Tác phẩm, tác giả

Nhà văn Trần Thị Trường - một tinh thần đẹp

TUỆ LAM 07/07/2024 09:40

Một giải thưởng đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam: “Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023 - Với khát vọng vượt qua số phận để làm nên vẻ đẹp của cuộc sống” được trao cho nữ nhà văn đã ở tuổi 74 - Trần Thị Trường.

1709613916-z5218356968802_5105e6bb9ab81cdaaaf890616b925eb0.jpg
Nhà văn Trần Thị Trường.

Có lẽ, giải thưởng này chính là quả ngọt của những cống hiến âm thầm, đẹp đẽ trong dòng chảy chung của nghệ thuật Việt Nam.
Không bỏ lỡ đam mê

Trần Thị Trường, quê Tuyên Quang, là người đam mê nghệ thuật, có sự thẩm thấu âm nhạc, hội họa khá tốt và có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thành công nhất định.

Năm 23 tuổi, bà cùng chồng mình thi đỗ Trường Mỹ thuật Công nghiệp cho thỏa chí tang bồng. Nhưng có lẽ, nhà không thể có hai nghệ sĩ trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn, khi thời bao cấp, ăn không có, tiền đâu mà mua các nguyên vật liệu để làm nghề.

Con cái và cuộc sống, những điều khiến bà quyết định để chồng làm nghệ thuật còn mình thì “bôn ba” nơi xứ người. Trần Thị Trường đã đi xuất khẩu lao động tại Bulgaria, làm thợ may, làm cả nghề hàn, đủ thứ, miễn là có tiền…

Cuộc sống càng nhiều chất liệu, Trần Thị Trường càng có ham muốn viết mạnh mẽ. Bà sáng tác tiểu thuyết đầu tay, mang tên “Lời cuối cho em” vào những năm 1990, khi đã 40 tuổi.

Trần Thị Trường còn nổi tiếng cả trong lĩnh vực âm nhạc, khi bà giúp cho ca sĩ Ngọc Tân trong những chương trình âm nhạc, hoặc tham gia làm cố vấn cho cố nhạc sĩ Phó Đức Phương trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc. Bà viết rất nhiều bài báo phác họa chân dung các nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa trong mảng âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.

nsy Trần Tiến
Chân dung Trần Tiến qua nét vẽ Trần Thị Trường

Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất, đó là sự quay trở lại với hội họa - niềm đam mê từ thời trẻ của bà. Trong đời sống, nhà văn Trần Thị Trường ít khi bỏ cuộc nếu gặp khó khăn, không cho phép mình thua bởi ý chí khá “sắt thép”. Và giờ đây, bà lại càng không cho phép mình bỏ lỡ niềm đam mê với hội họa.

Trước kia bà đã học vẽ từ họa sĩ Phạm Viết Song và vài chục năm sau, bà tiếp tục theo học thầy Hải Kiên. Tác phẩm hội họa của Trần Thị Trường giai đoạn này rất tươi mới, bút pháp chắc chắn, tung tẩy nhưng lại vững vàng.

Đó là những bông hoa, bếp lửa, góc quán cà phê, những bức tranh tĩnh vật, vạt nắng, chiếc đèn, cái cà mèn, hay loạt chân dung các nhân vật mà bà nể phục, ưa thích. Những bức tranh phản ánh nội tâm, sự quan sát thế giới và tư duy của bà.

Tác phẩm sống động và màu sắc tươi tắn, đầy năng lượng của Trần Thị Trường thu hút nhiều sự quan tâm. Và đã rất nhiều người “chấm” những tác phẩm của bà, đến nỗi mỗi lần triển lãm xong, Trần Thị Trường chẳng còn mấy bức để mang về nhà.

Nếu ai đó hỏi, nghệ thuật đối với chị là gì, nhà văn Trần Thị Trường thẳng thắn bộc bạch: “Nghệ thuật với tôi là sự biểu đạt cái mình nhận biết, để chia sẻ với con người xung quanh”. Bà cho rằng, bà muốn ca ngợi cái đẹp, cái tích cực, viết không quá nhiều, và không vẽ về cái “quá xấu. Cái xấu như một mùi khó chịu”.

Tại sao có sự phân định rạch ròi như vậy? Có lẽ phần nào do bản tính thẳng thắn, quyết liệt và quá tỉnh táo của bà.

Khi được hỏi: “Có khi nào chị gặp phải những chuyện khó giải quyết, bất lực, nhưng rồi cũng phải tự mình vượt qua hay không?”

Bà chia sẻ: “Một người đàn bà làm nhiều lĩnh vực là người dễ bị săm soi, dễ bị ghét. Tôi hiểu rõ điều đó khi đọc tác phẩm Anna Kerenia. Khi đã hiểu, thì chấp nhận. Tối tăm mặt mũi vì các đòn số phận, tôi cũng không nản. Tôi không bao giờ nói là mình khổ, nhưng tôi tin vào nhân quả, tin vào công bằng nên nếu có chướng ngại gì, tôi vượt qua bằng được”.

Nhà văn Trần Thị Trường đã có hơn 10 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn được xuất bản như: “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Thời gian ngoảnh mặt”, “Hoa mưa”, “Phố Hoài”… Gần đây bà quay lại với sự nghiệp hội họa và đã đạt được những thành công nhất định. Nhiều tác phẩm hội họa của bà được công chúng ưa chuộng sưu tập. Ấn tượng nhất là loạt tranh tĩnh vật, tranh hoa, và loạt tranh chân dung văn nghệ sĩ, nhà ngoại giao, luật sư, người nổi tiếng như: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, ca sĩ Ngọc Tân, đại sứ Nguyễn Phương Nga… Đó là những người làm bà có cảm nhận: “Tôi thấy họ thật đẹp vì ánh sáng tinh thần hiện rõ trên gương mặt của họ”.

Sống và chạy đua với quỹ thời gian

Cuối năm 2023, nhà văn Trần Thị Trường được Hội nhà văn trao giải: “Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng 2023/ Với khát vọng sống mãnh liệt vượt qua số phận để làm nên vẻ đẹp cuộc sống”.

Tĩnh vật 1 (1)
Tĩnh vật.

Giải thưởng khiến nhiều người “thắc mắc”, bởi có thấy bà làm gì, làm sao đâu mà “phải vượt qua số phận”? Hầu như rất ít người biết, bà luôn âm thầm với bệnh tật, lặng lẽ sáng tác, để mỗi lần xong một tác phẩm, lại thấy một Trường nhiều năng lượng.

Ít ai hay biết, cái sự nạp năng lượng của bà tới từ đâu, mà chỉ thấy một Trường không hiểu làm việc lúc nào. Bà chia sẻ: “Tôi thấy dù ở ngữ cảnh nào thì giải thưởng cũng đã ghi nhận tôi góp phần làm nên vẻ đẹp cuộc sống. Tôi làm nên một “Phố Hoài” trong trí nhớ của nhiều người, thế là đủ rồi”.

“Phố Hoài” là tác phẩm Trần Thị Trường “thai nghén” trong nhiều năm trời. Khi viết cuốn “Phố Hoài”, Trần Thị Trường không ngần ngại động chạm hoặc viết thẳng thắn để chạm vào sự thật.

Bà tâm sự: “Tôi đã hoàn thành cái điều mà tôi thấy cần phải làm. Khi tác phẩm ra đời, tôi có thêm người yêu, người ghét. Có thể tác phẩm không thỏa mãn hết độc giả, nhưng cũng không ít người đọc đã gặp gỡ, chia sẻ với tôi, đó là những điều làm tôi cảm động nhất”.

Bà luôn ao ước sức khỏe của mình tốt hơn, để có thể viết tiếp một cuốn dài hơi. Bởi chất liệu sống, bởi sự thôi thúc sáng tác vẫn còn đang tràn đầy trong tâm trí bà. Viết - vẽ - âm nhạc… những chất liệu của nghệ thuật cùng với đời sống đầy cảm xúc vẫn luôn khiến bà say mê.

Cháu nội (1)
Cháu nội.

“Tôi đã bị cháy hàng chục chiếc ấm vì nhiều khi đặt ấm đun nước rồi ngồi xuống bên giá vẽ, chỉ định đặt một nhát bút thôi rồi đi pha trà. Nhưng một nhát, là kéo thêm một cảm xúc dài. Cái ấm cháy mùi khét lẹt, tôi mới chợt nhớ và ra tắt bếp… Tôi luôn có nhiều ham muốn, chúng lôi kéo tôi kinh khủng”… - Trần Thị Trường nói.

Lúc nào người ta cũng thấy bà luôn trong trạng thái hoạt động, thậm chí tự tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật ngay trong không gian nơi mình ở để gặp gỡ bạn bè.

Làm nhiều việc cùng lúc, năm 73 tuổi, bà phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, “bệnh quá mức tưởng tượng và sự chịu đựng”. Nhưng vốn người mạnh mẽ, bà bình thản chờ đến chung cuộc.

Một bác sĩ đã động viên bà: “Cô sẽ sống, chỉ cần cô vượt qua giai đoạn này, cố lên cô nhé. Cháu biết cô, cháu hâm mộ Phố Hoài và tranh của cô lắm”.

“Thế là tôi cố gắng từng giờ một, trở về nhà sau 6 tháng nguy nan. Bây giờ điều trị xong, tôi vẫn nghĩ thế. 74 tuổi, bình tĩnh sống, điều chỉnh một chút về ăn uống, sống tích cực với việc tốt hơn. Tập luyện đủ 1 giờ 20 phút một ngày, và tôi hiểu rằng, sống là một quá trình và con người có nghiệp của mình…” - bà nói.

Có lẽ giờ đây, đối với nhà văn Trần Thị Trường, được tự do làm điều mình muốn, sung sướng thấy cái mình đã làm, là điều hạnh phúc. Bà thích sống một mình mà vẫn được yêu, thích yêu mà vẫn tự do.

Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam như một sự khích lệ, biểu dương người phụ nữ biết cố gắng cống hiến, không ngừng hoạt động, sáng tác với nhiệt huyết luôn cuộn chảy trong mình, ngay cả khi căn bệnh quái ác đe dọa.

Tinh thần sống, lao động, làm việc một cách gấp rút, vội vàng với quỹ thời gian còn quá ngắn của cuộc đời, lại khiến bà muốn có nhiều tác phẩm tốt làm đẹp cho đời hơn. Đây là một tinh thần đẹp, một cuộc đời đẹp!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà văn Trần Thị Trường - một tinh thần đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO