Với 11 chương, tiểu thuyết “Những chuyện tình thế kỷ mới” của nhà văn Tàn Tuyết đã khắc họa những mảnh đời với các số phận khác nhau. Nhưng tựu chung, họ đều không ngừng giãy giụa để chạm tới tình yêu trong thế kỷ mới - thời đại mà vật chất lên ngôi và dường như chẳng mấy ai còn tin vào tình yêu.
Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, tại Hồ Nam, Trung Quốc. Bút danh này được sử dụng từ năm 1985 với những tác phẩm kết hợp giữa thực trạng xã hội ở vùng bà sống và những miền sâu thẳm trong tâm hồn con người.
Tiểu thuyết này được nhận xét như một mê cung. Đôi khi, cách để độc giả bớt hoang mang là không ngừng lặp lại việc đọc và chiêm nghiệm sau khi kết thúc cuốn sách. Kiên định trong lối viết theo đuổi sự tự do, Tàn Tuyết thể hiện nhuần nhuyễn điều này qua từng tính từ miêu tả sắc bén, khiến văn chương của bà khá kén người đọc.
Mở đầu bằng những câu chuyện đời thường của quả phụ Ngưu Thúy Lan và chuyện tình đầy khúc mắc với người đàn ông Vi Bá, tiểu thuyết khiến người ta lầm tưởng hai người họ là nhân vật chính. Nhưng khi dần bắt nhịp với lối sinh hoạt hàng ngày ấy, Tàn Tuyết lại dẫn độc giả tới những địa hạt mới.
Từ ngôi nhà của Thúy Lan đi tới khách sạn tình yêu - nơi chạm mặt với mấy cô nàng chấp nhận từ bỏ công việc ở nhà máy dệt đơn điệu để đến đây làm gái. Đó là những con người được nhận xét là ở tầng chót của xã hội. Nhưng sâu thẳm, họ đều khao khát có được tình yêu. Long Tư Hương, Kim Châu, hay A Ti... đều mang trong mình những mảng màu hỗn độn.
Họ không ngừng vật lộn với số phận, cam chịu, rồi lại vật lộn. Trên chặng hành trình mang tên cuộc đời, họ có rất nhiều cuộc gặp gỡ định mệnh, trên ga tàu, trên taxi, hoặc có khi là trong những ngôi nhà ổ chuột ẩm thấp. Không rõ điểm xuất phát, đích đến lại quá mơ hồ. Họ thậm chí chẳng nhìn thấy bước chân của mình, mà chỉ biết đâm sầm về phía trước.
Giữa biến động đầy phức tạp của thế giới nội tâm, trong áp lực vật chất, con người ngày nay cô đơn nhiều hơn lúc trước. Họ dễ đồng điệu hơn với những trái tim cũng chịu tổn thương và lớn lên cùng “mảnh sân” như họ. Những người cùng tần số ấy có một lực hấp dẫn lạ lùng với nhau, chỉ cần “nháy mắt là nhận ra nhau trong xã hội này...”.
Mảnh sân ấy có khi là quê hương, có khi chỉ là những trải nghiệm, ký ức hoang hoải nào đó. Họ huyễn hoặc ra một quê hương khác tốt đẹp hơn, nơi tình yêu của họ trong sạch hơn, nơi mà những con người từng làm những công việc bị cho là “bẩn thỉu” như họ cũng còn góc nhỏ nào đó sạch sẽ.
Như cái cách A Ti tự nhủ khi biết nơi sống của người mẹ thất lạc đã lâu của mình “Sống giữa hàng dãy chuồng lợn thì đã làm sao? Miễn là tâm hồn trong sạch”.
Đôi khi, cái thành phố “như chuồng lợn” thật đẹp với họ, khi họ chịu trân trọng hiện tại, biết ơn những điều đang có...