Văn hóa

Bảo tồn văn hóa miền núi gắn với phát triển sinh kế

PHAN VINH - TUYẾT TRINH 10/04/2025 08:54

(QNO) - Các tộc người Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ Nông (Bắc Trà My) đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn từ từng nhịp trống chiêng, nếp nhà sàn, bộ chuỗi cườm, thổ cẩm bên khung dệt... Câu chuyện “hồi sinh” văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đang được viết tiếp bằng hơi thở của đời sống hiện đại.

bao ton

Các tộc người Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ Nông (Bắc Trà My) đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn từ từng nhịp trống chiêng, nếp nhà sàn, bộ chuỗi cườm, thổ cẩm bên khung dệt... Câu chuyện “hồi sinh” văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đang được viết tiếp bằng hơi thở của đời sống hiện đại.

tit phu 1

Trà Sơn, Trà Kót, Trà Giang… mỗi tên đất ở Bắc Trà My đều gợi nhắc đến bản sắc của các tộc người bản địa. Người Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ Nông, Mường nơi đây có kho tàng văn hóa phong phú với lễ hội mừng mùa, đủ thứ nhạc cụ như trống, chiêng, sáo, hay nghề đan lát, dệt thổ cẩm… Tuy nhiên, sự biến đổi của thời cuộc, có lúc tưởng chừng như những giá trị ấy đứng trước nguy cơ mai một.

Tại xã Trà Kót - nơi cư trú của gần 4.500 người Co, một thời gian các phong tục tập quán truyền thống gần như bị lãng quên.

Những chàng trai, cô gái Cor thích thú xem đấu chiêng
Những chàng trai, cô gái Cor thích thú xem đấu chiêng.

Nghệ nhân ưu tú Dương Lai - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Bắc Trà My nhớ lại: “Những làn điệu dân ca truyền cảm dần mai một, rơi vào quên lãng khi những nghệ nhân lớn tuổi qua đời. Tục đấu chiêng - hình thức thi diễn trống chiêng rất độc đáo cũng bị phai nhạt”. Chứng kiến văn hóa dân tộc mình dần phai nhòa theo năm tháng, ông đã đau đáu tìm cách “đánh thức” lớp trẻ, khôi phục và gìn giữ bản sắc tổ tiên.

Người trẻ Ca Dong hào hứng sinh hoạt trống chiêng
Người trẻ Ca Dong hào hứng sinh hoạt trống chiêng.

Ở xã Trà Bui, già làng Hồ Văn Dinh say sưa truyền dạy trống chiêng cho con cháu. Với người Ca Dong, trống chiêng gắn bó máu thịt với đời sống nơi đại ngàn Trường Sơn. Gần đây, tiếng trống chiêng lại ngân vang mỗi dịp lễ hội truyền thống. Cùng với đó, nhiều nghi lễ cổ xưa như ăn mừng lúa mới, dựng cây nêu… được phục dựng tại các hội làng, ngày hội văn hóa cấp huyện, thu hút đông đảo bà con và du khách tham gia.

Già làng Hồ Văn Dinh

Đến nay, toàn huyện Bắc Trà My có 22 đội, nhóm trống chiêng hoạt động thường xuyên, bao gồm 12 câu lạc bộ tại thôn/xã và 8 câu lạc bộ trống chiêng dành cho học sinh.

Truyền dạy nghề cho đan lát truyền thống cho người trẻ Ca Dong
Truyền dạy nghề cho đan lát truyền thống cho người trẻ Ca Dong.

Không khí truyền dạy văn hóa diễn ra sôi nổi từ gia đình đến trường học. Tại thôn Long Sơn (xã Trà Sơn), nghệ nhân lớn tuổi tập trung hướng dẫn thanh thiếu niên Ca Dong cách đánh trống, múa chiêng đúng cách. Em Nguyễn Văn Thanh (14 tuổi, người Ca Dong, xã Trà Đốc) đã có 3 năm theo đội trống chiêng, nay còn phụ giúp thầy truyền lại cho các bạn nhỏ hơn. “Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, các nghi thức trống chiêng của đồng bào Ca Dong vẫn được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay nhiều bạn trẻ đi làm ăn xa, nên cần phải thực hành thường xuyên để điệu múa trống chiêng không bị thất truyền" - em Thanh nói.

Già làng Hồ Thanh Hùng

Trong khi đó, các nghề thủ công truyền thống cũng được vực dậy. Nhiều nghệ nhân kiên trì truyền nghề đan lát, dệt cườm, thêu váy áo cho con cháu. Tại các lớp truyền dạy văn hóa bản địa mở khắp thôn nóc, hình ảnh bà cụ người Mường cặm cụi đan mây hay ông lão người Ca Dong tỉ mỉ đan gùi đã trở nên quen thuộc. Các cô gái, chàng trai dần làm chủ kỹ năng se sợi, dệt vải, kết cườm cầu kỳ của dân tộc mình. Từ đây, nhiều bộ váy áo thổ cẩm, chiếc gùi mây, chiếc nỏ gỗ mang đậm hồn cốt núi rừng đã được hồi sinh.

[VIDEO] - Nghệ nhân ưu tú Dương Lai chia sẻ về niềm vui khi thấy văn hóa truyền thống của đồng bào mình được gìn giữ:

info.png
tit phu 2

Bà Võ Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, những ngôi làng truyền thống được khoác áo mới từ chương trình phát triển du lịch, nhà sàn được sửa sang làm homestay, đường về làng được bê tông hóa, bà con được tập huấn kỹ năng đón khách. Năm 2024, dự án EMMi (do tổ chức quốc tế FIDR hỗ trợ) đã chọn làng Mường (xã Trà Giang) và làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn, người Ca Dong) làm điểm xây dựng mô hình du lịch bền vững.

Tại làng Mường, những đoàn khách đầu tiên thích thú đạp xe qua cầu treo, thăm cánh đồng lúa, vườn cây trái, rồi quây quần dưới sàn nhà ông trưởng bản thưởng thức rượu cần. Du khách còn cùng thanh niên Mường nhảy múa sạp, chơi ném còn, nghe tiếng sáo vang vọng giữa đại ngàn và thưởng thức đặc sản xôi 3 màu, gà nướng, cá suối…

Cộng đồng người Mường (xã Trà Giang) tổ chức tour du lịch cộng đồng
Cộng đồng người Mường (xã Trà Giang) tổ chức tour du lịch cộng đồng. Ảnh: PHAN VINH

Phong trào làm du lịch cộng đồng bước đầu tạo sinh kế mới cho người dân. Chị em phụ nữ người Ca Dong, Co mạnh dạn mở homestay, quán ẩm thực, bán sản phẩm lưu niệm. Để hỗ trợ đồng bào, Sở VH-TT&DL tỉnh đã mở lớp tập huấn kinh doanh homestay ngay tại Bắc Trà My với 30 học viên từ các làng du lịch mới hình thành như: Làng du lịch cộng đồng Làng Mường (xã Trà Giang), Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), nóc Xơ Rơ (xã Trà Bui), điểm du lịch sinh thái suối Nước Ví (xã Trà Kót), điểm du lịch sinh thái sông Tiên (Trà Kót)... Suốt 6 ngày, đồng bào được hướng dẫn các kỹ năng - từ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đón tiếp khách cho đến cách quảng bá dịch vụ trên mạng xã hội.

Sau những buổi “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ gia đình đã đủ tự tin đón những vị khách đầu tiên đến lưu trú, trải nghiệm cuộc sống bản làng. Ấn tượng nhất là nụ cười rạng rỡ của cô gái Ca Dong lần đầu tiên làm hướng dẫn viên, đưa khách leo lên núi Năm Tầng ngắm thác, rồi về ngồi bên bếp lửa nghe già làng kể chuyện dựng gươl, đâm trâu… Sự háo hức của du khách trước nét lạ vùng cao khiến người dân hiểu rằng chính văn hóa đặc trưng quê mình là “tài sản” quý để phát triển sinh kế.

Không gian sinh hoạt đơn sơ, mộc mạc của đồng bào vùng cao khiến du khách ưa thích trải nghiệm
Không gian sinh hoạt đơn sơ, mộc mạc của đồng bào vùng cao khiến du khách ưa thích trải nghiệm. Ảnh: PHAN VINH

Song song với du lịch, Bắc Trà My cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp từ tri thức bản địa. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã công bố gần 50 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó nổi bật là những ý tưởng tận dụng thế mạnh văn hóa địa phương. Chẳng hạn, một nhóm thanh niên người Mường đã xây dựng dự án du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm ẩm thực Mường và khôi phục nghề nấu rượu cần để kinh doanh.

Ngay cả những sản vật núi rừng cũng được “nâng tầm” thành hàng hóa độc đáo, như kẹo quế Trà My ngọt cay của cô gái Giản Thị Trà My (xã Trà Nú) đoạt giải Ba cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm 2023. Các dự án khởi nghiệp khả thi sẽ được huyện ưu tiên hỗ trợ vốn từ Quỹ khởi nghiệp, lồng ghép nguồn OCOP, khuyến công.

Nhiều dự án khởi nghiệp từ đặc sản mang đậm văn hóa địa phương được hình thành
Nhiều dự án khởi nghiệp từ đặc sản mang đậm văn hóa địa phương được hình thành. Ảnh: PHAN VINH

“Người trẻ giờ không ngại nghĩ lớn. Mình là người bản địa, hiểu rõ giá trị cây quế, củ nén, tấm thổ cẩm… thì phải biết biến nó thành sản phẩm hàng hóa” - anh Nguyễn Duy Hòa (xã Trà Tân) chia sẻ quyết tâm khi đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

[VIDEO] – Chị Giản Thị Trà My nói về việc sản xuất các sản phẩm từ văn hóa địa phương:

Từ các phong trào này, hàng loạt sản phẩm đậm chất vùng cao đã ra đời, từ tinh dầu quế, rượu quế, sữa gạo lứt, xà bông từ thảo dược... cho đến những món quà lưu niệm xinh xắn bằng mây tre. Không ít hộ đồng bào đã biết khai thác tài nguyên bản địa để vươn lên khá giả.

Đơn cử như ông Trần Ngọc Liên (dân tộc Xê Đăng, xã Trà Giáp) kiên trì chăm sóc 2ha quế Trà My suốt hơn 10 năm. Đến nay vườn quế cho thu hoạch đều, mỗi năm bán vỏ quế khô thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, ông Liên không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả ở vùng cao. Ông còn tự ươm giống quế từ những cây quế gốc cổ thụ, vừa bảo tồn nguồn gen quý, vừa cung cấp cây giống cho bà con khắp nơi.

Tương tự, hàng chục hộ người Ca Dong, Co khác cũng đổi đời nhờ biết tận dụng cây quế, hạt tiêu rừng, mật ong rừng - những sản vật truyền thống giờ mang giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, Bắc Trà My đang thí điểm lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kế hoạch bảo tồn văn hóa. Các hạng mục của Tiểu dự án 6 về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch được triển khai đồng loạt, từ mở lớp truyền dạy trống chiêng cho 337 học viên đến dạy nghề truyền thống cho hơn 200 thanh niên người Mường và Ca Dong. Từ đó, văn hóa bản địa được khôi phục, trong khi sinh kế mới cũng hình thành ngay trên nền tảng di sản cha ông.

Huyện Bắc Trà My trao giải ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo từ văn hóa và tài nguyên bản địa năm 2024
Huyện Bắc Trà My trao giải ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo từ văn hóa và tài nguyên bản địa năm 2024. Ảnh: PHAN VINH

[VIDEO] – Bà Võ Thị Thúy Hằng nói về những hỗ trợ của địa phương trong việc gắn văn hóa với sinh kế cho đồng bào vùng cao:

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bắc Trà My giảm từ 50,4% (2021) xuống 26,6% (2024). Huyện xây mới, nâng cấp 62 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.352 hộ; giao giống cây, con cho 1.000 hộ phát triển sinh kế.

tit phu 3

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, địa phương xác định bảo tồn văn hóa không phải hoài niệm quá khứ, mà chính là hành động cho tương lai. Thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, mang đậm hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương. Theo ông, trong lễ hội, mỗi không gian văn hóa đều được gắn với mục tiêu kép: vừa gìn giữ được tinh hoa truyền thống, vừa tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch cộng đồng.

Đoàn biểu diễn của huyện Bắc Trà My múa trống chiêng Ca Dong tại VinWonders Nam Hội An.
Đoàn biểu diễn của huyện Bắc Trà My múa trống chiêng Ca Dong tại VinWonders Nam Hội An.

Bắc Trà My đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2019 - 2025, trong đó quy hoạch bảo tồn và khai thác các làng văn hóa dân tộc thiểu số làm trọng tâm. Các thôn, nóc tiêu biểu được khuyến khích phục dựng nhà gươl, duy trì đội văn nghệ trống chiêng, trình diễn nghề truyền thống để sẵn sàng phục vụ du khách. Cùng với đó, chính quyền đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống tại các xã vùng cao.

Nét đơn sơ mộc mạc trong những ngôi nhà truyền thống của đồng bào vùng cao được phục dựng
Nét đơn sơ mộc mạc trong những ngôi nhà truyền thống của đồng bào vùng cao được phục dựng. Ảnh: PHAN VINH

“Chúng tôi đã phục dựng thành công nhiều nghi lễ, nghi thức truyền thống thu hút sự quan tâm của du khách. Vài năm trở lại đây, huyện đưa vào khai thác du lịch tại các làng văn hóa cộng đồng, kết quả rất khả quan. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về vai trò của văn hóa” - ông Tuấn nói.

Ông Lê Văn Tuấn

Huyện Bắc Trà My cũng chú trọng đưa văn hóa vào trường học, thông qua câu lạc bộ trống chiêng, tiết học ngoại khóa về lịch sử bản địa để lớp trẻ lớn lên thấu hiểu và trân quý di sản cha ông.

Mục tiêu mà Bắc Trà My hướng tới là đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo, thu hẹp tối đa khoảng cách miền núi với đồng bằng. Muốn vậy, những “nút thắt” về sinh kế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục được tháo gỡ bằng giải pháp phù hợp. Bài học thành công bước đầu cho thấy, khi người dân ý thức rõ giá trị văn hóa của chính mình, họ sẽ tự tin và chủ động hơn trên con đường vươn lên. Từ chỗ trông chờ vào hỗ trợ nhà nước, nhiều cộng đồng đã chuyển sang tâm thế tự lực phát triển kinh tế dựa vào nội lực sẵn có.

Việc duy trì, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số ở Bắc Trà My cũng được diễn ra trong nhà trường
Nhà trường trở thành nơi gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số ở Bắc Trà My.

Thực hiện: PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com)

Đồ họa: TUYẾT TRINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn văn hóa miền núi gắn với phát triển sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO