(VHQN) - Ting… ting… ting…. Bà Bá hí hửng như trẻ con.
- Có lương rồi ông ơi!
Trước đây vợ chồng bà tự đi lãnh lương hưu ở phường, không chịu chuyển qua thẻ ATM với lý do mỗi tháng gặp bạn bè một lần cho đỡ nhớ, chứ ở nhà hoài chẳng giao tiếp với ai cũng buồn, khách khứa chẳng có.
Nhưng rồi được một thời gian cũng ngấy, tưởng gặp nhau nói chuyện gì, toàn là chuyện huyết áp cao, mỡ máu tăng, rồi tiểu đường nên ăn cái này cữ kiêng thứ kia… vậy là lãnh lương qua thẻ cho tiện.
Thằng Út từ nhà sau chạy lên.
- Nhà mình đi du lịch một chuyến, đổi không khí vài ngày được không ba mẹ?
Ông Bá hồ hởi hẳn lên.
- Ừ đi chơi cho vui!
Nói thế chứ ông lúc nào cũng chiều theo ý bà, bà đi thì ông đi, bà ở nhà thì ông ở nhà, lâu nay là vậy. Với bà đi chơi thì cũng vui nhưng ngại cho ông sức khỏe có theo kịp hay lại gây phiền hà cho tụi nhỏ như chuyến đi năm ngoái thì khổ.
Đúng là chuyến du lịch năm ngoái chẳng ra đâu vào đâu. Bọn nhỏ muốn ông bà được bồi dưỡng nên chọn một resort chẳng xa nhà là mấy, nghỉ lại vài đêm, tắm nắng, tắm biển, ăn uống, dạo bộ… Đến nơi trời nổi mưa, ở lì trong phòng, nằm nghe biển thét gào làm sao vui được. Thằng Út nhanh nhẩu.
- Cả nhà đi Cù Lao Chàm, mùa này đến đó là đúng bài luôn!
Bà hơi lưỡng lự.
- Ba con có đi được không, sợ sóng sợ gió.
Rồi bà yên lặng. Sợ ông say sóng là có thật nhưng có một lý do khác mà bà không nói ra. Hồi còn trẻ bà đã đến nơi này nhiều lần, không chỉ vào mùa hè nắng ấm biển lặng mà cả mùa đông rét lạnh bởi mối tình đầu của bà với chàng trai quê ở cù lao này.
Lần cuối cùng bà đến với anh là mùa ngô đồng nở hoa. Con đường quanh co rợp màu hoa đỏ nổi bật giữa màu xanh của biển. Bà không nghe thằng Út nói gì đó với ba nó, chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào, câu chuyện ngày xưa ùa về gấp gáp và đứt quãng.
- Bọn mình cố men ra ngoài kia, chỗ những cây ngô đồng cổ thụ, em thấy những chùm hoa đỏ đang soi mình dưới lòng biển xanh, đẹp quá!
Họ gan lì dìu nhau qua những chỗ nguy hiểm nhất chỉ để ngắm những chùm hoa đỏ, đúng hơn ngắm những bóng hoa đang dập dềnh trên nước biển.
- Ở vùng này, những thiếu phụ ngóng đợi chồng đi biển dài ngày, nhớ thương mòn mỏi họ không hóa đá vọng phu mà hóa thành những cây ngô đồng… và những bông hoa đỏ, biểu tượng của tình yêu chung thủy.
Anh bất ngờ quay lại nhìn vào đôi mắt đang ăm ắp hạnh phúc của người yêu.
- Ngày mai anh phải đi xa, em có đợi có chờ, có là một cây ngô đồng vọng phu?
Tưởng anh đùa, ai ngờ anh đi vào chiến trường Tây Nam và không bao giờ trở về. Tin anh hy sinh, chỉ là một tờ giấy báo tử, anh đã không về dù chỉ là nắm xương thôi. Bà không là cây ngô đồng vọng phu bám vào vách đá cheo leo ngóng đợi anh về mà cứ trôi theo dòng đời rồi tấp vào bến nhà ông Bá.
Cuộc sống êm đềm hạnh phúc kéo tuột bà ra khỏi vườn ký ức với truyền thuyết cây ngô đồng vọng phu nở những chùm hoa chung thủy đầy chất lãng mạn, thi thoảng bóng những chùm hoa đỏ dập dềnh trên sóng biển vẫn hiện về trong những giấc mơ nhưng rồi nhanh chóng tan loãng.
Tiếng thằng Út làm bà giật mình.
- Cuối tuần này cả nhà mình đi, được không mẹ?
- Ừ… ừ… tùy các con thôi!
Chiếc tàu gỗ đưa cả nhà lướt êm trên biển. Cảm giác một thời tuổi trẻ trở về như có đám mây vừa kéo ngang tâm trí bà. Những con sóng rỗng không nhẹ tênh đập vào trái tim bà dễ chịu. Bà úp mặt vào đôi tay, che vội những giọt nước mắt đang trào ra từ một mảng ký ức nào đó.
- Này! Bà có bị làm sao không? Say sóng hả?
Giọng ông Bá, vừa hiền vừa tội. Ngước lên, chưa kịp nói gì, đã thấy ông đưa chai dầu đỏ.
- Xoa hai thái dương, hít vào một chút là dễ chịu ngay!
Bà len lén nhìn ông, đôi mắt buồn hối lỗi.
Đêm ấy, đêm cù lao cuối tuần…
Sau khi dạo quanh làng chài hoang sơ thơ mộng, giúp bọn trẻ nhặt những vỏ ốc đủ kích cỡ, thưởng thức những hương vị hải sản tươi sống, cả nhà đưa nhau đi dọc con đường nhộn nhịp với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, cuối cùng dừng lại ở khu trình diễn đan võng ngô đồng. Người dân dùng vỏ cây ngô đồng ngâm nước rồi đánh sợi đan thành võng, chỉ có thế mà hấp dẫn bà đến quên cả đất trời.
Thật ra người đàn ông đan võng đã thôi miên bà không phải bằng đôi tay khéo léo uyển chuyển tài tình mà bằng đôi mắt đầy ma lực của tình yêu. Thoạt nhìn, đôi lông mày bạc trắng rủ dài ươn ướt ngỡ như hơi sương còn vương đọng.
Khi ông ngước lên, cái màu nâu sáng lấp lánh từ đôi mắt dịu dàng quen thuộc ấy cứ như chiếu rọi vào người đang nhìn ông, thứ ánh sáng huyền nhiệm khiến tâm hồn rung động.
Bà đã không cưỡng lại được cái nhìn ấy, bần thần thẫn thờ buông tay ông Bá đang nắm tay bà. Bà rùng mình, một chút se lạnh bởi gió đêm hay những cảm nhận lạ lùng đang chạy dọc trong cơ thể. Chính là anh ấy, không thể nào!?
- Thưa quý khách, người trình diễn đan võng ngô đồng là ông Mật, 70 tuổi, một chiến sĩ từng tham chiến ở nước bạn Campuchia, tưởng đã hy sinh ở chiến trường nhưng rồi ông đã trở về. Tuy đôi chân không còn nhưng ông vẫn còn đôi tay khéo léo truyền nghề đan võng cho các con các cháu…
Tai bà ù đi, bà muốn hét to lên, nhưng lồng ngực bà không còn chút hơi nào, chỉ là âm thanh trỗi lên trong thinh lặng, anh Mật ơi!
Con đường chính của Bãi Làng hình như vừa trải qua một biến cố, những con người bất động, tất cả biến thành tượng đá, đông cứng.
Chỉ có bà, đang cô đơn giữa rừng tượng và bước chân rã rời giữa thiên nhiên hoang sơ, cảm giác yên bình thơ mộng mới đây thôi đã biến mất trong tích tắc.
Bà liêu xiêu trong đêm, những bước chân đi về phía biển. Con sóng nhởn nhơ vỗ bờ, sự lặp lại đến nhàm chán. Một mình trên bãi vắng, bầu trời đêm cất giấu không hết những vì sao, chúng lấp ló như muốn lẩn thoát, trốn tìm nhau… Bà đưa mắt nhìn ra khơi xa, một khúc quanh của biển che lấp tầm nhìn, chỉ là màu đen của bóng cây ngô đồng đổ dài bất tận...