Văn hóa

Người trẻ Ca Dong hào hứng sinh hoạt trống chiêng truyền thống

PHAN VINH 27/08/2024 21:07

(QNO) - Trong các đội cồng chiêng dân tộc Ca Dong ở Bắc Trà My, ngày càng có thêm nhiều người trẻ tham gia. Họ hăng say tập luyện, có những em chỉ mới hơn 10 tuổi đã thành thạo các động tác trống chiêng truyền thống và tham gia biểu diễn nhiều lễ hội của địa phương.

Mỗi tháng 1 lần, các đội cồng chiêng thường tổ chức tập luyện. Ảnh_ PHAN VINH
Mỗi tháng 1 lần, các đội cồng chiêng thường tổ chức tập luyện. Ảnh: PHAN VINH

Tự hào âm điệu dân tộc

Vừa kết thúc năm học 2023 - 2024, em Hồ Nguyễn Kiều Uyên (SN 2012, thôn 1, xã Trà Tân, Bắc Trà My) đã xin gia đình đăng ký tham gia vào nhóm thành viên trẻ của đội cồng chiêng truyền thống xã. Đều đặn hằng tuần trong dịp hè này, em được các anh chị, cô chú trong đội cồng chiêng chỉ dạy điệu múa cơm, biểu diễn cùng nhịp cồng chiêng truyền thống của đồng bào Ca Dong.

Kiều Uyên chia sẻ, từ lúc nhỏ, mỗi khi làng xã có lễ hội, em đều đến xem mọi người sinh hoạt cồng chiêng, thực hiện các nghi thức, nên em cảm thấy thích thú và có thể đứng hàng giờ đồng hồ xem từng chi tiết trong lễ hội.

Có những em nhỏ chưa tới 10 tuổi cũng tham gia vào đội cồng chiêng địa phương. Ảnh_ PHAN VINH
Có những em nhỏ chưa tới 10 tuổi cũng tham gia vào đội cồng chiêng địa phương. Ảnh: PHAN VINH

"Hồi còn nhỏ, mỗi khi xem các cô chú biểu diễn về, em thường lấy khăn quấn trên người rồi đứng trước gương làm theo các động tác của điệu múa cơm. Hồi đó muốn tham gia lắm, nhưng còn nhỏ quá nên chưa đăng ký được. Năm nay, em đủ tuổi xin ba mẹ tham gia sinh hoạt trống chiêng" - em Uyên nói.

[VIDEO] - Các bạn trẻ đồng bào Ca Dong chia sẻ về niềm tự hào với nghệ thuật cồng chiêng:

Còn em Nguyễn Văn Thanh (SN 2009, thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) có đến 3 năm tham gia vào đội cồng chiêng của xã. Trong đợt tập huấn, truyền dạy trống chiêng cho đồng bào Ca Dong của 3 xã Trà Tân, Trà Đốc và Trà Sơn vừa qua tại thôn Long Sơn (xã Trà Sơn), với kinh nghiệm của mình, Thanh đã hỗ trợ hướng dẫn lại cho các bạn trẻ khác cùng tham gia học tập. Theo em, ngoài những đặc trưng của trang phục, phong tục, nghi lễ thì hình thức sinh hoạt cồng chiêng của đồng bào Ca Dong rất thiêng liêng.

Em Nguyễn Văn Thanh say mê tập luyện đánh cồng chiêng. Ảnh_ PHAN VINH
Em Nguyễn Văn Thanh say mê tập luyện đánh cồng chiêng. Ảnh: PHAN VINH

"Dù trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng các nghi thức trong sinh hoạt cồng chiêng của đồng bào Ca Dong vẫn được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác" - Thanh tự hào.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, người trẻ Ca Dong đi làm ăn muôn nơi, chính vì những lẽ đó, để tránh tình trạng thất truyền điệu múa trống chiêng mà người trẻ như mình phải hiểu và thực hành được.

Em Nguyễn Văn Thanh

Phát huy lợi thế của người trẻ

Ông Hồ Thanh Hùng (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn) cho biết, trong thôn hiện có 2 đội cồng chiêng truyền thống, mỗi đội khoảng 30 người, trong đó, 70% là thế hệ trẻ dưới 35 tuổi. Đặc biệt, có những thành viên còn rất nhỏ khoảng 7-10 tuổi nhưng khá thành thạo các điệu múa.

Ngoài những dịp cao điểm mùa lễ hội, như ăn mừng lúa mới, ăn trâu huê, rước hồn lúa... các đội cồng chiêng còn đi biểu diễn hết làng này đến làng khác. Mỗi tháng 1 lần, họ tập trung tập luyện với nhau để không "quên bài".

Ông Hùng cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay tiếp thu rất nhanh, có những người chỉ tập luyện 1-2 lần đã thành thạo, thậm chí còn múa đẹp hơn những người lâu năm.

Đội cồng chiêng địa phương sẽ phục vụ cho các dịp lễ của các làng. Ảnh_ PHAN VINH
Đội cồng chiêng địa phương sẽ phục vụ cho các dịp lễ của các làng. Ảnh: PHAN VINH

Ông Hùng cho biết: "Thông qua các đợt tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, thế hệ lớn tuổi như chúng tôi cũng thấy rất vui khi lớp trẻ hứng thú, nỗi lo trước đây thiếu người nối tiếp đã không còn".

[VIDEO] - Ông Hồ Thanh Hùng chia sẻ về đội cồng chiêng địa phương:

Thời gian qua, UBND huyện Bắc Trà My đã triển khai thực hiện Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện năm 2024. Trong đó, có hoạt động tập huấn, truyền dạy múa trống chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong và Co trên địa bàn huyện. Đây là môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ đồng bào dân tộc được tiếp thu, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa trống chiêng trong sinh hoạt của cộng đồng..

Thế hệ trẻ người Cadong rất tự hào về những giá trị văn hoá của họ. Ảnh_ PHAN VINH
Thế hệ trẻ người Ca Dong rất tự hào về những giá trị văn hoá truyền thống. Ảnh: PHAN VINH

Bà Võ Thị Thuý Hằng - Trưởng phòng Văn hoá - thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, thời gian qua, đơn vị đã mời báo cáo viên, nghệ nhân, người thực hành trình bày, hướng dẫn lý thuyết, thực hành, truyền dạy múa trống chiêng ở nhiều địa phương. Tập huấn nghệ thuật đấu chiêng, múa k’đtấu cho đồng bào người Co ở các xã Trà Kót, Trà Nú và tổ chức sinh hoạt trống chiêng cho đồng bào người Ca Dong ở các xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka.

70% số thành viên trong các đội cồng chiêng có độ tuổi dưới 35. Ảnh_ PHAN VINH
70% số thành viên trong các đội cồng chiêng có độ tuổi dưới 35. Ảnh: PHAN VINH

"Đợt tập huấn này có hơn 350 người tham gia, trong đó, có những em nhỏ mới chỉ 10 tuổi, thậm chí là nhỏ hơn. Các em rất đam mê và hào hứng tập luyện. Đây là điều mà ban tổ chức khá bất ngờ. Sau khi tham gia khoá tập huấn, các em đã cơ bản nắm các điệu cơ bản và có thể rèn luyện thêm ở địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện" - bà Hằng thông tin.

Các thanh niên đồng bào ca dong hằng say tập luyện cồng chiêng. Ảnh_ PHAN VINH
Các thanh niên đồng bào Ca Dong hăng say tập luyện cồng chiêng. Ảnh: PHAN VINH
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người trẻ Ca Dong hào hứng sinh hoạt trống chiêng truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO