, trữ lượng hải sản giảm và tàu Trung Quốc xua đuổi, cản phá quá trình đánh bắt hải sản.

Nhiều cái khó
Ngư dân Trần Trắng (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-90794 vừa cập cảng cá Tam Quang bán hải sản sau chuyến biển 15 ngày với 15 bạn biển ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Trắng cho biết, chuyến biển thất bát, thu không đủ bù chi, chủ tàu và bạn biển thất vọng. Theo ông Trắng, đang vụ cá chính nhưng tàu Trung Quốc đủ loại ngang ngược xua đuổi không cho ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
“Trước đây đã có nhiều tàu cá của ngư dân xã Tam Quang bị tàu Trung Quốc đâm va làm hỏng vỏ tàu. Ngư lưới cụ trên tàu cá cũng bị tàu Trung Quốc cắt, phá, tịch thu. Hễ thấy tàu Trung Quốc thì chúng tôi phải né tránh, liên tục chạy lòng vòng, tốn nhiều nhiên liệu và không thực hiện được các mẻ lưới sau khi đã dò cá” - ông Trắng nói.
Ngư dân Trần Công Hiếu (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu câu mực khơi QNa-95539 vừa cập bờ bán mực khô sau gần 3 tháng bám biển ở ngư trường Trường Sa.
Ông Hiếu cho biết, chuyến biển đạt sản lượng 30 tấn mực khô nhưng thu nhập của ngư dân không cao, do chi phí chuyến biển lớn. Giá dầu tăng cao, giá lương thực, thực phẩm, nước uống… cũng tăng cao nên chi phí chuyến biển đến gần 2 tỷ đồng.
Mực xà ngày càng khan hiếm, đánh bắt ở ngư truyền quen thuộc sẽ không đạt nên phải điều tàu đến gần vùng biển của Philippines để câu mực. Câu mực nhưng phải thận trọng để thúng câu mực không qua vùng biển nước bạn.
Ngư dân Quảng Nam đang gặp vô vàn khó khăn. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trữ lượng hải sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn, ngư dân đã khai thác tới 3,6 triệu tấn/năm.
Trữ lượng hải sản giảm mạnh có nguyên nhân do cường độ đánh bắt hải sản lớn; trong khi đó, nguồn lợi bị tận diệt, hải sản non không kịp thời lớn nhanh để bù lại lượng hải sản đã bị khai thác quá mức.
Giá xăng dầu thời gian qua biến động mạnh kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đi biển dài ngày của ngư dân tăng cao. Trong khi sản lượng khai thác hải sản giảm, đầu ra hải sản bấp bênh, nhiều khi ngư dân bị ép giá bán nên không ít tàu cá thua lỗ đã nằm bờ.
Kiên tâm bám biển
Trong bối cảnh gặp quá nhiều khó khăn, ngư dân Quảng Nam nỗ lực vượt khó. Như trường hợp ngư dân Bùi Ngọc Dững (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-91926 công suất 720CV.

Ông Dững cho biết, để bám biển, ngư dân đã phải tìm kiếm, mở rộng ngư trường cho nghề lưới vây. Thay vì trước đây đánh bắt cá ngừ, cá nục ở vùng biển Hoàng Sa, ông Dững đã chuyển sang ngư trường Trường Sa - nơi giáp nhau với các vùng biển Philippines, Brunei, Indonesia.
“Đến được ngư trường mới này tốn thời gian đến 5 ngày 5 đêm, hơn gấp đôi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa truyền thống. Ngư dân ngại đến vì tốn dầu mà không biết có dồi dào hải sản không. Mỗi chuyến biển ở đây đem lại hơn 30 tấn cá, bán xong chủ tàu và bạn biển có lãi. Ngư trường mới mở ra cơ hội mới cho nghề biển” - ông Dững nói.
Ngư dân Trần Trắng cho biết, sẽ kiên tâm bám biển đến cùng. Để tăng hiệu quả đánh bắt hải sản, ông Trắng cho biết, nỗ lực hơn trong dò tìm hải sản hoạt động; tăng năng lực khai thác hải sản; sản xuất kiêm nghề.
Tiết giảm chi phí, ông Trắng sẽ phối hợp với các tàu cá khác, tổ chức sản xuất theo mô hình đội tàu cùng đánh bắt, tàu nhỏ sẽ đem hải sản vào bờ bán và mua vật tư thiết yếu ra biển phục vụ chung cho cả đoàn tàu.
Theo tìm hiểu, phía Trung Quốc đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản ở biển Đông từ ngày 1/5/2025 đến ngày 16/8/2025.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá là đã xâm phạm chủ quyền, lợi ích của ngư dân nên không có giá trị. Ngành thủy sản Quảng Nam động viên ngư dân bám biển bình thường và cần sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau.
Ông Toàn nói, ngư dân Quảng Nam cần nâng cao cảnh giác với tàu Trung Quốc; kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi cản phá, tấn công, gây hấn của tàu Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
“Qua hệ thống giám sát tàu cá, chúng tôi luôn theo dõi, đồng hành, tiếp sức với ngư dân bằng cách cảnh báo sự hiện diện của tàu Trung Quốc. Ngành thủy sản thực hiện đúng quy định hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ngư dân Quảng Nam cần phát huy vai trò là những “cột mốc” chủ quyền, giữ biển và cố gắng làm giàu từ biển” - ông Toàn nói.
Đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có 10 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu cá, tham gia của 4.879 lao động nghề biển; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu cá, tham gia của 8.063 lao động. Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và nghiệp đoàn nghề cá khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; ngư dân tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá.
Qua mô hình, ngư dân trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản, thông tin về ngư trường; phối hợp tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển, tăng thời gian bám biển; giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.