Cuối tuần qua, chương trình chợ phiên khởi nghiệp do Thành đoàn Tam Kỳ phối hợp với Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ tổ chức thu hút đông đảo người dân địa phương đến giao lưu, trải nghiệm và kết nối kinh doanh.
Sân chơi mới
Với mong muốn mang đến thức uống giàu dinh dưỡng, giá cả hợp lý, anh Nguyễn Đình Quốc (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đã khởi nghiệp từ việc sản xuất và kinh doanh sữa hạt nguyên chất mang thương hiệu Bean.
Anh Quốc quê ở xã Tam Hòa (Núi Thành) nhưng có nhiều năm làm nghề pha chế ở những thành phố lớn trên cả nước. Vừa qua, sau nhiều năm bôn ba xứ người, anh quyết định về Quảng Nam khởi nghiệp với chính sở trường của mình. Sau hơn 2 tháng kinh doanh, dù chất lượng sản phẩm tốt nhưng thị trường vẫn còn hạn chế.
[Video] - Chia sẻ của những người tham gia Chợ phiên khởi nghiệp TP.Tam Kỳ
Cuối tuần qua, anh được Thành đoàn Tam Kỳ và Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp Tam Kỳ mời tham gia chợ phiên khởi nghiệp. Tại đây, sản phẩm sữa hạt của anh được nhiều người quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao về chất lượng.
“Mình không nghĩ mọi người ở Tam Kỳ quan tâm đến sản phẩm khởi nghiệp nhiều như vậy. Sữa hạt của mình được khách hàng ủng hộ rất nhiều. Ở đây cũng có nhiều mô hình khởi nghiệp khác của các anh chị đi trước, từ đây, mình có thể làm quen, giao lưu học hỏi các kinh nghiệm kinh doanh để có hướng đi đúng hơn trong thời gian tới” - anh Quốc nói.
Chợ phiên khởi nghiệp Tam Kỳ còn thu hút 15 mô hình khởi nghiệp khác của các CLB khởi nghiệp thanh niên, phụ nữ trên địa bàn thành phố, với nhiều sản phẩm như yến sào, rong biển, nhàu, đông trùng hạ thảo, sữa chua sấy thăng hoa, cơm can-xi, túi lưới tái chế... Chương trình còn thu hút hàng trăm người dân đến tham gia nhờ các hoạt động bên lề khác như chơi các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật đường phố, nhảy hiện đại...
Bạn Trần Nguyễn Uyên Thảo - Chi đoàn lớp 10/5, Trường THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Đây là một sân chơi mới, nhiều trải nghiệm cho giới trẻ. Ngoài việc chơi trò chơi, xem ca nhạc thì mình còn được biết đến các sản phẩm khởi nghiệp ở địa phương, từ đó có thêm động lực để cố gắng học tập, định hướng tốt cho tương lai sau này”.
Không gian sáng tạo cộng đồng
Theo Thành đoàn Tam Kỳ, Phiên chợ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ năm 2024 nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thanh thiếu nhi và người dân địa phương.
Đây là cơ hội để tập hợp thanh niên, doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh; đồng thời góp phần thúc đẩy và lan tỏa phong trào khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chị Nguyễn Thị Ly - Bí thư Thành đoàn TP.Tam Kỳ cho biết, phiên chợ sẽ diễn ra từ 17 - 22 giờ vào mỗi tối thứ Bảy cuối cùng của tháng. Ngoài hoạt động trưng bày sản phẩm khởi nghiệp để quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm đặc trưng của Tam Kỳ, phiên chợ còn có các hoạt động chơi trò chơi dân gian, vẽ tranh, ẩm thực.
[Video] - Chị Nguyễn Thị Ly - Bí thư Thành đoàn TP.Tam Kỳ chia sẻ về phiên chợ khởi nghiệp.
Ngoài ra, Thành đoàn Tam Kỳ còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh lồng ghép các hoạt động tư vấn việc làm cho thanh niên. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn có kế hoạch tuyên truyền ứng dụng chuyển đổi số cho người dân và thực hiện hoạt động thay nhớt xe miễn phí cho thanh niên khởi nghiệp, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố” - chị Ly nói.
Ông Phạm Phú Hiển - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ chia sẻ, phiên chợ khởi nghiệp sẽ là mô hình trọng tâm của đơn vị nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp các mô hình, dự án khởi nghiệp trên địa bàn vượt qua khủng hoảng kinh tế hiện nay.
“Tại đây, chúng tôi còn tổ chức hoạt động livestream bán hàng, quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp trên các trang mạng xã hội, hướng đến việc tạo lập kênh bán hàng sản phẩm Tam Kỳ.
Ngoài ra, trong khung giờ từ 18 - 19 giờ, ban tổ chức sẽ mời những chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, truyền thông, marketing, bán hàng... đến chia sẻ kinh nghiệm và truyền động lực cho thanh thiếu niên và các chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. Chúng tôi cố gắng lan tỏa giá trị từ phiên chợ khởi nghiệp này, để trở thành hoạt động thường kỳ, kết nối với các địa phương khác” - ông Hiển nói.