Giảm nghèo - An sinh

Nhức nhối vấn nạn tảo hôn, Phước Sơn quyết tâm chung tay đẩy lùi

DIỄM LỆ 04/11/2024 09:30

Nạn tảo hôn, sinh con sớm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn đã để lại nhiều hệ lụy. Chính quyền, các hội đoàn thể của địa phương đang nỗ lực đẩy lùi vấn nạn này.

z5987945813053_5cbd1ad79234ebe4fd1d668484ab77ee.jpg
Những đứa trẻ phải làm mẹ sớm mang theo lời ru buồn dai dẳng cả cuộc đời. Ảnh: D.L

Khắc khoải lời ru buồn

Sinh năm 2008, Trần T.T. (ở tổ dân phố 1, thị trấn Khâm Đức) nay mới tròn 16 tuổi, nhưng đã có con sắp tròn 5 tháng tuổi. Chồng của T. sinh năm 2003, hiện đang ở huyện Bắc Trà My.

Giọng buồn xen lẫn nỗi ngần ngại, T. rụt rè kể: “Hồi khoảng lớp 7, lớp 8 gì đó, em quen với ảnh và chỉ nghĩ là quen biết bạn bè vậy thôi, chứ không ngờ như thế này. Lúc mang thai, em cũng không biết. Đến khi thai lớn, gia đình đưa đi siêu âm thì… chuyện đã rồi.

Ba mẹ nuôi em sinh đẻ, tụi em cũng chưa có làm lễ cưới. Em thực sự hối hận. Giờ cả em và ba của đứa bé đều không có việc làm, sống dựa vào gia đình. Chờ con lớn, em sẽ gửi ông bà chăm để học nghề, đi làm ”.

Mới học lớp 9 đã mang thai, phải nghỉ học, Hồ Thị K.H. (sinh năm 2006) kể, lúc đó quen nhau qua mạng. K.H. ở Phước Sơn, người yêu ở Nam Giang. Từ hẹn hò trên mạng, đến hẹn gặp ngoài đời, rồi mang thai.

Chuyện đã rồi, hai gia đình cho con làm lễ hỏi, xong K.H. sinh con, đến nay vẫn chưa tổ chức lễ cưới. Cha của con H. chỉ ở nhà làm nương rẫy với gia đình, chẳng có việc làm ổn định nên thu nhập cũng không có để phụ H. nuôi con. Cả hai gia đình đều hoàn cảnh nghèo khó, khiến tương lai của cả gia đình cứ mờ mịt theo lời ru buồn khắc khoải nơi xóm núi nghèo.

Chung tay đẩy lùi vấn nạn

Bà Đinh Thị Minh - Tổ trưởng Tổ dân phố 1, thị trấn Khâm Đức nói, thời gian qua, từ huyện, tới thị trấn và các tổ, thôn, nhà trường tuyên truyền rất nhiều về vấn nạn hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn.

z5987945133457_26d0f3dc51e93f761ff6bd7ccae64730.jpg
Tuyên truyền phòng chống nạn tảo hôn tại huyện Phước Sơn. Ảnh: D.L

“Nhưng thời buổi công nghệ thông tin phát triển, tụi nhỏ cứ quen nhau trên mạng, coi nhiều thứ không hay trên mạng rồi yêu đương sớm khi còn đi học cấp 2, dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, đến khi phát hiện thì chuyện đã muộn.

Phần lớn các trường hợp tảo hôn đều rơi vào gia đình khó khăn, hộ nghèo nên càng vất vả hơn. Ngoài sự tuyên truyền của ngành, đoàn thể thì mỗi gia đình cũng phải quan tâm nhiều hơn đến con em mình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu” - bà Minh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Bằng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, việc tuyên truyền được đẩy mạnh từ huyện tới cơ sở nên hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt, tảo hôn thì có giảm nhưng vẫn còn.

Từ năm 2020 đến nay, Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn đã phối hợp với các xã, ngành, đơn vị triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”.

Giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn có 35 trường hợp tảo hôn, đến năm 2023 giảm xuống còn 24 trường hợp. Năm 2024, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, đơn vị, số trường hợp tảo hôn đến nay giảm còn 15 trường hợp.

Ông Bằng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, ngoài sự thiếu hiểu biết thì một nguyên nhân mới là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử.

Một số em học sinh vì học lực yếu, xa gia đình, tuổi mới lớn có sự quan tâm của bạn khác giới nên dễ dẫn đến việc yêu đương sớm, có một số trường hợp xảy ra mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn. Người dân ở miền núi khi cho con đi học cứ phó thác cho nhà trường, không quan tâm đến con em.

Để giảm thiểu nạn tảo hôn, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Trong nhà trường thì sẽ tổ chức các hội thi, sân khấu hóa để nâng cao nhận thức cho học sinh.

Về khu dân cư sẽ tập trung tuyên truyền về những huệ lụy của tảo hôn, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rằng tảo hôn là vi phạm pháp luật có thể bị phạt tù, để từ đó tích cực phối hợp với nhà trường, địa phương quản lý con em, chủ động phòng chống tảo hôn.

Lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2021 đến nay, Quảng Nam đã thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn.

Các chương trình đã lồng ghép đầu tư hơn 300 công trình, dự án giao thông, giáo dục, nước sinh hoạt, điện, hỗ trợ người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống... Trong 3 năm 2021 - 2023, nguồn lực lồng ghép từ 2 chương trình hơn 2.240 tỷ đồng, góp phần giảm nghèo hiệu quả trong nhân dân.(L.D)

Hơn 81 tỷ đồng hỗ trợ các xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đất liền, tổng nguồn lực hỗ trợ đạt hơn 81 tỷ đồng.

Đến nay, có 89 cơ quan, đơn vị, tổ chức kết nghĩa với 66 xã miền núi; trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh; một số cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 2-3 xã. Qua hoạt động kết nghĩa đã hỗ trợ xây dựng hơn 100 nhà tình nghĩa, nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, chuyển giao kỹ thuật... Qua đó đã giúp hàng nghìn hộ dân có thêm điều kiện, cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.(D.L)

Công an các huyện miền núi hỗ trợ xây nhà tình nghĩa

Đoàn Thanh niên Công an các huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My vừa tổ chức khởi công xây tặng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình ông Bnướch Planh (thôn Arui, xã Dang, Tây Giang).

Ông Planh là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được hưởng các chương trình về hỗ trợ nhà ở. Ngôi nhà cấp 4 của ông Planh có diện tích 56m2, tổng kinh phí xây dựng khoảng 80 triệu đồng; trong đó Chi đoàn Công an 6 huyện miền núi hỗ trợ 18 triệu đồng, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tây Giang hỗ trợ 32 triệu đồng.

Được biết, Công an huyện Tây Giang đã hỗ trợ 2 ngôi nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện.(S.L)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhức nhối vấn nạn tảo hôn, Phước Sơn quyết tâm chung tay đẩy lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO