(QNO) - Mang trăn trở lưu giữ và phát triển làng nghề nổi tiếng hơn 400 năm tuổi, nghệ nhân Dương Ngọc Long (58 tuổi, làng đúc đồng Phước Kiều, khối phố Thanh Chiêm 1, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) đã đặt tâm huyết lên từng mảnh đồng, đục ngược (hay còn gọi là gò, thúc ngược) để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Năm 14 tuổi, vừa đi học ông Long vừa theo cha nối truyền nghề đồng bao đời của làng. Đam mê với đồng nhưng vì mưu sinh kiếm sống, ông đành bôn ba vào Nam làm lái xe, cơ khí… Song tình yêu với đồng, nỗi trăn trở phát triển làng nghề đã thúc giục người con làng Phước Kiều ấy trở về quê hương kế tục nghề truyền thống…
Nhớ lại 5 năm trước, khi mới tiếp cận nghề đúc ngược trên đồng, ông Long tâm sự: “Tôi đi làm ở Bà Rịa Vũng Tàu, thấy người ta gò đồng vừa nghệ thuật, vừa mang hiệu quả kinh tế cao liền nghĩ ngay đến làng nghề của mình. Quê mình có nghề đồng truyền thống, lại kề cận phố cổ Hội An nhưng chưa nghệ nhân nào đúc đồng ngược thế này. Tôi là người con của xứ Quảng, của làng Phước Kiều thì phải nhanh chóng tiếp thu và mang về làng phát triển”.
Ông Long cũng cho biết, để tạo ra một tác phẩm đục ngược trên tranh đồng cần trải qua 4 công đoạn. Đầu tiên nghệ nhân phải chọn được tranh vẽ bằng giấy đẹp đáp ứng yêu cầu của người mua và chọn được miếng đồng phẳng, có độ dày mỏng phù hợp với từng tác phẩm. Tiếp theo tác giả dán tranh lên miếng đồng, thêm một lớp xi và ám tranh theo từng chi tiết. Sau đó người làm bắt đầu thúc đồng ngược. Và cuối cùng tác giả lật ngược miếng đồng để chạm tỉa, đánh bóng cho sắc sảo.
Chuyển thể từ một bản vẽ giấy thành một bức tranh đồng với những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động đòi hỏi nghệ nhân phải có cái nhìn không gian 4D. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Long, để thổi hồn cho những tác phẩm nghệ thuật tranh gò đồng, khó nhất là nắm được các quy tắc thúc ngược âm bản ra dương bản: trước - sau, sâu - cạn, đều tay, đều búa…
Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Ngọc Long, mỗi tháng ông thúc được vài tấm, đến vài chục tấm đồng. Tác phẩm của ông có thể là một bức tranh về Chùa Cầu, phố Hội, Thánh địa Mỹ Sơn, Mẹ Thứ hay bảng hiệu của một quán cà phê, khách sạn, resort, dụng cụ sinh hoạt như chén, đĩa hoặc cũng có thể là thư pháp, phù điêu… Tùy vào kích thước, độ tinh xảo, yêu cầu của khách hàng, một tác phẩm gò đồng có giá thành dao động từ 3 - 30 triệu đồng. Thậm chí với bức cuốn thư nhà thờ bỏ ra vài tháng đục ngược trên đồng, ông Long thu về gần 100 triệu đồng.
Sản phẩm nghệ nhân Ngọc Long được ưa chuộng tại Quảng Nam và các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum…
“Bền, tính nghệ thuật cao, giá thành phải chăng hơn so với đồng đúc là ưu thế giúp tranh đồng thúc ngược phát triển. Hơn nữa những tác phẩm gò đồng này đều làm 100% thủ công nên được du khách nước ngoài quan tâm, yêu thích. Trong tương lai tôi muốn thúc những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ như móc khóa, logo về Hội An, đất và người xứ Quảng để quảng bá quê hương, tìm đầu ra cho đồng thúc ngược”
Nghệ nhân Dương Ngọc Long
[VIDEO] - Nghệ nhân Dương Ngọc Long:
Trên đôi tay của người nghệ nhân ấy, chiếc búa, những miếng đồng, ve chạm, ve đục, ve to, ve nhỏ… luôn đồng hành trên mỗi tác phẩm thúc ngược của mình. Nhưng song hành cùng niềm đam mê gò đồng, ông Long luôn đau đáu nỗi lo tìm được lớp người trẻ kế tục nghề truyền thống.