(QNO) - Sáng nay 6.6, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT về tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2018.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 229 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chủ yếu trên các lĩnh vực như chăn nuôi, liên kết sản xuất giống lúa - hoa màu hàng hóa, cung ứng giống cây trồng - vật tư nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, bảo vệ thực vật, điện thắp sáng, thu gom rác thải, giết mổ gia súc - gia cầm tập trung, xây dựng, dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu hoạch nông sản... “Qua kết quả đánh giá, xếp loại 168/229 HTX nông nghiệp trong năm 2018 cho thấy, có 28 HTX đạt loại tốt, 49 HTX khá, 74 HTX trung bình, 17 HTX yếu” - ông Tấn nói.
Ông Ngô Tấn cho biết thêm, thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015 các đơn vị liên quan đã hỗ trợ cho 17 HTX và 3 tổ hợp tác với số tiền 480 triệu đồng để đầu tư mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa giống phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2014 - 2017, ngân sách tỉnh chi gần 26,5 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa 18.487ha đất nông nghiệp, nhờ vậy nhiều HTX có điều kiện liên kết tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Bên cạnh đó, 4 năm qua tỉnh cũng phân bổ hơn 4,2 tỷ đồng để các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT nhìn nhận rằng, thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, nhận thức về kinh tế hợp tác, HTX nói chung và mô hình HTX nông nghiệp nói riêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp chưa theo kịp với tình hình mới, thiếu nguồn lực thực hiện nên việc thụ hưởng của các HTX không nhiều. Công tác quản lý nhà nước về HTX ở các cấp còn bất cập, đặc biệt là hiện nay trong đề án vị trí việc làm của cấp huyện không bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở Phòng NN&PTNT (Phòng Kinh tế) để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14 (ngày 25.3.2015) của Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ.
“Có một vấn đề đáng nói là, trong những năm qua việc xử lý giải thể các HTX nông nghiệp không hoạt động còn khá chậm. Tại nhiều nơi, có hiện tượng chạy theo thành tích, đối phó trong việc thành lập mới HTX để đạt tiêu chí số 13 của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ở một số địa phương, vẫn có tình trạng cấp ủy và chính quyền cơ sở buông lỏng việc lãnh đạo và thiếu quan tâm, định hướng, tạo điều kiện cho các HTX phát triển” - ông Ngô Tấn nói thêm.