Cứ mỗi lần nắng hạn gay gắt, hàng trăm hộ dân ở các khu dân cư Gò Dinh (xã Đại Hưng), Phước Lâm (xã Đại Hồng, Đại Lộc) lại đối diện với cảnh thiếu nước sạch. Nguồn nước ở các địa phương này bị nhiễm phèn nghiêm trọng, có nơi bị suy kiệt khiến đời sống người dân gặp khó khăn.
Chờ nước sạch
Đợt nắng hạn gay gắt vừa qua, khu vực tái định cư Gò Dinh (xã Đại Hưng) là một trong những “điểm nóng” của tình trạng khan hiếm nước sạch. Tuy nguồn nước gần đây có cải thiện đáng kể về trữ lượng song người dân rất khổ sở vì nước kém chất lượng, nhiễm phèn vôi, phèn vàng.
Từ năm 2016 đến nay, hơn 50 hộ dân Gò Dinh phải sử dụng nước tự chảy dẫn từ giếng đóng tại khu vực trung tâm xã rồi chảy theo đường ống bắt qua cánh đồng về Gò Dinh khoảng vài cây số, rồi bơm hút lên bể cao, cấp cho từng nhà theo đường ống dưới lòng đất.
Do nhiều tháng liền không có mưa, nắng hạn gay gắt, nhu cầu dùng nước tăng cao, máy bơm hoạt động liên tục nên nguồn nước về làng đục ngầu. Hộ gia đình nào có máy lọc thì phải lọc đi lọc lại mới uống được.
“Nhiều nhà dân được hỗ trợ mua máy lọc nước trả góp và ai cũng cố gắng mua một máy lọc, song không phải nhà nào cũng có điều kiện mua. Nước phèn quá, máy lọc cũng nhanh xuống cấp, lõi lọc phải mua liên tục. Ai có điều kiện mua nước bình sử dụng hằng ngày, chấp nhận tốn thêm 500 nghìn đồng/tháng tiền mua nước uống” - bà Trần Thị Tiền (người dân khu tái định cư Gò Dinh) nói.
Được biết, khu vực Gò Dinh do địa hình bên dưới có đá vôi, gành đá nên việc đóng giếng gặp nhiều khó khăn. Người dân mong muốn, một ngày không xa Gò Dinh có hệ thống nước sạch đúng nghĩa để dùng.
“Nghe đâu khu tái định cư Gò Dinh được một đơn vị tài trợ máy lọc nước nhưng hệ thống này vẫn chưa lọc được, chưa đi vào hoạt động. Hy vọng thời gian tới, máy lọc này hoạt động để có thể xử lý bớt một phần nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân” - bà Tiền nói.
Vùng núi Đại Hồng kiệt nước
Tại khu vực khe Hóc, khe Lim, gò Mồ Côi (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng), nhiều tháng qua đời sống người dân đảo lộn khi cả nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt đều bị cạn kiệt.
Ông Nguyễn Tuấn Khương, một người dân tại khe Hóc chia sẻ: “Ba tháng nay không có giọt mưa, giếng đóng, giếng đào khô hết rồi, nhà tôi phải ra sông chở nước nhưng sông chừ cũng cạn. Nhìn những cây ăn quả trong vườn cháy lá xơ xác mà bất lực. Chúng tôi mong cấp trên quan tâm, có giải pháp cấp nước hỗ trợ để người dân bớt khổ”.
Theo ông Khương, dân Đại Hồng chủ yếu lấy nguồn nước từ khe Lim, song mùa này cả khe Lim cũng khô cạn, mất nguồn. “Nguồn nước khe Lim dẫn về là nguồn tự chảy, không đảm bảo nhưng có vẫn còn hơn không. Mùa mưa nước khe về đỏ ngầu, không sử dụng được. Chuyện nước uống, nước sinh hoạt ở đây quá bí bách” - ông Khương nói.
Cách đây 1 tuần, gia đình ông Khương cùng với một số gia đình khác đã bỏ vài chục triệu đồng ra sông đóng giếng, mua đường ống dẫn về từng nhà. Do sát quốc lộ, không thể đào đường ống mà phải dẫn quanh co nên chi phí rất tốn kém. Ở khe Hóc có người bỏ ra chục triệu đồng, thậm chí đóng giếng cả trăm triệu đồng vẫn không có nước...
Gò Mồ Côi là nơi có đông đúc dân cư sinh sống, nhưng việc đào được giếng tại đây hết sức khó khăn do bên dưới toàn đá vôi, nhiều giếng đã cạn nguồn khiến người dân khổ trăm bề.
“Nhiều nhà phải xách xô, thùng đi xin nước, chở từng thùng, gánh từng gánh nước từ rất xa, vất vả. Không chỉ kiệt nguồn, một phần nguồn nước còn lại trong thôn bị nhiễm phèn rất nặng khiến đời sống người dân đã khó lại chồng khó” - chị Nguyễn Minh Trâm (khu vực gò Mồ Côi) cho biết.
Cũng theo chị Trâm, năm nào cũng vậy, cứ qua tháng giêng đến tháng 9 là dân rất khổ vì thiếu nước. Có nhà đóng giếng không được, phải xách can, thùng đi xin.
Ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn xã hiện rất khó khăn do khô hạn kéo dài, nhiều giếng, khe suối đã cạn kiệt. Ngay cả giếng nước tại UBND xã vài chục năm qua chưa bao giờ khô cạn thì nay cũng đã kiệt nước. Các công trình nước tự chảy khe Lim, khe Bò cũng khô cạn, nhiều giếng nước trong khu dân cư đã khô hạn.
“Địa phương mong người dân nỗ lực tìm kiếm nguồn để qua lúc khó. UBND huyện đã họp với xã để tìm hướng giải quyết. Có lẽ, thời gian đến huyện sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng công trình cấp nước. Huyện sẽ hỗ trợ đóng giếng lớn rồi bơm lên bể tự chảy của khe Lim, khe Bò để cấp nước về đường ống cho dân. Với các giếng này, dù không đủ nước phục vụ cho bà con nhưng trước mắt giải quyết đáng kể khó khăn tại chỗ vào đợt nắng hạn này” - ông Thẩm cho biết.