(VHQN) - Họ làm nên bức tranh khác biệt trong tổng thể du lịch xứ Quảng. Trải nghiệm làng biển từ chính người xứ biển, là nét mới của du lịch Quảng Nam.
Cảnh sắc, văn hóa làng biển và nghề truyền thống đang định vị màu sắc riêng cho từng điểm đến. Chưa kể, chủ nhân những mô hình, lại chính là cư dân bản địa.
Từ làm nghề... đến làm du lịch
Ngọc Lan Homestay - một điểm dừng chân lý thú khi du khách đến với làng biển Tam Thanh. Khách du lịch đến đây ngoài trải nghiệm các hoạt động miền biển, họ còn thích thú khi được chứng kiến các công đoạn... làm mắm.
Chị Lê Thị Ngọc Tầm – Giám đốc HTX nước mắm Ngọc Lan cũng là chủ nhân mô hình, cho biết, du lịch đang mang đến nhiều cơ hội mới, bao gồm cả việc phát triển sản xuất nước mắm.
Không gian sản xuất được chỉnh trang, bày trí khoa học thuận lợi cho hoạt động trải nghiệm. Homestay đầu tư phục vụ cho việc lưu trú. Kết hợp cùng các hoạt động du lịch biển, thăm làng bích họa, thưởng thức ẩm thực xứ Quảng… hình thành một tour hoàn chỉnh.
Và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là điểm sáng đầu tiên trong hành trình làm du lịch của người làng biển. Vùng đất được thiên nhiên ưu ái từ biển xanh, cát vàng cùng nhiều nét văn hóa lâu đời đã thức giấc với câu chuyện du lịch.
HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cũng đang thực hiện song song phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nghề nước mắm truyền thống.
Qua hơn 2 năm hoạt động, từ một vùng biển hoang sơ, nơi này đã hình thành các khu vực check-in bắt mắt, có điểm lưu trú về đêm và thưởng thức đặc sản địa phương.
Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Cửa Khe còn 60 hộ gắn bó với nghề làm mắm. Bắt nhịp với du lịch, người làm mắm không ngừng cải tạo khu vực sản xuất, bảo vệ cảnh quan, môi trường, làm nên sự hài lòng khi du khách tìm đến.
Ngư dân cần bắt kịp xu hướng
Có một chợ cá Tam Tiến nổi tiếng, bãi biển đẹp và hệ san hô nối dài quanh rạn Bà Đậu, song việc khai thác tiềm năng này vẫn chưa đúng mức. Từ trăn trở này, anh Võ Hồng Rôn (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) đã tiên phong đầu tư các sản phẩm du lịch.
“Du lịch biển chỉ tập trung khai thác khoảng 6 tháng mùa nắng. Đồng thời phải tính toán việc đầu tư không gian theo hướng tiện dụng, ít chi phí và có thể bảo quản, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão.
Khu giải trí, du lịch Cá Voi Xanh của tôi đang có sản phẩm là trải nghiệm ẩm thực làng chài, đi chợ cá, trò chơi bãi biển, lặn san hô, chèo thuyền thúng, chèo SUP, ra khơi câu mực,… Giá trị du lịch ở đây đem lại từ văn hóa bản địa, không gian, trải nghiệm làng biển” – anh Rôn nói.
Và những người dân Tam Tiến đã nhìn thấy cơ hội của mình. Họ mở sạp bán hải sản, mở không gian lưu trú, đầu tư phát triển hàng quán ẩm thực. Cũng từ du lịch, ý thức bảo vệ môi trường biển, đánh bắt gắn với bảo tồn hệ san hô cũng nâng lên.
Anh Võ Hồng Rôn nói, trong tương lai, khi du lịch phát triển mạnh, sẽ mở rộng các sản phẩm tham quan bến tàu, khu mộ cá voi hay bảo tồn các nghề truyền thống.
Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express nhìn nhận, để du lịch biển đến với du khách thì cần định hình sản phẩm và thị trường phù hợp theo từng thời điểm trong năm.
Chẳng hạn, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau sẽ phù hợp với du lịch trải nghiệm làng nghề cho khách quốc tế. Tháng 3 đến tháng 8 là du lịch biển với hoạt động cắm trại, trò chơi bãi biển, ăn uống dành cho khách nội địa…
“Như vậy sẽ khai thác hiệu quả giá trị từ biển, văn hóa làng biển mà không bị bỏ phí những tháng mùa mưa, phù hợp với nhu cầu của khách” - bà Phạm Quế Anh nói.