Tác phẩm, tác giả

Nhớ họa sĩ Nguyễn Phan

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 06/10/2024 08:30

Đã 24 năm họa sĩ Nguyễn Phan giã từ cõi tạm; với tôi, ông là một người thầy tận tụy với những kinh nghiệm không phải bài giảng nào cũng có.

nguyen-phan-hoa-si-1-.jpg
Họa sĩ Nguyễn Phan.

Một người thầy cẩn trọng

Họa sĩ Nguyễn Phan tên thật là Phan Ngọc Nam, sinh năm 1939 tại Huế. Tôi gặp ông muộn màng năm 1979 tại Trung tâm Văn hóa và Triển lãm (TP.Đà Nẵng).

Từ tháng 4/1975, ông thường xuyên có mặt trang trí các gian hàng, lễ hội. Được nhận việc ông giao về trang trí một gian hàng là thử thách cho tôi - một họa sĩ vừa mới ra trường mà chỉ mới tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật.

Ông tốt nghiệp khóa 2 Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1962). Ông cũng là thầy dạy vẽ của vợ tôi trong một lớp vẽ vào năm 1973. Công việc dạy vẽ cũng là mục đích truyền nghề của ông khi phải vất vả một năm học thêm chứng chỉ sư phạm tại Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1963.

Được làm việc với họa sĩ kinh nghiệm, trong đó có thực hành mỹ thuật là điều may mắn của tôi. Từ phác thảo đen trắng đến màu để thi công một pa nô phối nhiều màu, cả kiểu chữ đều được ông hướng dẫn tỉ mỉ.

Họa sĩ Nguyễn Phan đoạt huy chương bạc giải quốc tế tại La Mã (Rome, 1965) và đã có nhiều cuộc triển lãm riêng thành công tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.Hồ Chí Minh…

Ngay cả việc gìn giữ họa phẩm, bảo quản cây cọ, chổi quét sơn cũng được ông cẩn thận dặn dò: đậy nắp kín, ngâm nước cọ vẽ chống khô khi đang vẽ chưa xong mà phải dừng...

Những năm trước 1975, họa sĩ Nguyễn Phan đã tham gia nhiều triển lãm cá nhân ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn. Và với bức tranh “Lụa”, ông được giải quốc tế tại La Mã (Rome, 1965). Đến năm 1993, ông mới trở lại với triển lãm cá nhân tại TP.Đà Nẵng.

Trong hoạt động nghệ thuật của ông nổi trội là kiến trúc và điêu khắc. Nhìn động tác kéo thước trên bàn vẽ kỹ thuật thôi cũng đã thấy cái tài của ông.

Trong việc bảo tồn kiến trúc, ông tham gia các công trình như tu bổ Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Cảnh, Tiên Phước); thiết kế Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở TP.Đà Nẵng.

Và qua tìm hiểu của nhà báo Trần Trung Sáng, chúng tôi biết thêm thông tin họa sĩ Nguyễn Phan còn giúp tu bổ ngọn đồi Bửu Châu - nơi có nhà thờ Núi có nguy cơ bị sạt lở năm 1985. Và cả việc trang trí một phòng khách cho phái đoàn của y tế Đức trở lại bệnh viện C ở Đà Nẵng được các bác sĩ nước ngoài khen ngợi.

Cảm quan nghệ thuật nhạy bén

Những quy hoạch tổng thể một công trình cộng đồng ngoài trời như tượng đài, công viên, cả việc bảo tồn đã được họa sĩ Nguyễn Phan thể hiện công phu với mô hình khá hiện đại thời đó.

Sự sáng tạo đến từ những ý tưởng như khi thực hiện đài tưởng niệm vụ thảm sát ở Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Từ năm 1983, ông đã đưa ý tưởng nên có thêm không gian bên dưới đế chân đài là không gian dành cho khu thương mại buôn bán, vì chợ tự phát ở ngã ba ảnh hưởng đến giao thông. Ý tưởng này không được thực hiện vì không có kinh phí.

tượng đài Cây Cốc
Tượng đài Cây Cốc. Ảnh Diễm Lệ

Cũng kể thêm khi được nhận thiết kế khu tượng đài tưởng niệm vụ thảm sát Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), ông trực tiếp thực hiện bản vẽ với quy hoạch lối đi, hồ nước cùng các bông sen tượng trưng cho chiến sĩ đã hy sinh, các bước nghỉ với lọng che bằng bê tông đặt hai bên. Hôm nay khi trở lại, chúng ta vẫn thấy sự hợp lý và hài hòa.

Có thời gian họa sĩ Nguyễn Phan sống trong con hẻm nhỏ ở bờ biển Thanh Bình với căn nhà gỗ kiểu sàn khá ấn tượng. Khi căn nhà nằm trong diện giải tỏa, ông vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống và tiếp tục vẽ, triển lãm.

Ấn tượng nhất là vào năm 2009, họa sĩ Nguyễn Phan sáng tạo nên tác phẩm “Những đóa hoa từ phế liệu”. Mỗi bức có kích thước 3,6mx4,2m. Tổng diện tích của tác phẩm liên hoàn là 30,24m2. Chất liệu để làm nên tác phẩm này bằng vỏ, nắp và nhãn chai nhựa đã qua sử dụng (4.800 vỏ chai được sử dụng).

Thông điệp mà họa sĩ Nguyễn Phan gửi gắm trong tác phẩm là, “nếu biết sử dụng những vật tưởng như bỏ đi với một mục đích có ý nghĩa, chúng ta đã góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, cũng có nghĩa là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, ông còn giới thiệu 21 bức tranh sơn dầu và tổng hợp mà phần lớn cũng hướng về thiên nhiên.

Tôi gặp ông lần cuối tại Hội An vào năm 2010, khi được ông mời góp ý về việc dựng lại tháp Mỹ Sơn A1. Sau đó vài tháng thì ông qua đời.

Một ngày đầu thu, tôi có dịp ngồi lại với con trai họa sĩ Nguyễn Phan - kiến trúc sư Phan Trường Sơn. Trong câu chuyện về người họa sĩ tài hoa, tôi không thể quên cách ông dạy tôi về việc lấy code cao thấp, những cao độ từ gò đồi được đo bằng tay mà không có điều kiện máy móc như hôm nay khi làm tượng đài Cây Cốc...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ họa sĩ Nguyễn Phan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO