(VHQN) - Ngôi đền E1 - Khu đền tháp Mỹ Sơn có tới 3 bảo vật quốc gia độc đáo và tiêu biểu nhất về nghệ thuật lẫn tôn giáo của văn minh Champa.
Cho đến nay, đã có 6 bảo vật quốc gia được công nhận có nguồn gốc từ Khu đền tháp Mỹ Sơn. Những bảo vật này đều nằm trong hệ thống tượng thờ ở các ngôi đền.
Trong đó, riêng ở đền chính E1, nhóm E, đã có tới 3 bảo vật được công nhận, gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Mukhalinga và bức mi cửa Đản sinh Brahma. Các bảo vật này rất độc đáo và tiêu biểu về hình tượng điêu khắc và tính biểu tượng trong tôn giáo Bà la môn sớm ở Champa.
Ngôi đền của bảo vật
Mỹ Sơn E1 là ngôi đền duy nhất còn lưu giữ được những yếu tố kiến trúc và điêu khắc sớm nhất của nền nghệ thuật Champa.
Được xây dựng trong khoảng thế kỷ 7-8, vật liệu xây dựng ngôi đền này là sự kết hợp giữa gạch, gỗ, đá và ngói đất nung. Nền cao, có mặt bằng vuông, tường tháp xây gạch và không có cửa giả.
Ở bốn góc nội điện vẫn còn lưu giữ bốn chân đá tảng - dấu vết của một cấu kiện gỗ, giữa nội điện là đài thờ. Phần đế trang trí của đài thờ này đã được chuyển đi trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nay chỉ còn lại Linga và thân đài thờ.
Cũng tại đây từng phát hiện một bức mi cửa thể hiện cảnh Đản sinh Brahma.
Ngôi đền này không chỉ là nơi tìm hiểu tiến trình phát triển của kiến trúc trong giai đoạn sớm của di tích Mỹ Sơn và Champa mà còn lưu dấu những ảnh hưởng của các nền nghệ thuật như Ấn Độ, Trung Hoa hay Dvaravati Thái Lan qua các tác phẩm điêu khắc của công trình này.
Tuy nhiên, hiện đền đã sập hoàn toàn.
Phát hiện mới về Đài thờ Mỹ Sơn E1
Các chuyên gia Pháp khai quật đền E1 trong thời gian từ 1903 - 1904 đã phát hiện linga và nhiều khối đá trong đền E1. Lúc này, Đài thờ Mỹ Sơn E1 đã bị xáo trộn do các cuộc săn tìm báu vật diễn ra trước khi các chuyên gia Pháp khai quật vào đầu thế kỷ 20.
Do đó, khi các nhà khảo cổ Pháp đến khai quật thì đài thờ đã không còn như hình dạng ban đầu. Bản vẽ về đài thờ Mỹ Sơn E1 của Henri Parmentier chỉ là giả định.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012, hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chỉ là phần đế có trang trí của Đài thờ Mỹ Sơn E1. Phần thân và tượng thờ vẫn còn tại khu vực đền E1.
Năm 2018, chúng tôi sắp xếp lại đài thờ dựa theo bản vẽ của các chuyên gia Pháp. Tuy nhiên, bản vẽ giả định này đã sắp xếp sai vị trí các lớp đá.
Phát hiện thú vị thứ 2 cũng ngay năm này, chính là văn khắc trên đài thờ vốn chưa từng được biết đến trước đây. Cụ thể, có 2 văn khắc phạn ngữ ở 2 lớp đá giống nhau.
Trong chuyến khảo sát năm 2022, Salomé Pichon (EFEO) đọc là mukha. Thêm nữa, ở phần tròn của Linga, nhìn vào vết vỡ trên gờ có dấu hiệu của một khuôn mặt người. Dựa trên ký tự mukha và vết vỡ có thể cho rằng đài thờ Mỹ Sơn E1 hiện nay là một mukhalinga (hay còn gọi ekamukhalinga - linga có một khuôn mặt thần).
Phát hiện này có liên quan đến một bảo vật quốc gia được phát hiện sau đền E1 vào năm 2012 - cũng là một Mukhalinga. Bảo vật quốc gia Mukhalinga này còn nhìn thấy khuôn mặt ở phần tròn của linga. Khi so sánh về kích thước, Mukhalinga trong đền E1 và sau đền E1 có cùng kích thước và đều có thể đặt vào đài thờ Mỹ Sơn E1.
Dữ liệu này cho phép người nghiên cứu sắp xếp lại đài thờ Mỹ Sơn E1, đặt lại vị trí Mukhalinga. Điều này cũng cho thấy đài thờ Mỹ Sơn E1 được xây dựng và thay đổi nên tất cả thành phần thuộc đài thờ có thể không cùng một niên đại.
Giá trị của 3 bảo vật quốc gia
Ba bảo vật quốc gia từ đền E1 được nhận định rất độc đáo và tiêu biểu trong nghệ thuật điêu khắc cũng như hình tượng thờ Ấn giáo của văn minh Champa.
Mukhalinga là Linga 3 phần, từ phần tròn có khuôn mặt tượng thần Shiva nhô ra. Hiện vật được các nhà nghiên cứu cho là kiệt tác, thể hiện đầy đủ những chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của một Mukhalinga thuộc phong cách cổ Mỹ Sơn E1 thế kỷ 7 - 8.
Theo đánh giá của PGS-TS. Ngô Văn Doanh: “Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất không chỉ của Champa, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ”.
Trong khi đó, Đài thờ Mỹ Sơn E1 là phần đế của một đài thờ duy nhất ở Champa có chạm khắc khung cảnh núi rừng, hang động, nơi các tu sĩ Bà-la-môn ẩn dật, tu tập và hành đạo.
Phần trước đài thờ trang trí các mô típ kiến trúc, vòm cửa, nhạc công, vũ công và những chi tiết ảnh hưởng nghệ thuật từ các nền văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ.
Bảo vật thứ ba, Đản sinh Brahma, là một bức mi cửa của đền E1, là bức chạm mô tả về sự hình thành vũ trụ trong thần thoại Ấn Độ. Đây là tác phẩm duy nhất tìm thấy ở Mỹ Sơn thể hiện thần Vishnu nằm thiền định trên biển vũ trụ mênh mông đen tối, được nâng đỡ bởi rắn thần Shesha bảy đầu.
Hai đầu bức phù điêu là hai chim thần Garuda mình người chân chim gợi sự liên tưởng đến các tượng cùng chủ đề trong nghệ thuật Môn - Dvaravati ở Thái Lan thế kỷ 7 - 8. Tác phẩm được cho là hiếm thấy trong văn hóa, nghệ thuật Champa, cũng là minh chứng quan trọng về sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào Champa.
Đền E1 và ba bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về kiến trúc và điêu khắc. Dù kiến trúc chỉ còn phần đế nhưng đây lại là minh chứng về giai đoạn sớm của kiến trúc Champa...