Ai ở Đà Nẵng, Quảng Nam hẳn đi trên đường đã từng bắt gặp đâu đó hình ảnh y hệt như “thập niên 80” khi thấy những người thồ hàng mồ hôi ướt đẫm đạp xe chở nồi đất đi bán.
Chúng tôi đã tìm được nơi khởi xuất của những chuyến xe như “kéo lùi về thời bao cấp này”. Nơi đó là một làng gốm nằm ngoài rìa TP.Hội An với những lò gốm đã đỏ lửa suốt 500 năm qua.
Ông lão bán gốm và chiếc xe đạp “huyền thoại”
Trong công viên gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) - một điểm du lịch rất nổi tiếng và thu hút hàng ngàn khách quốc tế mỗi ngày có một bức tượng bán thân người đàn ông làng gốm.
Nhưng điều khá lạ là người này không phải nghệ nhân chế tác gốm. Ông là một thợ buôn, lạ hơn, suốt cả đời đi buôn nồi đất chỉ bằng xe đạp.
Vòng xe của ông mỗi ngày từ Hội An ra Đà Nẵng, khi thì lên Quế Sơn, Hương An, thậm chí cả Nông Sơn. Tính sơ sơ mỗi ngày ông lão này đạp xe tầm mấy chục cây số. Có người nói vui rằng cả cuộc đời buôn nồi đất, vòng xe của cụ ông này dễ tới bằng cả một vòng trái đất.
Bí thư Đảng ủy phường Thanh Hà, ông Nguyễn Văn Tú chỉ cho chúng tôi ngôi nhà của người tải gốm đặc biệt này. Đó là ông Nguyễn Viết Biết, năm nay 88 tuổi.
Trước đây ông Biết sống ngay trong làng gốm Thanh Hà, nhưng từ khi thôi nghề đạp xe đi bán nồi đất thì ông chuyển ra sống ở ngoài con đường tỉnh lộ nối Hội An với thị xã Điện Bàn.
Ông Biết kể rằng ngôi nhà ông nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở làng gốm Thanh Hà. Ngôi làng đẹp và bình yên, sáng ra lại thấy những cột khói xám bốc lên cao lút qua mái nhà và những chuyến tàu buôn lạch bạch nhả khói đen vào xếp gốm ở bến sông. Sau ngày giải phóng, ông Biết sắm xe đạp để chở nồi đất đi khắp nơi rảo bán.
Ông bảo những năm 1978 trở đi, đồ công nghiệp vẫn rất khan hiếm nên gốm, nồi niêu xoong chảo, ấm chén… bằng đất nung được tiêu thụ rất nhiều. Lúc đó, có chiếc xe đạp để chở hàng cũng là sang lắm rồi.
Chiếc xe đạp của ông Biết là dòng xe của Pháp, được cha mẹ tặng lại để ông làm vốn khi lập gia đình. Khi dùng chiếc xe này chở gốm, do phải đi đường dài, cõng hai sọt gốm hai bên và kèm hai túi trước ghi-đông nên chiếc xe mau chóng xuống cấp, tàn tạ. Ông Biết phải hàn thêm đồ sắt, thay vòng bi, thay cặp vành để con xe “chiến” tốt hơn.
Ngày nào cũng như ngày nào, ông Biết dậy sớm đưa xe đạp ra lò gốm còn ấm hơi than rồi bốc những xấp nồi đất, đồ đất nung chất đầy lên hai chiếc sọt tre buộc sau xe rồi hướng thẳng ra Đà Nẵng bỏ mối.
Nơi tiêu thụ nhiều nhất là các khu chợ xưa, lâu đời ở Đà Nẵng như chợ Túy Loan, Lệ Trạch, Miếu Bông, chợ Hàn… Vòng quay xe đạp thồ của ông Biết đều đặn, lặp đi lặp lại mỗi ngày và chỉ chịu dừng lại cách đây ít năm khi ông không còn đủ sức khỏe nữa.
Người nối nghiệp
Một cái nghề tưởng chừng chẳng ai muốn làm, chẳng thể gọi là cao sang để mong có người “nối nghiệp” này hóa ra vẫn có người… kế nghiệp.
Càng bất ngờ hơn, khi tìm những tài liệu về làng gốm Thanh Hà, chúng tôi được biết “người thồ gốm huyền thoại” ở Thanh Hà Nguyễn Viết Biết không phải là người duy nhất mà trước ông Biết, người cha quá cố của ông là cụ Nguyễn Thể cũng đã từng là một người buôn gốm, thồ đất nung đi khắp các tỉnh miền Trung.
Ông Biết nói rằng dù cái nghề của ông cơ cực, nhọc nhằn nhưng làm riết rồi quen tới mức không bỏ được. Chỉ khi đôi chân quá yếu, thở không ra hơi thì ông mới gác xe lên bức tường rồi hàng ngày ngồi ngắm trong tiếc nuối. Nhưng bất ngờ là khi ông nghỉ đạp xe, ông vẫn muốn tìm người kế nghiệp.
“Tui có 10 đứa con cả trai cả gái nhưng không đứa nào chịu nhận cái nghề này. Thấy cũng buồn và tiếc vì nhờ có nó mà mình nuôi được cả đàn con. Nhưng khi gác xe lên được mấy tháng, cậu con rể là Phan Văn tới nhà và nói xin ba được nhận lại các mối hàng. Tui mừng quá chừng” - ông Biết nói.
Chúng tôi tìm tới căn nhà cấp 4 nằm trong con hẻm trên đường Cao Hồng Lãnh, ngay sát phố đi bộ Hội An để gặp người tiếp nối nghề thồ gốm bằng xe đạp của ông Nguyễn Viết Biết.
Trong khoảnh sân nhà chất đủ thứ đồ đạc để phục vụ buôn bán kiếm cơm hàng ngày, một chiếc xe đạp trơ trụi, lớp vỏ sần đen dựng nghiêng với hai chiếc sọt tre được gắn phía sau, dựng bên mấy chồng nồi đất.
Nhìn qua chiếc xe đạp với kết cấu “trọc lóc”, không đèn, không thắng, không chân chống, chỉ bộ khung nhàu nhẵn và hai cặp vành dày cộp này cũng có thể đoán ra đây là chiếc xe chuyên thồ nồi đất của một người từ làng gốm Thanh Hà.
Ông Phan Văn (65 tuổi) cho biết mình là con rể đầu của ông Biết. Trước đây hai vợ chồng sống bằng nghề nung gạch trong làng Thanh Hà, nhưng từ sau 2003 Hội An có chủ trương xóa bỏ các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, đồng loạt nghề làm gạch ngói bị dừng.
Thanh Hà chỉ giữ lại nghề làm gốm, các đồ dùng bằng đất nung. Vợ chồng ông Văn mất việc, phải đi làm công để kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - vợ ông Văn kể rằng cách đây chừng chục năm, khi ông Biết – cha của bà già yếu, phải nghỉ đạp xe nên bà động viên chồng thay cha làm nghề.
Bà Thủy nói rằng thời gian đầu, bà đạp xe theo chồng trong mỗi chuyến để chồng mình quen dần. Một thời gian thì chồng bà đã “tự lập” và độc hành trên đường xa. Trước đây đất nung nhiều người dùng nên bán sỉ có, bán dạo dọc đường cũng có.
Nhưng lâu dần thì không còn người mua lẻ nữa, hàng được đóng sẵn trên hai sọt rồi đạp ra tận các chợ nhập cho tiểu thương. Mỗi ngày ông Văn phải dậy sớm đi từ lúc chưa tỏ mặt người, bán hết hàng thì cũng là lúc trời vừa tối. Mỗi chuyến hàng như vậy ông kiếm được khoảng 400 ngàn đồng.
Xe đạp “siêu tải”
Ở Thanh Hà ngoài vợ chồng ông Văn ra hiện có 4 người khác làm nghề buôn gốm, lấy nồi đất đi các nơi để bán. Điều đặc biệt là tất cả họ đều không chở gốm bằng xe máy hay ô tô mà đều cọc cạch, nhọc nhằn trên cỗ xe đạp được độ chế.
Theo ông Văn, đồ nồi đất rất dễ vỡ nên nếu chở xe máy hay dùng bất cứ phương tiện nào thì quá trình di chuyển sẽ làm đồ vỡ hết. Xe đạp thì đi chậm, ít lắc xóc nên nồi đất được bảo quản kỹ hơn.
Chúng tôi “cận cảnh” chiếc xe của ông Văn. Đó là một cỗ xe “toàn không”: không đèn, không phanh, không chân chống. Thứ quan trọng nhất là bộ khung xe thì được hàn thêm những thanh sắt, vành được thay bằng loại vành đúc chì, tăm to như đầu đũa… để tăng tính chịu lực.
Hình ảnh những chiếc xe này y hệt xe thồ hàng thường thấy trên phim điện ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bảo có đợt đạp xe qua một khu du lịch, người chủ thấy chiếc xe của ông quá ấn tượng nên hỏi mua với giá 20 triệu đồng.
“Đó là số tiền rất lớn nhưng chiếc xe gắn bó với mình còn hơn một con người nên tui nhất quyết không bán, kể cả mấy tiền đi nữa” – ông Văn kể.
Xe không có phanh thì làm sao để giảm tốc độ khi xuống dốc hoặc qua ngã tư đèn giao thông? Nghe câu hỏi này, ông Văn cười vang rồi nhảy tót lên yên xe, xòe hai bàn chân xuống đất, ông chỉ vào chiếc dép “tông Lào” và nói rằng “phanh ở đây”.
“Mỗi lần xuống dốc thì tôi dòng chân rà xuống mặt đất cho xe chạy từ từ, nếu hàng nặng quá xe chạy gấp thì mình lại thò bàn chân kẹp cứng dép tông vào lốp xe” - ông Văn nói.