Văn hóa

Cồng chiêng Ca Dong đến Lễ hội đồng hương Quảng Nam

VĂN BÌNH 17/07/2024 07:48

Cồng chiêng Ca Dong và hô hát bài chòi là hai hoạt động văn hóa nghệ thuật được chọn giới thiệu nhân dịp Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh - năm 2024.

Cay neu Ca Dong
Cây nêu truyền thống Ca Dong được chuẩn bị hoàn tất với quy cách nhỏ, gọn nhằm cơ động, thuận tiện để mang đi trình diễn tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: VB.

Đây là lần đầu tiên nghệ thuật cồng chiêng Ca Dong (huyện Bắc Trà My) vinh dự được trình diễn, quảng bá, phục vụ bà con đồng hương và du khách phương xa nên mọi công tác chuẩn bị đang được thực hiện chu đáo.

Hơn nửa tháng nay, gần 40 cán bộ viên chức Trung tâm VH-TT&TT-TH Bắc Trà My và nghệ nhân gạo cội người Ca Dong tại xã Trà Bui được huy động dàn dựng, tập luyện đánh trống chiêng, múa cồng chiêng, chuẩn bị cây nêu, trang phục, đạo cụ… để tham gia chuyến lưu diễn tại lễ hội nêu trên.

Ông Đỗ Thanh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Bắc Trà My cho hay, trên cơ sở kế hoạch và lịch trình biểu diễn của Ban tổ chức lễ hội, kết cấu chương trình nghệ thuật cồng chiêng được đơn vị này dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Thời lượng mỗi đợt trình diễn chính khoảng 30 phút, có thông điệp phù hợp với nhóm hoạt động tại lễ hội.

Nghi thuc ruoc cay neu va Cong Chieng Ca Dong
Già làng, nghệ nhân ưu tú Ca Dong Hồ Dinh (đi đầu) trong một lần thực hiện nghi thức rước cây nêu truyền thống, khai hội cồng chiêng hồi năm 2023. Ảnh: VB.

Theo kế hoạch, khai mạc lễ hội, các vị già làng Ca Dong thực hiện nghi thức cúng khai hội cồng chiêng, trình diễn đánh trống chiêng, múa cồng chiêng theo bản sắc gốc và sân khấu hóa. Đồng thời, trình diễn các tiết mục hát, múa cồng chiêng cộng đồng giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng quế Trà My.

Trong nhóm hoạt động duy trì hằng ngày xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội, đoàn nghệ nhân Ca Dong trình diễn nghệ thuật cồng chiêng có kết cấu không gian mở, thu hút và tương tác với du khách tham gia giao lưu.

Còn tại bế mạc lễ hội, nghệ thuật cồng chiêng giã bạn theo bản sắc của người Ca Dong được trình diễn đan xen với các tiết mục hát, múa có tính chất mời gọi về quê hương Quảng Nam và Bắc Trà My…

Theo già làng, nghệ nhân ưu tú Ca Dong - Hồ Dinh (làng Tam Lang, thôn 1, xã Trà Bui), cồng chiêng Ca Dong được chọn đi trình diễn lần này là vinh dự lớn và cơ hội hiếm có. Già tập hợp căn dặn con cháu có trách nhiệm và tự giác vừa tập luyện múa, đánh trống chiêng vừa chuẩn bị cây nêu và đạo cụ theo bản sắc.

“Cây nêu, biểu tượng tâm linh kết nối giữa con người cùng điệu múa, tiếng trống, tiếng chiêng với các vị thần linh, trời đất thiêng liêng… tuyệt đối không được thiếu khi múa cồng chiêng.

Chuẩn bị cây nêu vật dụng phải gọn, dễ mang đi nhưng phải giữ được cái hồn, hoa văn chính yếu bao đời nay của người Ca Dong. Đến nay mọi thứ đã sẵn sàng, già ưng cái bụng lắm” - già Dinh bộc bạch.

Cong chieng Cadong 2
Cồng chiêng Ca Dong đặc sắc hứa hẹn sẽ “lan tỏa” cùng Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM năm 2024. Ảnh: VB.

Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh - năm 2024 diễn ra từ ngày 18-21/7, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình với các hoạt động tiêu biểu như xúc tiến đầu tư, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, trình diễn và giới thiệu nét văn hóa nghệ thuật dân gian, tổ chức khu văn hóa ẩm đặc sản Quảng Nam…

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, nội dung kịch bản chương trình nghệ thuật cồng chiêng Ca Dong trình diễn tại lễ hội lần này đã được các ngành chuyên môn của tỉnh phê duyệt, thống nhất.

Đoàn nghệ nhân cồng chiêng Ca Dong chủ động các phương án về phương tiện đi lại, vận chuyển, nơi lưu trú, tập kết lực lượng, trang phục, đạo cụ… đảm bảo trong ngày 17/7 tại khu vực trình diễn ở TP.Hồ Chí Minh, sẵn sàng phục vụ bà con đồng hương xa quê cùng du khách trong những ngày diễn ra lễ hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cồng chiêng Ca Dong đến Lễ hội đồng hương Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO