Cuộc sống thường ngày

Những bữa cơm nhà

THẠCH BÍCH NGỌC 29/06/2024 13:00

Trong nhịp sống hối hả với guồng quay mưu sinh, những bữa cơm nhà với mấy món dân dã, đôi khi lại trở thành ước ao...

z5575370234149_0e9df867c84392be34a56a4c5d30ee17.jpg
Mâm cơm Việt. Ảnh: X.H

Vắng dần bữa cơm gia đình

Một người đàn ông bảnh bao, “sếp” của một cơ quan, gặp bạn gái cũ thời trẻ “khoe”: “Anh ít ăn cơm nhà lắm, sáng đi ăn phở, trưa ăn ở cơ quan, chiều về thường đi nhậu hoặc tiệc tùng, đám cưới, sinh nhật của đám lính mời liên miên… Cả tuần may ra mới ăn cơm với vợ con được một lần!”.

Cô bạn cũ cảm thấy tội nghiệp cho người vợ của anh ta, bởi mỗi tuần “may ra” mới được ăn cơm cùng chồng một lần và mừng thầm rằng mình không phải rơi vào cảnh ấy.

Nhưng đâu chỉ người lớn và những “sếp” bận rộn, công việc nhiều, đối tác rộng, bạn bè đông mới vắng mặt trong những bữa cơm cùng gia đình. Ngay cả bọn trẻ còn đi học từ tiểu học, trung học, nhiều em cũng không được ăn cơm cùng bố mẹ thường xuyên.

Đi học sớm, thường các em ăn bánh mì, xôi mua dọc đường, hoặc ghé quán bún, phở nào đó ăn thật nhanh, trưa bán trú ăn cùng các bạn ở trường. Chiều về nhiều khi bố mẹ bận rộn các em cũng đành ăn cơm hộp, hoặc ăn với người giúp việc. Cho nên, tuy cũng cơm ở nhà nhưng không phải là bữa cơm gia đình khi thiếu vắng nhiều thành viên.

Trong nhiều khu chung cư cao cấp, tôi thấy cảnh nhiều gia đình trẻ, gần như từ sáng sớm, tất cả thành viên rời nhà. Buổi tối, họ trở về sum họp cùng với một… chồng cơm hộp, đồ ăn nhanh mua sẵn ở hàng.

Nhiều khi để “tiết kiệm” thời gian, bọn trẻ vừa cầm đồ ăn vừa chơi game hay xem ti vi, bố mẹ chúng thì dùng bữa trước máy tính, điện thoại, người lướt mạng, người đọc thư điện tử hoặc làm việc, đọc báo, xem phim. Cũng là bữa cơm gia đình, nhưng nó vô hồn, phân tán, không ai trò chuyện với ai…

Kết nối

Những cô gái ngày nay nhiều bằng cấp, năng động, giỏi... đủ thứ, nhưng có lẽ lại không hề muốn mình giỏi chuyện nấu ăn. Nhiều cô quan niệm, giải phóng phụ nữ chính là giải phóng họ khỏi cái… bếp! Đó là lý do khiến không ít căn nhà đầy đủ tiện nghi, gian nhà bếp sang trọng vẫn cứ lạnh lẽo vì thiếu bàn tay nhóm lửa, sửa soạn bữa ăn của người phụ nữ.

Thế nhưng nhiều khi chính họ, những cô gái, chàng trai hiện đại khi xa nhà lại đâm ra nhớ quay quắt bữa cơm gia đình và những món ăn dân dã, đậm đà mùi vị quê hương.

Một người bạn tôi qua Mỹ du học, mấy tháng đã gọi điện hỏi mẹ cách làm món tôm rang với thịt heo và nhắc mẹ có cách nào để anh ta ăn được món cá kho riềng mà khi ở nhà mẹ thường nấu.

Một trường hợp khác, cô gái cùng quê với tôi tên Thủy, theo chồng sang Nga. Mỗi chiều cô thường nhìn qua cửa sổ, cảnh vật bên ngoài phủ đầy tuyết mà rớt nước mắt nhớ bếp lửa hồng mẹ cô vẫn duy trì trong khu nhà vườn ở ngoại ô thành phố.

Bên bếp lửa ấy, gia đình cô thường quây quần ăn cơm, trò chuyện rôm rả, những đứa con cười đùa, cha mẹ uốn nắn chuyện học hành, cách cư xử…

Từ gian bếp ấm áp của mẹ, Thủy được biết bao bài học quý giá nơi người mẹ chân quê. Với bà, bữa ăn phải giữ được không khí vui vẻ thì mọi người mới ngon miệng, dễ tiêu hóa.

Nếu ba cô lỡ mắng hay nhắc đến cái tội của đứa con nào là bà ngăn cản ngay: “Thôi, trời đánh tránh miếng ăn! Để lúc khác đi ông…”. Trong bữa ăn bà dạy các con phải biết “liệu cơm gắp mắm”, nhất là con gái thì phải: “Ăn trông nồi ngồi xem hướng”. Lỡ hôm nào có khách bất ngờ không kịp nấu thêm ít gạo, chỉ cần mỗi người bớt nửa bát cơm là đủ phần mời khách…

Tôi cũng biết một người phụ nữ gốc miền Nam nhưng lấy chồng về Bắc, bà tập nấu những món miền Bắc để chồng con ăn hợp khẩu vị. Nhưng không vì thế mà bà quên một số món miền Nam đặc trưng của mình. Bà dạy con gái nấu món thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, rồi lẩu mắm, cơm tấm, bún thịt nướng, bánh xèo… Thi thoảng bà hay nấu những món ấy đãi gia đình, bạn bè, cũng là cơ hội để dạy cho các con kỹ năng nấu món ăn đa dạng vùng miền…

Bữa cơm gia đình bị xao lãng, nhạt phai, có lẽ do một phần người phụ nữ ngày nay quá bận rộn với công việc bên ngoài. Vậy nên, duy trì bữa cơm gia đình cần tất cả thành viên nỗ lực, nhất là các ông chồng, đừng phó mặc với suy nghĩ “chuyện bếp núc là chỉ của phụ nữ”.

Người nhặt rau, người nướng thịt, pha nước mắm, người bưng dọn, tất cả sẽ tạo không khí vui tươi, thoải mái, bình đẳng… Bữa ăn đã không còn chỉ để no bụng. Đó là sự kết nối của tình yêu thương, gắn bó, là sinh hoạt văn hóa trong từng gia đình, là môi trường giáo dục cho con trẻ…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bữa cơm nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO