Giữa Tiểu La Nguyễn Thành và Huỳnh Thúc Kháng tuy chênh lệch nhau về tuổi tác (Tiểu La lớn hơn Huỳnh Thúc Kháng 13 tuổi) và khuynh hướng cách mạng (minh xã và ám xã) nhưng cả hai lại có mối giao tình rất đặc biệt, nhất là những ngày bị giam ngoài Côn Đảo.
Hai lãnh tụ của hai khuynh hướng cách mạng
Phan Khôi trong bài Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong sự biến năm 1916 đăng trên Tạp chí Sông Hương số 6 và 9 tháng 12 năm 1936 cho biết: “Vào khoảng 1907 - 1908, giữa cuộc vận động chánh trị ở Trung Kỳ chia ra hai phái: Một phái theo chủ nghĩa Phan Châu Trinh, lo việc khai trí, trị sinh, cải cách tệ tục, nương theo nước Pháp mà tiến bộ. Một phái theo chủ nghĩa Phan Bội Châu, xuất dương du học, mong có ngày đuổi người Pháp mà lấy lại chủ quyền. Phái Phan Châu Trinh xưng mình là “minh xã” mà xưng phái bên kia là “ám xã”…”.
Huỳnh Thúc Kháng là một trong ba nhân vật lãnh đạo phái Minh xã (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) còn “Lãnh tụ của ám xã ở Nam, Nghĩa từ tháng 2 năm 1908 về trước là ông Nguyễn Hàm, người Quảng Nam, tục kêu Ấm Hàm, hiệu Tiểu La. Ông này là đồng chí của Sào Nam tiên sinh từ ba năm trước” (Phan Khôi, bài đã dẫn).
Cũng theo Phan Khôi: “Bấy giờ, người trong hai phái tuy không đến nỗi cừu địch nhau chứ cũng kỵ nhau lắm”. Thế nhưng: “Nực cười có cuộc bắt bớ năm 1908, làm cho hai phái chẳng hề có tiếp hiệp với nhau mà bỗng dưng hợp một… Do việc “dân biến” năm 1908 mà hết thảy những người có chân trong cuộc vận động bất luận minh hay ám đều bị mắc vào một lưới. Ở trong tù, họ ngó nhau mà cười. Vì không ai ngờ có một thứ pháp luật lạ lùng đến nỗi ghép được hai cái tội gần đến trái nhau vào một án như nhau” (bài đã dẫn).
Lãnh tụ của cả hai phe “minh xã” và “ám xã” đã bị kết vào cùng một bản án ngày 3 tháng 8 năm Duy Tân thứ hai (tức 29.8.1908): “Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (…) Cung phụng Nguyễn Thành (…) là người trong danh sắc, há không biết người phản quốc (Phan Bội Châu), thế mà Nguyễn Thành thấy y đến nhà liền mời Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đến cùng mưu nghị, kế nghe y bỏ nước đi… Cẩn án luật mưu bạn… nhưng xét Phan Châu Trinh đã vâng án nghị xử tử, phát đi Côn Lôn, Huỳnh Thúc Kháng xin cùng Phan Châu Trinh đồng tội xử tử, phát phối Côn Lôn… Nguyễn Thành xin xử trượng 100 đày 3.000 dặm, phát giao biệt xứ phối dịch…”. (Nguyễn Thế Anh - Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, NXB Văn học, 2008, các trang từ 49 - 58).
Bị bắt giam vào nhà lao Hội An (ngày 26.3) thì ngay sáng hôm sau (ngày 27.3) khi cai tù mở cửa người đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng nhìn thấy là Tiểu La Nguyễn Thành: “Sáng hôm sau độ 7 giờ, có một người lính tập mở cửa, một tên tù vào đem thùng nước tiểu ra, tôi liếc thấy cách cái sân giữa chừng 3 trượng một cái phòng bên kia đối diện với phòng tôi cũng mở cửa, trong cũng có một người. Nhìn kỹ thì người bị giam trong phòng ấy không phải là ai lạ, chính là Tiểu La tiên sinh. Hai chúng tôi cùng ngó nhau mà cười song chỉ trông nhau bằng con mắt mà không nói được câu gì. Cửa phòng lại khóa lại mất”. (Thi tù tùng thoại).
Hai tháng sau hai ông cùng bị giải một lượt về giam tại nhà lao tỉnh (ở Vĩnh Điện) chờ ngày xét xử. Sau khi kêu án, lúc đầu tưởng một người đi Côn Lôn và một người đi Lao Bảo nhưng rồi hai ông vui mừng vì “đồng lộ” Côn Lôn cả.
Dựa vào những thông tin từ quyển “sử tù” Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng ta biết thêm được nhiều điều về mối giao tình giữa hai lãnh tụ của hai khuynh hướng “minh xã” và “ám xã” những ngày trong chốn lao tù.
Mối giao tình giữa Mính Viên và Tiểu La
Sau phút “gặp bằng mắt” ngắn ngủi hai ông cũng đã tìm cách để trao đổi thông tin với nhau bằng cách xin vào toilet: “Tôi vào phòng tiêu, thì Tiểu La tiên sinh cũng được một người lính dẫn vào cầu tiêu bên cạnh. Thế là hai anh em cùng ngồi trong cầu tiêu nói chuyện. Có tin tức gì cũng trao đổi nhau được”. Và cụ cho rằng: “Đó là một việc thú trong tù không sao quên được”.
Sau khi nghe tuyên án xong, chuẩn bị đi đày, các tù nhân có tổ chức buổi chia tay bằng một “tiệc thi ca”. Nghĩ mình 10 năm khổ sai chỉ bị đày đi Lao Bảo còn Huỳnh Thúc Kháng án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo nên Tiểu La Nguyễn Thành chủ động đến chia tay Huỳnh Thúc Kháng bằng một câu 7 chữ “Đồng thị thiên nhai lộ bất đồng” (Đồng cảnh ven trời lại khác đường). Câu chữ của Tiểu La được Huỳnh Thúc Kháng “vỗ tay khen hay và bảo thôi 7 chữ đủ rồi, không cần làm tròn bài”! Nhưng hôm sau lại nhận được tin cả hai người đều được… “đồng lộ” ra Côn Đảo và Tiểu La vui mừng “vừa đi vừa tủm tỉm cười”!
Tháng 8 năm đó Huỳnh Thúc Kháng cùng Nguyễn Thành lên tàu ở bến sông Hàn để vào Sài Gòn rồi ra Côn Đảo cùng với 6 nhân vật nữa. Sau khi ra đảo được ba tháng thì nhận được tin vợ của Tiểu La qua đời ở quê nhà. Huỳnh Thúc Kháng đã viếng bằng một câu đối xúc động:
“Nhị thập niên văn kê đải đán, đắc chi hiền trợ vi đa, tráng chí vị thù khứ quốc thử hồi thân nhất diệp;
Thiên lý ngoại kiến nhạn tư hương, đương thử ly hồn vị định, ai bưu thốc chí khai giam vô ngữ lệ thiên hàng”.
Huỳnh Thúc Kháng tự dịch:
“Hai mươi năm nghe gà đợi sáng, vẫn nhờ hiền trợ giúp nhiều, chí lớn chưa đền, lìa nước tấm thân như chiếc lá;
Ngoài ngàn dặm trông nhạn nhớ nhà, đang lúc ly hồn chưa định, tin buồn vội đến, xem thơ không nói luống rơi châu”.
Ra đảo được 3 năm thì Tiểu La qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã bùi ngùi tiễn đưa người anh, người đồng hương, đồng cảnh ngộ bằng 2 câu đối nổi tiếng:
“Mấy mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế gia, nào quân lữ gia, nào bí mật vận động gia, trăm lần uốn chẳng cong, đời cựu, buổi tân vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu;
Đôi ba bạn ruột rà thân thiết, kẻ sang đông, người sang tây, kẻ lại cùng hoang đày đọa, một ngày kia về nước, đỡ sau vừa trước, tiền trình buồn nỗi thiếu hai tay!”.
Khó có câu đối thể hiện được một cách đầy đủ như vậy, là sự đánh giá, vinh danh, tiếc nuối và cũng là sự chia sẻ sâu sắc nỗi niềm với nhà cách mạng hàng đầu đất Quảng.
Trong “Thi tù tùng thoại”, Huỳnh Thúc Kháng dành hơn 10 trang để nói về Tiểu La, đặc biệt các trang từ 140 - 143 nói rất kỹ và rất xúc động về cái chết của “người bạn đặc biệt” này. Dẫu biết Huỳnh Thúc Kháng là người có trí nhớ tuyệt vời nhưng nếu không có một tình cảm đặc biệt thì khó mà nhớ một cách đầy đủ chi tiết, nhất là cả hàng chục bài thơ và câu đối bạn tù viếng Tiểu La ngày ấy!