Xã hội

Người dân miền núi Quảng Nam khổ với quốc lộ 14D

P.GIANG 25/03/2024 16:21

(QNO) - "Cõng" hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa từ bên kia biên giới lưu thông qua lại mỗi ngày, tuyến quốc lộ 14D từ Thạnh Mỹ đi cửa khẩu Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều khổ sở cho người dân.

z5270528159994_7ae96fe54cb860df932b9702af58c741.jpg
Mỗi ngày, quốc lộ 14D "cõng" hàng trăm lượt xe tải trọng lớn lưu thông. Ảnh: P.G

Bụi mù mịt khắp phần lớn chiều dài tuyến đường. Mưa xuống, con đường lầy lội nhiều đoạn. Người dân còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi xe tải chở hàng hóa nối dài chạy suốt ngày đêm, cày nát quốc lộ 14D.

Nắng bụi, mưa bùn, thậm chí ùn tắc kéo dài, việc lưu thông của người dân qua tuyến đường này gặp rất nhiều phiền toái, rình rập nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Alăng Gi. (ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ, Nam Giang) cho hay, do đặc thù công việc, anh phải thường xuyên đi lại trên tuyến quốc lộ 14D mỗi ngày, từ nhà lên trung tâm xã Chà Vàl.

z5270700071669_1ca5304915099a46665a4f14c13363b2.jpg
Mặt đường cày nát, xe phải di chuyển chậm để né đoàn xe tải nối đuôi trên tuyến quốc lộ này. Ảnh: P.G

Anh Alăng Gi. nói, trước đây anh đi từ nhà đến trung tâm xã Chà Vàl chỉ mất thời gian di chuyển chừng một tiếng đồng hồ. Nay thì gấp đôi, có khi còn phải chờ đợi lâu hơn do liên tục ùn tắc và đường quá xấu.

"Chúng tôi rất mong cấp trên nhanh chóng có biện pháp quản lý các phương tiện chở hàng hóa qua lại trên tuyến đường này để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ tai nạn giao thông cho người dân. Đồng thời sớm triển khai tu sửa, làm lại đường để người dân qua lại” - anh Gi. nói.

Mùa nắng lẫn mùa mưa, đi lại trên “cung đường đau khổ” 14D, nhiều người dân phải mặc áo mưa suốt cả hành trình để tránh bụi, bùn. Xe tải nối đuôi chạy cả ngày lẫn đêm, xới nát cung đường, người dân không thể lưu thông vì bụi mù mịt, mất tầm nhìn.

z5270700138030_4a627b6e750a0f1468a5b4c4cc01bbfd.jpg
Nhiều đoạn trơ đá sỏi, rất nguy hiểm cho người đi xe máy. Ảnh: P.G

Ông Tơngôl Huân - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre (Nam Giang) chia sẻ, trước đây khi đường chưa xuống cấp, bà con các xã vùng biên xuống thị trấn Thạnh Mỹ chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ.

Bây giờ, đường đã hư hỏng nặng nhiều đoạn, việc đi lại nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông, gây ra lãng phí về thời gian, công sức của người dân khi có nhu cầu lưu thông trên tuyến đường.

Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị về việc cấm các loại xe chở quá tải, điều tiết lưu thông phù hợp để giảm áp lực lên tuyến đường này, hạn chế hư hỏng và đảm bảo an toàn cho nhân dân.

"Về lâu dài, rất mong các cấp ngành quan tâm đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến đường. Bởi đây là trục giao thông huyết mạch của bà con các xã biên giới” - ông Huân đề xuất.

z5270700144273_48c4b9bbca55ca85e47cd75705584e02.jpg
Người dân địa phương cho hay, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn lưu thông qua tuyến đường này. Ảnh: P.G

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, quốc lộ 14D là tuyến huyết mạch, liên quan rất lớn đến đời sống dân sinh, sản xuất của người dân các xã vùng cao.

Ông Chương cũng cho biết, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác khi lưu thông trên quốc lộ 14D để đảm bảo an toàn cho mình. Đồng thời chỉ đạo đơn vị chức năng khắc phục tạm thời một số đoạn, điểm.

"UBND huyện đã kiến nghị rất nhiều lần với các cấp, ngành ở tỉnh, với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc đầu tư nâng cấp trên tuyến đường này. Song, đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Địa phương rất mong Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường, giúp đỡ người dân vùng biên giới bớt khó khăn” - ông Chương nói.

z5270700155083_2a02e2465df1638ab8c06262c85b34cc.jpg
Tầm nhìn của người tham gia giao thông bị ảnh hưởng lớn do đường xuống cấp, bụi mù mịt. Ảnh: P.G
z5270700204334_90207e32ea185c9b747370fd7230ad3f.jpg
Chính quyền địa phương cho hay cũng đã chỉ đạo khắc phục một số điểm, song chỉ đảm bảo tạm thời cho phương tiện lưu thông. Ảnh: P.G

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người dân miền núi Quảng Nam khổ với quốc lộ 14D
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO