Ngõ vào làng Lao Đu dễ tìm, bởi ngay trên đường Hồ Chí Minh, có cổng ghi tên hẳn hoi. Lâu tôi mới ghé lại, thấy thêm tấm bảng gần cổng, giới thiệu là khu du lịch cộng đồng.
1. Cũng lâu lắm rồi, dễ chừng 20 năm trước, tôi cùng một đồng nghiệp ở đài truyền hình tạt qua đây. Nay bước vào cổng làng trong tôi lại hiện về cảnh cũ.
Hồi đó đường đất lồi lõm. Những gương mặt lúc thắt lại lúc chùng xuống vì sốt rét, thiếu ăn. Những bó củi trĩu trên vai người già lẫn con nít tuổi đang học cấp 2. Nhà cửa xám đen vì gỗ mục, tôn rách.
Còn bây giờ thì cờ quạt, đồ trang trí xanh đỏ, bê tông, xe máy, cafe…mọi thứ như bức tranh cũ/mới đặt cạnh nhau. Sáng sớm, thanh niên còn tụ quán cà phê như ngoái hết ra nhìn khách. Người ta còn chưa ăn sáng, mà mình đã tìm tới.
Tôi chột dạ khi bạn đi cùng hối ông già A Song Ba. Đồ ăn sáng đã bày ra, nhưng ông khoát tay: “Từ từ ăn cũng được”. Đúng là quá lâu, tôi không nhận ra được ông nữa, hay nói đúng hơn, hồi đó, những ông già sàn sàn tuổi nhau, ăn mặc như nhau và cùng dấu khắc nghiệt của áo cơm và thời gian lận đận theo bước chân tõe ra bởi một đời đi rừng. Những gương mặt như tượng gỗ trong mưa. Nó khiến kẻ đối diện bị ký ức xóa.
Tôi hỏi ông chuyện bây giờ thuận lợi, khó khăn cái gì, thì ông liệt kê rằng đường sá bê tông hết nên đau ốm không sợ chạy không kịp lên huyện, con nít có trường học đầy đủ.
“Tôi cho 1.000m2 để xây trường cấp 1 đó, nhà nước xây đàng hoàng”. Còn khó khăn thì dẫu là xã nông thôn mới (NTM), nhưng để làm giàu bền vững là không dễ, chưa nói ở đây còn 16 hộ nghèo và cận nghèo.
Đất không có. Người thì tăng thêm. Ngoài làm rẫy, làm thuê, không biết làm gì cho ra tiền. Bà con xung phong giảm nghèo bởi chủ trương của xã huyện, nhưng nói lại cho rõ, như ông Đặng Trọng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Xuân, những tiêu chí xét duyệt để đạt xã NTM năm 2021 mới xấp xỉ 70 - 80%, năm 2023 thì 3 tiêu chí hộ nghèo, mô hình sản xuất, thu nhập bị rớt.
Huyện giao Phước Xuân mỗi năm thu 14-15 triệu đồng tiền ngân sách, nhưng năm 2024 chỉ thu được 7 triệu… Lên NTM là động lực để bà con cố gắng vươn lên nữa, là chất kích thích để làm ăn, để không như trước đây nữa. Đó là lời ông và cán bộ xã.
Già A Song Ba nói cái câu “như trước đây” rất nhanh, tôi thoáng thấy như có rẻo mây xám vừa lướt qua mặt ông. Có lẽ người miền núi có những ràng buộc văn hóa tín ngưỡng nặng và bền hơn nơi khác, dù là trước đây hay bây giờ ở những “kẻ ăn rừng” ít có bay màu, nếu có thì chỉ ở những cái đầu thức thời.
Ông là một trong những người già tiến bộ hiếm hoi như thế. Tôi hơi bị giày vò: “Chú ăn sáng đi”. “Lo chi, tôi uống cà phê rồi, nên ăn trễ”. “Năm nay chú bao nhiêu tuổi hè?”. “80”. Ngó ông như cây lim rừng chỉ còn lõi. Tuổi ông, làng này chỉ còn 1-2 người. Thời gian đã tiễn biệt hết. “Ừ văn hóa truyền thống à, cái nào tiến bộ thì giữ”. Nói đến đây bỗng nhiên ông bật cười: “Lắm thứ sợ không đúng”.
2. Người làng này và Lao Mưng, là dân di cư tự do từ Đắc Lây sang Phước Sơn cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
Có ý kiến rằng, lẽ ra tất cả ở Lao Đu khi thấy ở đây đất tốt, thuận lợi lập làng, đi đứng, nhưng do mâu thuẫn của hai người là anh em ruột cầm đầu đoàn đi, nên họ tách ra, lập thêm làng Lao Mưng.
Trong ký ức nhiều người, bao bước chân ven rừng sang được tới đây là bấy nhiêu trận sốt rét và đói khát, chết chóc. Đất cũ đãi người mới. Họ lập làng và an trú tới giờ. Lớp con cháu làm sao biết những khốn khổ của đời du canh du cư. Nhưng dù đến nơi ở mới, cũng đâu quên tục cũ.
“Ừ, như cúng người chết đó, nhớ lại quá khổ luôn. Nhà có người chết thì cữ, phải ở trong nhà 10 ngày, hết ăn rồi ngủ, chứ nếu bước ra khỏi nhà là bị đau ốm liền, do con ma bắt. Hỏi, nghỉ không làm chi hết chừng đó ngày, lấy gì mà ăn hả?”, ông nhìn tôi, hỏi như hỏi chính ông.
Đâu dễ chi nói được câu này. Cứ coi ở đồng bằng, những kiêng kỵ không giải thích được và sự chứng nghiệm từ đó đều không có bằng chứng, nhưng người ta vẫn bám riết. Trăm sự do sợ. Cái câu “ông bà xưa nói rồi” như khẩu quyết trói buộc, nhưng đâu phải kinh nghiệm nào cũng trường tồn với thời gian.
- “Giờ thì còn mấy ngày?”.
- “3 ngày, sau khi chết thì tính thứ tự ngày thứ 1 - thứ 3 - thứ 5 được nghỉ, như mình đi làm rẫy mệt về nghỉ ngơi vậy”.
- “Ai là người phá được quy định 10 ngày đó hả chú?”.
“Tôi phá”, ông bật cười to.
- “Hồi đó nhà tôi có người chết, bà con sợ lắm, nhưng tôi quyết ngày hôm sau đi thử. Chỉ hai người đi thôi, số còn lại ở nhà đề phòng đau ốm”.
- “Hỏi thiệt, lúc đó chú sợ không?”
- “Sợ chứ, nhưng liều, đi để coi trong ngày có ai bị đau ốm chi không, tối đó thức tới sáng để coi ra răng. Sáng ra thấy mọi người bình thường, thế là hết sợ. Từ đó bà con truyền miệng nhau. Sau đó trong làng có ông đó cũng cữ, nhưng người ta nói nhà ông Ba có cữ đâu mà không ai đau ốm kìa”.
Và tục đã đổi từ chừng 10 năm trước.
3. Tôi nghĩ về những cánh rừng đã xa. Năm tháng dệt lên mặt người những vết dấu mà phận ở rừng nương náu với những cái cúi đầu vô hình. Bởi không thể khác, khi và chỉ khi ra khỏi rừng già, thì những tự vấn mới tới, nhưng gỡ nó, những dây rừng ràng trói chằng chịt lê chân không nổi, đâu dễ dàng chi.
“Ủa, nhưng phải có cách chi đó để mình như làm phép trước khi ra khỏi nhà chứ?”, tôi hỏi. “Có chứ, ông nói, có mẹo đấy, lấy tàn thuốc lá màu trắng bôi lên trán làm cho con ma nó sợ, mình sẽ mạnh khỏe qua núi qua sông”.
Tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy bàn thờ trong nhà ông, cũng vải trắng ghi chữ Hán, bát nhang, hương đèn như tục người Kinh. “Bàn thờ ba mẹ tôi đó. Khi tôi đốt nhang, bà con sợ bỏ chạy, vì người Bh’noong đâu có đốt nhang. Nhưng rồi có chuyện chi đâu. Cũng mới 3 năm trở lại đây thôi, chứ trước đây cúng, lễ cứ giết trâu miết, chừ có chi làm nấy”.
Ông nói và xua tay liên tục, lúc khoát mạnh, lúc ấp hai tay vào ngực khi nói về những đức tin thiêng liêng. Điệu bộ của người khá thông minh, có phong thái thủ lĩnh quyết đoán. Chẳng lạ ông là già làng uy tín, là đảng viên, từng làm chủ tịch mặt trận.
Con trai ông giờ là Phó Bí thư xã Phước Xuân. “Nhưng phụ nữ miền núi khổ quá…”, tôi thòng dò một câu.
“Bình đẳng rồi - ông nhấn giọng - hồi đó con gái 18-20 tuổi không cho ăn thịt gà, vì họ nói mai sau làm lúa gạo không được, do con gà ăn lúa gạo ngày đêm, sẽ làm cho cơm không có mà ăn, lúa trong kho không còn, mà con gái tuổi đó là đi làm lúa từ lúc trỉa tới thu hoạch đem về”. “Tục này chấm dứt khi nào?”. “Ồ, lâu rồi. Hồi mẹ tôi còn sống, bà thấy bộ đội, TNXP nữ ăn miết, đâu có chuyện chi, thì bà mới cho con cháu gái ăn”. “Giờ còn cấm chi ở nữ nữa không?”. Ông trầm tư. “Cũng còn, như thịt chó, dê, đàn bà con gái không được ăn ở nhà, còn họ ra quán ăn thì được”. “Vì sao?”. “Không biết”.
Ông như cuốn tư liệu cũ. Những mảng đời, khoảng trời của ngày xưa cũ xếp chồng lớp, như cuốn băng dày, nếu có điều kiện ông gỡ băng, chắc lắm điều hay.
Sao tôi vẫn cứ bị hằn ghim ý nghĩ, rằng bước chân du canh du cư, vốn sinh ra từ tập tính sinh hoạt của người miền núi. Đó là toa tàu kéo theo những định ước hấp dẫn và lạ lùng, nó hợp với đời lang thang, lại là con đẻ của những suy nghiệm thô sơ nhưng lại là một bầu trời đầy ma mị và lý thú với chính họ.
Ở cái làng này, bộ nhớ như ông, chắc không còn người thứ hai. Một đại diện cho thế hệ di cư cuối cùng. Mai này rồi ông cũng về với ông bà, với rừng xưa đã khép. Thấy tiếc không thể giải thích tận cùng.