Trong những ngày đầu xuân mới, người Ca Dong ở xã vùng cao Trà Bui (Bắc Trà My) rộn ràng vào hội ăn trâu huê.
Theo già làng Hồ Dinh (ở núi Tam Lang, thôn 1, xã Trà Bui), đầu tháng Giêng hằng năm, sau khi kết thúc thu hoạch vụ mùa năm cũ, trước khi bước vào mùa vụ trồng tỉa mới, dân làng người Ca Dong mở hội ăn trâu huê.
Đây là phong tục truyền đời của đồng bào mừng đón năm mới, tạ ơn các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ vụ mùa năm cũ tốt tươi, lúa thóc dồi dào, dân làng ấm no, khỏe mạnh; đồng thời xua đuổi những không may, rủi ro, xúi quẩy của năm cũ để bước sang năm mới, vụ mùa mới hứa hẹn an lành, sung túc…
Ăn trâu huê, từ khâu chuẩn bị đến lúc đâm trâu, tổ chức tiệc thiết đãi dân làng, bè bạn, du khách thập phương thường từ 8 đến 12 ngày.
Ngoài con trâu, vật sống hiến tế các vị thần linh và cây nêu thiên để buộc trâu, gia chủ còn chuẩn bị gà, rượu cần, trầu, thuốc, cơm gạo tẻ, cơm gạo nếp (nếp nướng ống giang), các sản vật khác từ rừng, sông suối…
Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, các ngày thứ 7 và thứ 8, dân làng mở hội cồng chiêng, múa hát dân ca, ăn tiệc; đến khoảng 4 giờ chiều ngày thứ 8 thì tiến hành nghi thức tế cúng chính và đâm trâu.
“Sau 4 giờ chiều, khi mặt trời (ông trời) khuất núi thì tiến hành tế, đâm trâu, để trâu theo ông trời mà cùng khuất núi… Thịt trâu tế đãi khách ăn uống thỏa thích tại nhà gia chủ và được cắt chia cho dân làng, bè bạn mang về làm quà để người thân của họ không đến dự được thì ăn lấy may” - già Dinh chia sẻ.
Trong chiều tối ngày 14/2 (mùng 5 Tết Giáp Thìn) có hai hộ gia đình tại thôn 1, xã Trà Bui tiến hành nghi lễ chính đâm trâu gồm hộ ông Đinh Văn Trân ở nóc Già Dinh và Hồ Văn Xoan nóc Già Nét.
Trước đó, trong những ngày Tết Giáp Thìn đã có 3 hộ Nguyễn Văn Xuân, Trần Lúc Đem (thôn 1) và Nguyễn Văn Xay (thôn 5) tổ chức ăn trâu huê.
Thời gian ăn trâu huê của người Ca Dong tại xã Trà Bui kéo dài đến hết tháng 3. Sau đó, dân làng kết thúc các hoạt động lễ hội, tiệc tùng để tập trung ra đồng, lên nương rẫy trồng tỉa vụ mùa mới.