Tài chính - Thị trường

Nhấp nhổm thị trường vàng

GIA KHANG 30/05/2024 08:39

Vàng thẻ khan hiếm, vàng nhẫn trơn và trang sức kinh doanh khó khăn… đang là bức tranh tương phản của thị trường kim loại quý trên địa bàn Quảng Nam, TP.Đà Nẵng những ngày qua.

v1.jpg
Nhân viên một cơ sở kinh doanh vàng miếng SJC thực hiện thủ tục giao dịch với khách hàng. Ảnh: V.L

Khan hiếm vàng thẻ SJC

Hai tuần nay, ông Nguyễn Văn Phước (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) 5 lần ra Đà Nẵng mua vàng nhưng vẫn về tay không. Được biết, năm ngoái ông Phước mượn của người thân 5 chỉ vàng SJC để sửa nhà, nay đến hạn trả nên phải tìm mua đúng loại vàng thẻ (vàng miếng) này. Tại những cửa hàng SJC ông Phước ghé đều lắc đầu thông báo hết vàng.

“Lần đầu họ nói chỉ còn nhẫn trơn và vàng trang sức, đề nghị tôi để lại số điện thoại, khi nào có vàng miếng sẽ liên hệ” - ông Phước kể. Chờ vài ngày không thấy ai gọi, ông quay lại cửa hàng nhưng vẫn không có, kể cả vàng nhẫn cũng hết. Ở những cửa hàng SJC Đà Nẵng ông Phước tới đều thông báo hết vàng thẻ.

Vàng SJC là loại vàng được sản xuất bởi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Saigon Jewelry Holding Company). Vàng SJC nổi bật hơn nhiều thương hiệu vàng khác bởi được đúc nguyên miếng hình chữ nhật.

Trên mặt miếng vàng SJC được in hình con rồng và 4 số 9 biểu thị cho vàng nguyên chất 99,99%. Ưu điểm của vàng SJC là sản phẩm đa dạng, hệ thống cửa hàng, đại lý phân bổ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được đảm bảo do vàng miếng SJC đã được lựa chọn là thương hiệu vàng của Nhà nước.

v(1).jpg
Vàng SJC là thương hiệu vàng nhà nước và có số lượng hạn chế. Ảnh: V.L

Từ đầu năm đến nay, vàng liên tục tăng giá, nhưng số người giao dịch vẫn khá đông. Đáng chú ý, hơn một tháng trở lại đây vàng miếng SJC bỗng trở nên khan hiếm, nhất là loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ.

Ông Nguyễn Văn Hùng (một chủ tiệm vàng ở Điện Bàn) nhận định, vàng miếng SJC thiếu do nhiều nguyên nhân, bên cạnh một số người mua đầu tư, không thể bỏ qua yếu tố doanh nghiệp “giữ hàng”, chậm đưa ra thị trường.

“Tâm lý mọi người thường nghĩ vàng SJC đảm bảo hơn về chất lượng và có thương hiệu mạnh sẽ dễ thanh khoản trong việc mua bán nên họ thích giữ vàng SJC hơn” - ông Hùng phân tích.

Với quy định Công ty SJC không được cấp phép sản xuất vàng miếng mà chỉ thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán, dẫn đến số lượng vàng miếng SJC trên thị trường có hạn.

Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh. Nếu như dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá vàng miếng SJC bán ra mỗi lượng khoảng 76 triệu đồng thì đến tháng 4 đã đạt ngưỡng 85 triệu đồng, thậm chí đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5 và hiện dao động quanh ngưỡng 90 triệu đồng.

Để bình ổn thị trường vàng, từ ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC. Sau 9 phiên đấu thầu (6 phiên thành công), hơn 48 nghìn lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.

Tuy nhiên, càng đấu thầu giá vàng càng tăng cao. Một số ý kiến cho rằng, do giá sàn đấu thầu cao khiến hiệu quả bình ổn không như ý muốn. Đây cũng là lý do vì sao ngày 27/5 Ngân hàng Nhà nước cho dừng đấu thầu vàng miếng.

Kinh doanh vàng nhẫn khó khăn

Nếu như vàng SJC khan hiếm thì ở chiều hướng ngược lại, các loại vàng 96%, 98%, 9999 (gọi chung là vàng nhẫn trơn, trang sức) tiêu thụ khá chậm. Qua tìm hiểu một số tiệm vàng trên địa bàn tỉnh, hầu hết cho biết hoạt động kinh doanh không bằng năm ngoái.

v3.jpg
Hoạt động kinh doanh vàng nhẫn trơn châm chạp. Ảnh: V.L

Theo ông Lê Văn Ngọc - chủ một tiệm vàng tại TP.Hội An, những ngày này bình quân mỗi ngày ông bán khoảng 1 - 1,5 cây vàng. Ngoài số ít người rút tiền ngân hàng mua vàng đầu tư thì phần nhiều mua vàng chủ yếu phục vụ đám tiệc, cưới hỏi.

“Kinh tế khó khăn, giao dịch buôn bán bất động sản giảm nên người dân không có tiền hoặc nhu cầu mua bán vàng. Chỉ tháng nào nhiều đám cưới hỏi mới bán nhanh hơn chút” - ông Ngọc nói.

Cạnh đó, việc các cơ quan liên quan ra quân triển khai thanh tra nguồn gốc xuất xứ vàng cũng khiến hoạt động kinh doanh vàng nhẫn bị ảnh hưởng, nhất là với số lượng vàng mua trong dân trước đây.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, việc quy định nguồn gốc xuất xứ vàng của Trung ương thời gian qua rất bất cập, bởi không phải người dân nào đi bán vàng cũng mang theo hóa đơn và các giấy tờ liên quan, chưa kể nhiều trang sức, vàng bạc có được thông qua thừa kế, cho tặng hoặc được mua hàng chục năm trước…

“Tất nhiên, đa số vàng chúng tôi nhập về từ công ty nên có hóa đơn xuất xứ rõ ràng, nhưng cũng không ngoại lệ một số trường hợp mình mua trong dân đâu phải ai cũng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên buôn bán đã khó khăn, bây giờ càng khăn hơn” - ông Hùng lý giải.

Theo ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, việc thanh tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ vàng là cần thiết, bởi thực tế đa số vàng mua bán đều có in dấu trên sản phẩm nên có thể xác định được xuất xứ.

Từ ngày 20 - 25/5, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã cử cán bộ tham gia cùng đoàn liên ngành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, hiện đơn vị đang chờ báo cáo kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhấp nhổm thị trường vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO