Lâm nghiệp

Người đồng bằng trồng sâm...

Ghi chép của HÀ QUANG 06/07/2024 08:37

Đường sá bon bon. Một chuyến ngược núi Ngọc Linh từ đồng bằng lên bây giờ khá dễ dàng bởi khoảng cách dường như ngắn lại, nhưng câu chuyện với người trồng sâm thì dài ra với nhiều nỗi lo.

z5569675254997_321a3dbb6776804580cd09e1794bebb4.jpg
Nguyễn Văn Khương kiểm tra vườn sâm của mình. Ảnh: H.Q

Lên vườn

Đoạn đường bê tông uốn lượn nhỏ hẹp dưới chân núi (thuộc thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) trở nên chật chội bởi đây là nơi tập trung của nhiều người trước khi lên vườn sâm. Một bãi đỗ xe được san ủi tạm đã có nhiều chiếc ô tô con đậu ngang dọc. Ven đường, từng đống lưới B40, tôn, bạt nhựa... cũng tập kết chờ được cõng đi.

Con đường bê tông này, nếu không quá đông đúc thì sẽ là một điểm nhấn trong khuôn hình đẹp của núi rừng với nhà cửa nhấp nhô men theo triền núi; một bên là thung sâu xanh ngát cây lá và bềnh bồng mây.

Con suối chảy từ đỉnh Ngọc Linh về quanh làng đáng ra có thể là một điểm kết nối của cộng đồng trong sinh hoạt hằng ngày, thì đang chói chang với nhiều mảng màu của rác thải nhựa...

Nhiều người nói về con đường bê tông đến thôn 2 Trà Linh với sự biết ơn bởi cách đây vài năm, những chiếc ô tô đậu đỗ ngang dọc kia không thể tiếp cận khu vực này. Dân đồng bằng, nhất là những người thường lui tới vườn sâm, khi cuốc bộ hoặc phải gập ghềnh trên xe máy đến đây đã “ná thở” trước khi leo núi. Nhờ con đường, người và xe cộ đến đây tấp nập hơn.

Một vài hàng quán tạp hóa mọc lên, lem lút màu đất nhưng có vẻ đa dạng hàng hóa. Có quán còn đầu tư cả sân đỗ xe và bãi tập kết vật liệu; rồi kèm theo vài chiếc ghế nhựa, đôi ba chiếc võng để khách nghỉ tạm trong tiếng nhạc nhập xình... Một góc cộng đồng Trà Linh quanh năm mây trắng đang dần nhộn nhịp với nhiều sinh kế mới để đáp ứng nhu cầu dịch vụ thiết yếu của người trồng sâm.

Con đường đã làm bớt đi một phần nhọc nhằn của nhiều người, nhưng với đội hình cõng thuê thì sự cơ cực vẫn bám đuổi bởi dưới chân họ chỉ toàn dốc núi dựng đứng.

Một ký vật liệu cõng trên lưng vượt núi được trả khoảng 5 nghìn đồng. Những gói hàng thường rất nặng và không thể tách rời này đã đem lại thu nhập cao, nhưng cũng khiến đôi chân họ rã rời.

Hồ Văn Bông (một người dân địa phương) nói ngày trước chưa có đường, phải ra tận ngã ba Trà Nam để cõng hàng, bây giờ thì xe tải đã tập kết vật liệu đến chân núi.

Dân cõng thuê mệt nhất là đoạn từ chân núi đến vườn, vì toàn dốc dựng đứng, đường thì nhỏ hẹp, trơn trượt. “Phí vận chuyển” đã bị bóp lại do đoạn đường ngắn, nên anh phải tranh thủ đi thật nhiều chuyến trong ngày...

z5569678160958_5ccc369bb8f5791129af558a3d407d05.jpg
Một đoạn đường bê tông nhộn nhịp tại thôn 3, Trà Linh. Ảnh: H.QUANG

Bắt đầu từ con đường bê tông ven núi, lại một đoàn người gùi cõng, xuyên rừng lên các vườn sâm... Tôi theo lối mòn dưới chân họ, cũng bở hơi tai với khoảng 30 phút đường rừng để đến được vườn sâm của một người bạn.

Nguyễn Văn Khương (chủ vườn sâm) nói như an ủi rằng con đường mới này dễ đi hơn, vườn sâm mới này gần hơn chứ như ngày trước là leo dốc “xì khói”. Vườn của anh hiện vẫn rất gần so với các chốt sâm của người quen trên kia... Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của anh, không thấy gì ngoài màu xanh của cây, nhưng cảm giác đã bớt đi sự quạnh quẽ trong hơi lạnh của núi rừng đang về chiều.

Những mối lo...

Khương bám trụ với rừng núi Trà Linh khoảng 8 năm nay, đã thay đổi địa điểm trồng sâm vì nhu cầu ra riêng khi đã tích cóp được chút vốn liếng. Vườn sâm của anh bây giờ có diện tích khoảng 1,6 héc ta, trồng 30.000 cây lớn nhỏ và đang được mở rộng với chiến lược lấy ngắn nuôi dài.

Mỗi năm, anh thu hoạch lá và hạt, bán một ít để lấy tiền trang trải, phần lớn khoản thu còn lại dành để tăng số lượng cây trồng. Năm vừa qua, anh thu hoạch được khoảng 100 lon hạt nhưng chỉ bán một nửa (khoảng 80 triệu đồng/lon), nửa còn lại để gieo ươm tạo cây giống.

z5492859018868_6d1ba5f9bef1e94fb95c1c8d0d0fb9c9.jpg
Một vườn sâm xanh tốt giữa cánh rừng già. Ảnh: H.Q

Do mở rộng quy mô sản xuất nên gần đây Khương đã kêu thêm ba người em cùng lên núi để phụ việc trồng sâm, còn anh chủ yếu đóng vai “ông chủ”. Tính luôn những vườn sâm lân cận, gia đình anh lên đây tất thảy 15 người.

Khương cho biết, trước đây anh làm cho một doanh nghiệp xây dựng ở Nam Trà My, rồi được gợi ý chuyển qua trồng sâm với ít “cổ phần” làm vốn liếng ban đầu.

“Lúc đó mình chưa hình dung ra việc trồng sâm, nhưng được anh em động viên nên theo luôn. Bây giờ thì đã có kinh nghiệm, nhưng vẫn còn... sợ vì cây sâm dễ rủi ro lắm. Nhìn vườn sâm sướng con mắt vậy chứ biết đâu được, chỉ sau một đêm hoặc một mùa là tiêu tan. Những lần lên đây, mình không thể nào đi ngủ sớm, phải dạo quanh các khu vực để dòm ngó, nghe ngóng. Có hôm nghe sột soạt từ trên cây là thức suốt để canh giữ và thầm khẩn cầu...” - anh nói.

Trong bữa cơm tối giữa rừng, vì có khách từ đồng bằng lên chơi nên Khương đã mời đông đủ “đại gia đình” trồng sâm của anh. Dù rôm rả về công việc nhưng ai cũng tránh nhắc về loài động vật gây ra tiếng sột soạt từ trên cây bởi đây là điều cấm kỵ.

Loài chuột núi “nhanh còn hơn sóc” thật sự đã ám ảnh người trồng sâm. Nhớ lần lên vườn sâm ở Trà Nam cùng một người quen, tôi chứng kiến vẻ sửng sốt của anh khi nhìn vườn sâm ba năm tuổi bị tỉa ngang như đám cây bồ ngót vừa thu hoạch. Chỉ một đêm, loài gặm nhấm này đã gây thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Anh nói, mình bỏ biển lên rừng trồng sâm, tưởng đâu thoát được cái cảm giác bấp bênh sóng nước, nào ngờ cũng nhấp nhổm lo âu với nguy cơ trắng tay ập đến từ trên ngọn cây rừng.

Nam Trà My hiện có khoảng 1.500 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên diện tích 1.650ha, con số này bao gồm cả những người dân ngoài địa phương hiện chưa thể thống kê được. Cạnh đó, Nam Trà My cũng đã thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích gần 342ha.

Thời gian tới, dự kiến huyện Nam Trà My sẽ tập trung gieo ươm, trồng mới sâm Ngọc Linh đạt 15 - 20ha/năm (tương đương 300.000 - 400.000 cây/năm)... Núi rừng Ngọc Linh đã được khuấy động với nghề trồng sâm theo hướng hàng hóa trong nỗi lo nguy cơ từ chuột và bệnh dịch do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.

Một nỗi lo khác, với cách trồng nổi trên mặt đất bằng ki rổ và che chắn kín bưng như hiện tại, câu chuyện vật liệu thiếu thân thiện với môi trường chồng chất tại vùng trồng sâm không dễ giải quyết.

Với những người đồng bằng trồng sâm như Khương, còn thêm lo lắng là chi phí sản xuất khá cao, do được hoạch toán dựa vào giá cả của sản phẩm sâm Ngọc Linh hiện tại.

Anh nói trăm thứ mình đều phải mua từ đồng bằng cõng lên, chứ ở trên này dù chỉ là một thân cây khô cũng không thể chặt và sử dụng bởi quy định bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Trong khi đó, không ai biết được giá sâm có thể rớt xuống lúc nào bởi nó được xây dựng trên một “nền tảng” thiếu vững chắc.

Không ai phủ nhận tính ưu việt của cây sâm Ngọc Linh, nhưng việc nó được thêu dệt như một loại thần dược với kiểu sử dụng theo kinh nghiệm bản thân, thật sự là mối lo.

Thị trường của sâm Ngọc Linh gần đây đã bớt nhộn nhịp hơn, khiến nhiều người trồng sâm cảm nhận theo hướng nguồn tiền tươi từ các nơi không còn dồi dào nữa.

Nhiều người cho rằng, để lâu dài thì giá sâm Ngọc Linh dù đang ở đỉnh nào cũng phải được trả về đúng giá trị thật của nó với những chỉ số minh bạch. Nhất là khi nó được định hướng phát triển là một loại hàng hóa đặc biệt, mang thương hiệu của Việt Nam và định vị ở thị trường xuất khẩu.

Vì vậy, nó phải được chuẩn bị bài bản ngay từ vùng nguyên liệu để thoát khỏi hướng đi của con tôm từng một thời bùng nổ. Bây giờ con tôm Việt Nam đã trở thành hàng hóa có thị trường xuất khẩu ổn định và thương hiệu mạnh, nhưng người nuôi tôm vẫn chưa hết bấp bênh!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người đồng bằng trồng sâm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO