Tại buổi làm việc diễn ra cuối tuần qua, nhiều vấn đề then chốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hội An giai đoạn tới đã được Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cùng đoàn công tác của tỉnh ghi nhận, tìm giải pháp thúc đẩy.
Chuẩn bị cho tương lai
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội An sẽ được phát triển trở thành đô thị loại II thuộc cụm đô thị động lực số 1 trong vùng Đông tỉnh Quảng Nam trên cơ sở phát triển chuỗi các đô thị dọc tuyến quốc lộ 1 gắn với các đô thị vùng ven biển và Khu kinh tế mở Chu Lai.
Bên cạnh đó, TP.Hội An phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn có tính đặc thù của Quảng Nam.
Thời gian qua, địa phương đã chuẩn bị nhiều đòn bẩy để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Bao gồm: xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đồ án quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, định hướng đến năm 2050; Đề án xây dựng đô thị thông minh…
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP.Hội An; đồng thời hỗ trợ địa phương làm việc với các bộ, ngành liên quan để sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An.
Ông Trần Ánh cũng đề nghị tỉnh sớm cho địa phương biết chủ trương về việc có sáp nhập hay không 3 đơn vị hành chính: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Kim sau năm 2025 cũng như quan tâm cho chủ trương để Hội An xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, phát triển du lịch đường sông…
Từ đó tạo cơ sở để địa phương chủ động trong công tác quản lý cũng như tối đa hóa tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, một số vấn đề về quy hoạch, khớp nối nâng cấp hạ tầng không thuộc thẩm quyền của địa phương ảnh hưởng bức thiết đến nhu cầu phát triển, đời sống xã hội rất cần các sở, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ.
Nỗ lực cụ thể hóa Nghị quyết 31
Chia sẻ các vướng mắc của địa phương, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan cam kết sẽ phối hợp để sớm thúc đẩy nhiều vấn đề.
Bao gồm: đẩy nhanh tiến độ đồ án quy hoạch chung thành phố, xúc tiến các bước để tranh thủ tài trợ của KOICA (Hàn Quốc) trong xây dựng đô thị thông minh; tiếp tục ghi kế hoạch vốn trung hạn sớm trong giai đoạn 2026 - 2030 đối với dự án xây dựng Trung tâm Y tế thành phố; nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn từ cầu Nguyễn Duy Hiệu ra đường Lạc Long Quân, nâng cấp mở rộng cầu Bà Ngân, xây mới cầu Phước Trạch; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm cung cấp xăng dầu phục vụ nhu cầu tại xã đảo Tân Hiệp; phân cấp quản lý nghĩa trang nhân dân cho Hội An…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, để tận dụng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 31 về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hơn ai hết Hội An phải chủ động xây dựng danh mục dự án cần ưu tiên đầu tư để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn tới khi thời gian chốt không còn nhiều.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói: “Cần hết sức chú ý tính chủ động của địa phương trong việc tham mưu triển khai Nghị quyết 31. Nghị quyết này đã bao hàm đầy đủ các chủ trương kiến tạo phát triển Hội An.
Nhưng nghị quyết là một chuyện, tổ chức thực hiện là câu chuyện khác, chủ thể chính để cụ thể hóa Nghị quyết 31 vẫn phải là Hội An. Có thể là kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang khó khăn chưa bố trí vốn được nhưng ít nhất phải có đề án xác định danh mục để đưa vào ưu tiên sớm nhất cho giai đoạn tiếp theo”.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Hội An phải đẩy nhanh tiến độ công trình dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công kể cả ở các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng gắn trách nhiệm với người đứng đầu, nhất là người đứng đầu chính quyền các địa phương và cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vấn đề này.