Như sợi dây trên nóc nhà làng

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 17/11/2023 08:25

Nhịp trống vang, hòa trong điệu múa tân tung, da dá độc đáo. Phía sân gươl, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang xúng xính trong sắc phục truyền thống, hào hứng chào đón những vị khách bằng hoạt động trình diễn nghệ thuật đặc sắc, mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân.

Đồng bào Cơ Tu ở thôn A Liêng mặc sắc phục truyền thống ra tận ngõ đón khách đến chung vui ngày hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu ở thôn A Liêng mặc sắc phục truyền thống ra tận ngõ đón khách đến chung vui ngày hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chung chiêng hội làng

A Liêng (xã Tà Bhing, Nam Giang) - khu dân cư có hơn 80% dân số là đồng bào Cơ Tu, từ lâu được biết đến như một điển hình của huyện Nam Giang trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch và sinh kế.

Sau nhiều năm xây dựng hương ước cộng đồng, nơi này có đến 6/9 tộc họ văn hóa được hình thành, duy trì tinh thần nêu gương, từ Zơrâm, Bhling, Pơloong cho đến Bhnướch, Cha Brăng,…

Trưởng thôn A Liêng - Zơrâm Đa cho biết, ở khu dân cư này, vai trò cộng đồng luôn được đề cao, xem đó là “sợi dây gắn kết” giữa đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Khơ Mú, Kinh… suốt hàng chục năm chung sống. Không ai phân biệt nhau về nguồn gốc, tộc họ.

“Hễ chọn đất dựng nhà tại A Liêng thì đều là con dân của làng, cùng giúp nhau vượt qua gian khó, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống mới. Đến nay, chúng tôi đạt 7/10 tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2024 đạt thêm các tiêu chí còn lại” - ông Zơrâm Đa chia sẻ.

Như sợi dây trên nóc nhà làng, câu chuyện gắn kết ở A Liêng được kể bằng con số cụ thể, trong báo cáo của địa phương nhân ngày hội đại đoàn kết. Đó là những lần cộng đồng giúp nhau chuyện nương rẫy, san ủi mặt bằng, tặng nhau từng gùi củi, lon gạo… trong lúc hoạn nạn. Những điển hình đó, là minh chứng để khu dân cư A Liêng có hơn 200 hộ được công nhận gia đình văn hóa; trong đó, nhiều hộ đạt danh hiệu trong nhiều năm liên tiếp.

Ông Zơrâm Năng - già làng uy tín của A Liêng nói, điều khiến ông cảm thấy vui nhất, ngoài câu chuyện đoàn kết một lòng giữa cộng đồng dân cư, còn là hành trình vượt khó, giúp nhau cùng phát triển kinh tế của cộng đồng. Những người lớn tuổi, như thế hệ của già Năng, xem đoàn kết là “sinh mệnh” của làng.

“Phát huy các giá trị của tình đoàn kết, những năm qua, chúng tôi vận động và nhân rộng các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Tộc họ văn hóa”, mỗi năm gây quỹ 2-3 triệu đồng bằng tinh thần đóng góp tự nguyện của từng hộ dân. Nhờ vậy, đã động viên các cháu học tập tiến bộ, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng” - già Năng nói.

Phát huy tình đoàn kết

Được sáp nhập từ năm 2019, thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) như “hình mẫu” của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Trưởng thôn Alăng Phân nói, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được xác lập từ trong từng hộ dân, góp vào mục tiêu chung của cộng đồng. Nhiều người nói, ở Bhlô Bền, không gian sống được tạo dựng từ tinh thần gắn kết, với nhiều mô hình chăn nuôi heo cỏ, trâu bò được hình thành và phát triển.

Theo ông Alăng Phân, từ thực tế khó khăn về đường sá đi lại, sau các cuộc họp thôn, người dân đã tình nguyện hiến đất đai, vườn tược để mở rộng đường giao thông nông thôn, thậm chí có hộ còn nhường cả vườn lòn bon để thôn làm nơi dựng gươl, tạo điểm sinh hoạt truyền thống. Nhiều năm trước, cộng đồng Cơ Tu ở Bhlô Bền còn giúp các hộ đồng bào Kinh đến sinh sống ổn định, thông qua việc nhường đất đai, hỗ trợ sản xuất.

“Năm 2024 sắp tới, từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi sẽ bố trí đất dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt cho cả thôn. Đất này, cũng nhờ một số hộ dân hiến góp, ủng hộ với chủ trương chung của thôn” - ông Phân cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đỗ Hữu Tùng cho rằng, câu chuyện gắn kết giữa cộng đồng vùng cao được vun đắp từ giá trị thực tiễn đời sống. Tinh thần đó, thể hiện ở hành động giúp nhau trong lúc hoạn nạn, ốm đau, trong ma chay, cưới hỏi,…

Và sau này, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới, sáp nhập thôn được đưa về, bằng tình cảm và tinh thần trách nhiệm với cộng, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tình nguyện hiến đất, hưởng ứng tích cực chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

“Với đa dạng tộc người sinh sống, Bhlô Bền như được góp thêm các sắc màu văn hóa. Đây được xem là lợi thế để cộng đồng địa phương phát huy giá trị truyền thống, tạo ra các sản phẩm du lịch độc độc đáo từ chính bản sắc văn hóa riêng biệt. Người Cơ Tu, người Kinh hay Thái, Mường… ở Bhlô Bền này đều là anh em một nhà, luôn có truyền thống đoàn kết, đùm bọc, hòa thuận giúp đỡ lẫn nhau. Cả cộng đồng cùng vượt qua gian khó, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và tạo nên một đời sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc” - ông Tùng nhấn mạnh.

Vùng cao, những ngày qua rộn ràng không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Khắp làng trên, nóc dưới, từng người dân gác lại công việc gia đình, cùng tìm về hội làng. Những sắc phục đẹp nhất được lấy ra từ chiếc ché, sau một năm cất giữ, mang đến không gian nhà làng để hòa trong màu sắc chung của cộng đồng. Trên gương mặt của họ, hiện rõ niềm vui và tự hào…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như sợi dây trên nóc nhà làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO