Nhiều điểm sáng về chuyển đổi số

ANH ĐÔNG 18/07/2023 06:12

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia vừa chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết công tác chuyển đổi số và Đề án 06. Thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong triển khai góp phần đạt nhiều kết quả trong công tác chuyển đổi số và Đề án 06.

Công an Quảng Nam nỗ lực trong triển khai Đề án 06. TRONG ẢNH: Công an huyện Hiệp Đức làm thủ tục định danh điện tử cho công dân. Ảnh: V.A
Công an Quảng Nam nỗ lực trong triển khai Đề án 06. TRONG ẢNH: Công an huyện Hiệp Đức làm thủ tục định danh điện tử cho công dân. Ảnh: V.A

Nỗ lực từ Quảng Nam

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, công tác chuyển đổi số (CĐS) và triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023 được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Công tác CĐS quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2022, Quảng Nam xếp thứ 31/63 tỉnh, thành về CĐS

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06, Bộ TT-TT đã công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022.

Theo đó, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Nam đứng vị trí thứ 31/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng, giảm 6 bậc so với năm 2021. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ chỉ số CĐS cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai.

Đến nay đã có gần 8 triệu tài khoản và 20,7 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia. Triển khai 35/53 DVC thiết yếu ở mức độ 3, 4, giúp tiết kiệm hàng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng; ngành công an đã đưa 227 dịch vụ công lên môi trường điện tử (cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...).

Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. Kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 15,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2023.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đến 100% xã trên toàn quốc. Đã phủ sóng cho 2.164/2.418 thôn, bản lõm sóng (đạt 89,5%)…

Cùng với kết quả chung của cả nước, trong 6 tháng đầu năm, Quảng Nam đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CĐS và Đề án 06 theo chỉ đạo của Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đến nay Quảng Nam đã ban hành 1.078 DVC đủ điều kiện thực hiện toàn trình (chiếm 60% bộ thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 62% (năm 2022 đạt 51,16%).

Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, đảm bảo các tính tính năng, kết nối. Hoàn tích hợp ứng dụng VNeID của Bộ Công an, cho phép công dân có tài khoản VNeID có thể đăng nhập và nộp hồ sơ, không cần đăng ký lại thông tin, tài khoản; kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với phần mềm DVC liên thông của Bộ Công an đối với 2 nhóm TTHC đăng ký khai sinh, khai tử…

Nhờ quyết liệt triển khai Đề án 06, đến nay Quảng Nam cơ bản hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; thu nhận, kích hoạt hồ sơ định danh điện tử đạt 58,78% đứng thứ 28/63 cả nước…

Lợi ích từ triển khai Đề án 06

Đóng góp vào kết quả chung của công tác CĐS quốc gia 6 tháng đầu năm phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Đến nay, Bộ Công an hoàn thành cơ bản cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp hơn 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo Bộ TT-TT, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 1 doanh nghiệp Nhà nước và 3 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân.

Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như tích hợp thẻ CCCD với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (đã có gần 36,5 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD); làm sạch 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; bước đầu sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM với trên 17.000 lượt sử dụng…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành tư pháp, LĐ-TB&XH để cắt giảm các TTHC, người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Nhiều DVC được người dân hưởng hứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, hàng năm, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.

Ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử còn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; xác thực, làm sạch đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với hơn 141 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt. Ứng dụng VNeID mức độ 2 với hành khách đi máy bay; xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại cơ sở khám chữa bệnh... giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục…

Cơ sở dữ liệu là vấn đề sống còn

Năm 2023 là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả, việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư cũng còn nhiều khó khăn.

Theo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, CSDL quốc gia về dân cư đến nay đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tuy nhiên, nhiều kết nối mới chỉ là “vật lý”, dữ liệu trao đổi chưa có, hoặc đã có nhưng chưa chính xác. Bên cạnh đó, việc triển khai số hóa của các bộ, ngành, địa phương còn chậm, chất lượng chưa bảo đảm.

Từ kinh nghiệm xây dựng CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an cho thấy việc xây dựng và tạo lập dữ liệu là vấn đề rất khó khăn, duy trì thường xuyên dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” lại càng khó khăn hơn nữa. Do đó, nếu không có quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo tạo lập và nuôi sống dữ liệu thì khó có thể thực hiện được.

Nêu khó khăn liên quan đến CSDL quốc gia dân cư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Hệ thống giải quyết TTHC của Quảng Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư; cán bộ, công chức, viên chức đã tích cực khai thác, xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, đến nay một số bộ, ngành chưa cắt giảm, tái cấu trúc TTHC, do vậy các lĩnh vực như đất đai, công chứng, tư pháp… vẫn có yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú gây phiền hà cho việc giải quyết TTHC.

Ưu tiên phát triển dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban CĐS quốc gia một lần nữa nhấn mạnh, CĐS là xu thế tất yếu, được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên cần tập trung trong thời gian đến gồm ưu tiên phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” (dữ liệu là tài nguyên); ưu tiên phát triển các DVC công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các CSDL quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh, các CSDL quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho CĐS quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư.

Việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành, kết nối, chia sẻ các CSDL quốc gia trong tương lai... Thủ tướng chỉ đạo, chủ đề của năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”, do đó các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng CSDL.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều điểm sáng về chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO