(QNO) - Vốn đam mê khởi nghiệp, ông Nguyễn Duy Hòa (SN 1982, thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) đã chế biến thành công sản phẩm cam sấy dẻo thơm ngon từ giống cam do Đại tướng Chu Huy Mân mang vào trồng tại vùng đất cao sơn ngọc quế.
Ông Nguyễn Duy Hòa cho biết, nguồn gốc giống cam có tên là “cam Chu Huy Mân” là do chính đại tướng Chu Huy Mân đem giống cam từ miền Bắc vào trồng tại khu căn cứ địa cách mạng Nước Oa trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó nhân dân trong vùng giâm cành, nhân rộng và trân trọng đặt tên như vậy.
Đây là giống cam giấy, quả thơm ngọt, mọng nước, vỏ mỏng. Hiện nay, một số gia đình thuộc thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Tân) nhân giống trồng với năng suất trung bình 125 kg/cây/vụ, chất lượng tốt, quả đẹp. Do cam ra quả vào tháng 8, tháng 9 âm lịch nên giá bán ra cũng chỉ giao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg.
“Trăn trở về giá trị của giống cam quý nên tôi tìm cách tạo ra sản phẩm đóng gói từ nó. Cuối thu là mùa cam chín rộ và tôi thu mua từ các hộ dân mang về chế biến” - ông Hòa nói.
Sau quy trình loại bỏ tạp chất và vị đắng của vỏ, thông qua hệ thống sấy lạnh, cam được sấy dẻo. Cam sấy thành phẩm vẫn giữ màu vàng đậm đẹp mắt, hương thơm đặc trưng của loại trái cây thanh ngọt nên lần đầu tiên cam Chu Huy Mân sấy dẻo ra mắt đã “cháy hàng”.
Ông Nguyễn Duy Hòa chia sẻ: “Dự án này được thử nghiệm hơn 1 năm về trước và cũng trải qua nhiều lần thất bại mới có được công thức hoàn chỉnh. Điều riêng cho sản phẩm của chúng tôi chính là bí quyết loại bỏ hoàn toàn chất đắng chát do a xít ở vỏ cam”.
Và điều thú vị nữa là sản phẩm gắn với câu chuyện lịch sử của vùng căn cứ cách mạng Nước Oa. Dự án giúp giải quyết một phần lao động nhàn rỗi tại địa phương, đồng thời, tận dụng diện tích đất bỏ hoang, đất kém hiệu quả để trồng cam.
Ngoài ra, dự án còn mang ý nghĩa bảo vệ môi trường khi trồng hữu cơ không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, giữ cho đất không bị xói mòn. Cuối tháng 6/2023, cam Chu Huy Mân sấy dẻo của Nguyễn Duy Hòa đã giành được giải nhì dự án khởi nghiệp - sáng tạo năm 2023 của huyện Bắc Trà My.
“Đối với dự án cam Chu Huy Mân sấy dẻo do có thời gian bảo quản được lâu hơn và giá bán đã trừ chi phí thu lãi gấp 2 - 3 lần so với bán cho thương lái tại vườn nên sẽ tạo đầu ra ổn định cho loại cây bản địa. Khi được nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm và nhu cầu tiêu thụ tăng sẽ mở ra cơ hội tạo ra vùng trồng cam rộng lớn với nhiều người cùng tham gia góp phần xóa đói giảm nghèo trên vùng miền núi này” - ông Hòa nói.
Chủ nhân dự án cam Chu Huy Mân sấy dẻo cho hay hiện rất cần nguồn hỗ trợ từ chính quyền để phát triển máy móc, cơ sở chế biến cũng như hình thành một chuỗi liên kết với các hộ trồng cam để có thể mang sản phẩm đi xa hơn.
Trước khi thành công với dự án cam Chu Huy Mân sấy dẻo, ông Hòa cũng từng nhận giải Khuyến khích Dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2022 với các sản phẩm được chế biến từ cây atiso đỏ như trà sấy khô, trà túi lọc, nước cốt (siro), mứt, rượu.