Góc suy ngẫm

Nhanh và chậm

LÊ VĂN 22/08/2024 18:06

(QNO) - Vụ sai phạm trên lĩnh vực quản lý đất đai ở xã Bình Nguyên (Thăng Bình) được các cơ quan báo chí đưa tin gần đây khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, ngạc nhiên. Chí ít là ở hai khía cạnh: mức độ “đơn giản hóa” thủ tục hành chính và “tốc độ” giải quyết các hồ sơ, thủ tục.

Tóm gọn như sau: Thửa đất số 641A, tờ bản đồ số 6, ở thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên trước đây là Xí nghiệp Sản xuất xì dầu nước chấm do Nhà nước quản lý. Năm 2007, huyện Thăng Bình bán đấu giá thanh lý tài sản gắn liền với đất. Một người ở Hội An sau khi trúng đấu giá đã lập hồ sơ đề nghị cấp “bìa đỏ” với mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh, thời hạn 50 năm, diện tích 9.105m2.

Năm 2018, chủ sử dụng lô đất nói trên chuyển nhượng cho một người ở Tam Kỳ. Sau đó, người này hiến một phần diện tích cho Nhà nước làm đường; phần còn lại được lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.

Hồ sơ nộp vào ngày 26/12/2019. Chỉ sau 4 ngày (31/12/2019), Phòng TN-MT huyện kiểm tra thực địa, thẩm định nhu cầu sử dụng đất và điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất. Ngay trong ngày 31/12/2019, đơn vị này ban hành văn bản thẩm định và có tờ trình đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng ngày, UBND huyện Thăng Bình ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng, gồm 4.251m2 đất ở và 1.417m2 đất sản xuất kinh doanh (sau khi trừ 3.437m2 đất hiến làm đường).

Chỉ một ngày, đã có 3 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho người dân!

Tiếp đó, ngày 18/3/2021, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện hoàn thành thủ tục chỉnh lý “sổ đỏ” khu đất ở nêu trên thành 8 thửa đất mới.

Vụ việc được cơ quan thanh tra phát hiện và chỉ ra nhiều sai phạm, khi chủ sử dụng khu đất tiếp tục lập thủ tục xin tách 6 thửa đất ở thành 36 thửa mới.

Quản lý đất đai lâu nay luôn là lĩnh vực hết sức phức tạp với đủ loại thủ tục. Hồ sơ trễ hẹn không ít, thậm chí có những đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất qua nhiều năm vẫn không thực hiện được vì không nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.

Vậy nên, câu chuyện nêu trên là điều đáng để ngạc nhiên. Trong trường hợp này, phải nói người dân đã quá “may mắn”!

Tại một số kỳ họp, hội nghị quan trọng của tỉnh thời gian qua, có ý kiến lãnh đạo tỉnh thẳng thắn đặt vấn đề, có hay không tình trạng “cò” trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; nếu có thì ở mức độ nào, phổ biến đến đâu?

Từ phía các cơ quan nhà nước, chưa có câu trả lời. Nhưng, dư luận trong nhân dân đã râm ran, thậm chí nêu thẳng tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Cũng đã có phản ánh về chuyện nhiều trường hợp người dân làm thủ tục mãi không xong, nhưng qua “cò” thì chóng vánh. Mà đã qua “cò” là đương nhiên tốn phí. Khoản phí này, “cò” cũng không thể giữ lại hết cho riêng mình.

Người dân, doanh nghiệp dân kêu ca, bức xúc nhiều. Các cơ quan nhà nước cũng than vất vả, quá tải. Nhưng câu chuyện “nhanh và chậm” thì còn lắm cái để bàn. Sự rắc rối, phức tạp trong các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, khiến việc giải quyết các hồ sơ liên quan cho người dân và doanh nghiệp kéo dài là thực tế. Áp lực về sự quá tải hồ sơ đất đai những năm gần đây đối với cơ quan công quyền là có thật. Nhưng nhiều vụ lách luật, cố tình làm trái pháp luật cũng đã được đưa ra ánh sáng; kể cả làm đúng luật nhưng người dân phải trả thêm chi phí không chính thức cũng chẳng phải là ngoại lệ…

Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành được cho là tạo rất nhiều thuận lợi cho dân và các cơ quan nhà nước trong giải quyết các thủ tục đất đai. Nhưng pháp luật là một chuyện, còn thực thi đến đâu cũng sẽ là vấn đề.

Vì thế, gần đây, lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên nhắc đến việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với Thanh tra tỉnh, cũng yêu cầu tăng cường thanh tra trách nhiệm công vụ của cả người đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhanh và chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO