Những ngày qua, nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình tăng cường ra đồng triển khai các biện pháp diệt chuột để bảo vệ lúa.
Canh tác 3 mẫu đất trồng lúa trên cánh đồng Ma Dậu (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), nhiều năm nay nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ gieo trồng đến thu hoạch lúa, nên năm nào gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (ở khu phố 5, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cũng có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng/vụ lúa, đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, ông Hùng đã xử lý mầm móng sâu bệnh, diệt chuột trên các chân ruộng của gia đình xong mới bắt đầu xuống giống.
Ông cho biết, hiện tại những diện tích lúa đông xuân 2023 - 2024 của gia đình đang ở giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Đây là thời điểm quan trọng quyết định năng suất của vụ lúa, tuy nhiên, nhiều chân ruộng liền kề đã bị chuột cắn phá.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, dường như ngày nào ông Hùng cũng có mặt ở ruộng lúa nhà mình theo dõi các dấu hiệu chuột cắn phá để áp dụng ngay các biện pháp phòng trừ.
Cũng trên cánh đồng Ma Dậu, ông Nguyễn Hữu Sơn (ở khu phố 4, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) canh tác 3 sào lúa giống 13/2, năm nay tuy thời tiết thuận lợi, ít có những đợt mưa rét lạnh kéo dài như năm ngoái nhưng chuột xuất hiện khá sớm và rất nhiều.
Những ruộng lúa của nhà ông Sơn từ khi xuống giống đã bị chuột gây hại, nhiều lần gia đình ông phải xin lúa non nơi khác để cấy dặm vào. Thế nhưng đến thời điểm này, khi lúa đã đẻ nhánh chuẩn bị đón đòng vẫn bị chuột cắn hại.
Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Mặc dù ông đã áp dụng các biện pháp như cắm trơi, đặt bã, phun thuốc xua đuổi chuột… nhưng vẫn bị chuột cắn phá”.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, đến nay toàn huyện có 126ha lúa bị chuột cắn phá, tập trung nhiều nhất là ở các xã Bình Nguyên, Bình Phục, Bình Đào, Bình Giang, thị trấn Hà Lam...
“Trước khi vào vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024, đơn vị cùng với các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tăng cường vệ sinh đồng ruộng kết hợp tổ chức ra quân đào hang, tìm diệt chuột trên các bờ ruộng lúa, gò đống cao, bụi rậm, bờ sông… nơi chuột thường xuyên trú ẩn.
Trong thời gian sản xuất, nếu chuột gây hại thì sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân dùng thuốc trừ chuột sinh học Racumin TP 0.75, vừa đảm bảo môi trường vừa đạt hiệu quả trừ chuột cao” - ông Nguyễn Xuân Cẩm nói.
Được biết, vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, nông dân huyện Thăng Bình gieo sạ hơn 8.500ha lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, chăm sóc và bảo vệ lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh và chuột gây ra.