Người nữ du kích Lộc Tân

H.LIÊN - N.DUY 16/01/2015 09:29

Chúng tôi tìm về thôn An Bằng (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) để gặp lại người nữ du kích năm xưa Hồ Thị Ny. Trong ngôi nhà cấp 4, đón chúng tôi là một phụ nữ có khuôn mặt rắn rỏi đã bước qua tuổi 65.

Bên chén trà, chúng tôi được nghe cô Ny kể về thời hoa niên, cái thời mà những người con trai, con gái tuổi mười tám, đôi mươi đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, sẵn sàng xả thân vì quê hương, vì lý tưởng. Ngày ấy, cô du kích nhỏ Hồ Thị Ny tham gia vào đội du kích xã Lộc Tân, một trong những xã của vùng B bấy giờ (nay là xã Đại Phong).

Những năm 1964 - 1965, chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt, địch tăng cường kìm kẹp, bắt bớ, dồn dân vùng B (các xã Lộc Ninh, Lộc An, Lộc Tân…) vào các ấp chiến lược. Đội du kích xã Lộc Tân giai đoạn 1965 - 1966 có quân số đông, hoạt động rộng khắp, xây dựng tốt cơ sở cách mạng và tổ chức những trận đánh làm cho quân địch nhiều phen khiếp vía. Vốn thông minh, mưu trí, lại thông thạo địa bàn nên cô Ny được tổ chức tin tưởng, phân công làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội về hoạt động, móc nối với cơ sở cách mạng, tập kích đồn địch. Ngày 3.2.1967, cô Ny vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công giữ chức Xã đội phó xã Lộc Tân. Dù đối diện với không ít hiểm nguy, song đội du kích do cô chỉ huy vẫn ngày đêm đưa bộ đội sang sông, vận chuyển hàng hóa và tổ chức phục kích, đánh địch tại các điểm cầu Chìm, cầu Tây, cầu Lừ, chợ Phường Đông…

Cô Hồ Thị Ny chăm sóc vườn nhà. Ảnh: N.DUY
Cô Hồ Thị Ny chăm sóc vườn nhà. Ảnh: N.DUY

Một ngày đầu năm 1971, địch từ Núi Lở tổ chức tập kích qua vùng B. Tại trận càn ráo riết này, chúng phát hiện và bắt sống Hồ Thị Ny cùng một số đồng chí đang trú ẩn trong hầm bí mật. Địch giải cô về nhà lao Ái Nghĩa rồi chuyển xuống nhà lao Hội An. Tên ấp trưởng xác nhận cô là “cộng sản cứng đầu”, chỉ huy du kích xã Lộc Tân, thế là địch dùng mọi cách mua chuộc, dụ dỗ hòng khai thác ở cô những bí mật về cơ sở. Song cố gắng đến mấy chúng vẫn không lung lay được ý chí của cô du kích trẻ. Mua chuộc không được, chúng đẩy cô vào hầm rắn, tra tấn với các ngón đòn dã man khiến cô chết đi sống lại nhiều lần. Mỗi khi kể về chuỗi ngày sống trong lao tù, giọng cô chợt đứt quãng, nghẹn ngào. Cả những giấc mơ sau này, ám ảnh về những ngày sống trong đòn roi, tra tấn và cảnh lũ rắn bò ngổn ngang trong hầm ngày ấy thỉnh thoảng lại trở về trong cô…

Năm 1973, Hiệp định Pari ký kết, Hồ Thị Ny cùng nhiều đồng đội được trao trả. Cô được tổ chức đưa ra miền Bắc an dưỡng rồi gặp và quen với người đồng hương Huỳnh Văn Thọ (thôn An Bằng, Đại Thạnh) là tù chính trị trở về từ đảo Phú Quốc. Ngày về lại quê hương, cả hai xây dựng hạnh phúc rồi tổ ấm nhỏ chào đón thành viên mới ra đời. Thời gian này, cô Hồ Thị Ny đảm nhận chức Phó ban Nông hội xã Đại Phong, rồi đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đại Thạnh cho tới lúc về hưu. Cô được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Cô Hồ Thị Ny nhớ lại: “Hòa bình chưa tròn 10 năm thì anh Thọ - chồng cô qua đời do di chứng từ các trận đòn roi, tra tấn của địch, để lại cô cùng 5 đứa con thơ. Một thân quần quật nuôi con, cộng với những cơn đau của vết thương chiến tranh liên tục hành hạ khiến cô ngày càng héo hắt…”. Ngắt quãng câu chuyện, cô lặng im, cố kìm nén cảm xúc. Chị Huỳnh Thị Tin, con gái cô Ny chia sẻ: “Lúc trước, hễ cứ nhớ lại hay nhìn thấy hình ảnh về chiến tranh là mẹ tôi có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Gần đây nhờ điều trị tích cực nên bệnh tình mẹ đã giảm đi nhiều, nhưng bị chứng ung thư trực tràng tấn công nên sức khỏe mẹ suy kiệt”. Bệnh là vậy nhưng cứ thấy khỏe một tí là cô Ny lại lặn lội đi khắp nơi hỏi thăm để mong tìm được hài cốt của em trai. Cô bảo, cậu ấy là bộ đội, hy sinh mà chẳng biết nằm ở đâu… Những đợt kiếm tìm trong tuyệt vọng càng khiến cô buồn phiền, day dứt ở tuổi xế chiều.

H.LIÊN - N.DUY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nữ du kích Lộc Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO