Y tế

Những cơn sóng ngầm

Phóng sự của LÊ QUÂN 06/04/2025 15:07

Tháng 3/2025, Nam Trà My đối diện với tình trạng báo động về sự lây lan của dịch sởi - một căn bệnh tưởng của quá khứ sau những thành tựu xóa bỏ dịch bệnh từ thế giới.

487121513_24168217726101658_5639091854456720788_n.jpg
Xe cấp cứu của Câu lạc bộ Chuyến xe vạn tình 0 đồng Nam Trà My đón học sinh và phụ huynh xuất viện về nhà từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Ảnh: Câu lạc bộ cung cấp

Cúng bái chữa bệnh

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú (PTBT) Tiểu học xã Trà Dơn - người trong đêm băng rừng đưa học trò mình đi cấp cứu, vẫn không dám chắc liệu học trò mình còn sẽ đối diện với những dịch bệnh nào khác. Vẫn còn vài học trò tiểu học của Trà Dơn đang được điều trị tại Tam Kỳ. Phần lớn là học sinh nghèo.

"Có khoảng 20 học sinh của Trường PTBT Trà Dơn điều trị ở Tam Kỳ và đã về. Nhưng tốp này về thì lại xuất hiện vài trường hợp khác. Không dứt hẳn được" - thầy Phương nói.

Vừa hiệu trưởng, vừa kiêm lái xe của Câu lạc bộ Chuyến xe vạn tình 0 đồng Nam Trà My, những ngày tháng 3 vừa qua, ông tất bật chở bệnh nhân, cũng là học trò mình đi về bất kể giờ giấc.

Số trẻ mắc bệnh ở các nóc vùng cao của Nam Trà My khó có thể thống kê chính xác. Lý do, theo thầy Phương, nhiều em nhỏ hiện chưa có giấy khai sinh.

Khi các em mắc bệnh, cha mẹ vẫn để ở nhà cúng bái, tắm nước lá, uống các loại nước nấu từ lá rừng. Chỉ đến khi các em lớn đi học, nhìn thấy dấu hiệu mắc bệnh, thầy cô yêu cầu đến trạm xá hoặc thông báo cho y tế địa phương, thì mới biết trẻ mắc bệnh.

z6466152987704_af207288d3a86c76de5db52cda285e6c.jpg
Chuyến xe vạn tình 0 đồng đưa học sinh Nam Trà My đi cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam. Ảnh: HUY PHƯƠNG

Hai chị em Hồ Thị Thu Sương, Hồ Thị Thùy Tiên (xã Trà Dơn) được thầy Lê Huy Phương đưa xuống điều trị ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam. Cùng đi có cha của các em. Đàn ông vốn không giỏi chăm sóc trẻ con ở viện. Nhưng gia đình ở núi không sắp xếp được, vì mẹ còn có em nhỏ ở nhà.

Ông Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam nói, có đến hàng chục ca bệnh nhi từ Nam Trà My được đưa xuống và người đi cùng là cha của các em. Bệnh viện phải cử hộ lý hỗ trợ chăm sóc. Sau mấy ngày ở viện, cùng với 10 bạn khác, hai chị em của Sương và Tiên được cho xuất viện.

Làng có trẻ con sốt, ban đầu họ nghĩ các em chỉ bệnh do thời tiết. Tới khi người nổi đầy vết đỏ, có nhà sợ, bày bàn cúng. Nhưng mãi không hết, tới khi thầy Phương đến yêu cầu đi viện. Một vài sự giúp sức từ các cá nhân, với việc đảm bảo người dân đến viện không tốn tiền, thậm chí được hỗ trợ thêm. Lúc này, mới có hàng loạt đứa trẻ được cha mẹ cho đi viện.

Câu chuyện những đứa trẻ ở Trà Dơn không phải cá biệt. Những ngôi làng nằm sâu trong núi rừng, dịch sởi lan nhanh như lửa bén lá khô. Thiếu vắc xin, thiếu kiến thức phòng bệnh, đường sá cách trở, trẻ em vùng cao là đối tượng dễ tổn thương nhất.

Y tế leo núi

Quảng Nam đang phát động tiêm vắc xin ngừa sởi đợt 2, sau gần nửa tháng “thần tốc” nỗ lực xóa vùng trắng vắc xin. Những chiến binh “blouse trắng” băng rừng vượt suối, lên từng nóc đi tìm trẻ. Nhưng không vì thế, nỗi lo về những bệnh truyền nhiễm khác sẽ xuất hiện vơi bớt.

z6466153040476_9685ee3241b3ca9ad4e85736fced724e.jpg
Chuyến xe vạn tình 0 đồng đưa học sinh Nam Trà My đi cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Quảng Nam. Ảnh: HUY PHƯƠNG

Viện Pasteur Nha Trang nhận định, vi rút sởi có tốc độ lây rất nhanh, hơn 90% người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc bệnh chắc chắn sẽ nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Việc có đến hơn 300 trẻ em ở Nam Trà My cùng lúc nhiễm bệnh cho thấy một "lỗ hổng vắc xin" tại đây. Ngành y tế Quảng Nam cho rằng, có lẽ thời gian xảy ra dịch COVID-19 trẻ đã không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi, đồng thời việc thiếu vắc xin nhiều tháng trong năm 2023 đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ.

Nam Trà My là huyện miền núi cao, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số, ở phân tán các nóc, điều kiện kinh tế của phần lớn người dân còn khó khăn, không còn chế độ hỗ trợ tiền ăn khi nằm viện cũng là gánh nặng của người dân. Đâu đó người dân vẫn còn phong tục lạc hậu (cúng bái khi ốm đau); việc tiêm chủng và chăm sóc y tế đối với các xã trên địa bàn là thách thức với ngành y tế trong nhiều năm qua.

Và dịch sởi chỉ là một trong hàng chục mối đe dọa sức khỏe treo lơ lửng với trẻ em miền núi Quảng Nam. Ở các xã vùng cao, nhiều trẻ em vẫn sống trong điều kiện thiếu thốn: Suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, tẩy giun không định kỳ, chăm sóc y tế gián đoạn...

z6466153072664_82b1e23bd7cf94230a0eb38cf6253cf8.jpg
Trẻ em mắc sởi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My. Ảnh: HUY PHƯƠNG

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng trạm Y tế xã Trà Vân nói, có những nóc phải đi gần ngày trời mới tiếp cận được người dân. Năm 2024, Bộ Y tế yêu cầu thay đổi cách tiếp cận về chăm sóc y tế dự phòng. Từ việc để người dân tìm đến trạm, thì phải làm sao để không đứa trẻ nào bị bỏ rơi trong các chiến dịch dinh dưỡng, tiêm chủng.

Nhân viên y tế thôn bản được huy động để đến từng nhà. Họ cõng theo các thùng đựng vắc xin, lội suối, leo lên từng vách đá, và tất nhiên, không chỉ mang theo thuốc men. Có cả niềm tin trong lòng những người vì trẻ em miền núi mà tìm đến.

Bà Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang từng trăn trở rằng: Liệu một xã miền núi chỉ có một bác sĩ có thể chống đỡ nổi khi dịch bệnh ập đến? Không chỉ thiếu bác sĩ, y tế miền núi còn đối diện với tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu thuốc men, trang thiết bị.

Con số cán bộ ở trạm y tế xã chưa bao giờ vượt quá 5 người, và họ kiêm rất nhiều vai: Vừa khám bệnh, vừa tiêm chủng, vừa làm y tế học đường, vừa là nhân viên dân số... Nếu không có lực lượng y tế thôn bản, e rằng y tế miền núi không chỉ có lỗ hổng mà còn rất nhiều "vùng trắng".

Để thấy, làm y tế miền núi không chỉ đơn thuần điều trị bệnh. Một hành trình vừa chữa lành vừa giáo dục, với việc để người dân nhận ra tầm quan trọng của chăm sóc y tế. Họ chịu đến trạm y tế, đến trung tâm y tế khi có bệnh. Chịu tiêm vắc xin. Chịu chăm sóc con cái theo nguyên lý cơ bản nhất.

Cuộc chiến dài

Liệu một hệ thống y tế chưa đủ vững có thể bảo vệ hàng nghìn đứa trẻ miền núi khỏi dịch sởi, dịch tay chân miệng, hay cúm mùa? Hơn thế nữa, sắp tới đây bỏ đơn vị hành chính cấp huyện thì sẽ ra sao?

Trẻ em huyện Nam Trà My được khám và thực hiện các tầm soát để tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi. Ảnh: Ánh Minh
Trẻ em huyện Nam Trà My được khám và thực hiện các tầm soát để tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi. Ảnh: ÁNH MINH

Một chuyên gia truyền thông nhìn nhận, cùng với việc thay đổi hệ thống hành chính, sẽ là thay đổi phương thức xây dựng dữ liệu. Con số trẻ em suy dinh dưỡng, hoặc một vài bệnh truyền nhiễm theo mùa, tất yếu sẽ giảm theo. Tất nhiên không phải con số từ thực tế giảm, mà vì chúng ta thay đổi mô hình dữ liệu, sẽ thay đổi cách nhìn nhận vấn đề.

Thật may mắn khi vẫn còn giữ mô hình trung tâm y tế. Dù chóng thay đổi cấp quản lý (từ trực thuộc Sở Y tế về thuộc UBND cấp huyện và sắp tới sẽ quay lại thuộc Sở Y tế), các trung tâm y tế sẽ thực hiện chức năng là nơi chăm sóc, theo dõi sức khỏe ban đầu của một khu vực. Người dân miền núi cũng đang kỳ vọng câu chuyện quy mô cấp xã mở rộng, các trạm y tế sẽ là nơi dừng chân của nhiều bác sĩ giỏi(?).

z6413757308294_ecd3e3abe3207bf3fc2b3c1d63595dd1.jpg
Đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang và ngành y tế Quảng Nam làm việc tại huyện Nam Trà My nhằm tiến hành thực hiện tiêm vắc xin đợt đầu cho trẻ em. Ảnh: ÁNH MINH

Thầy Lê Huy Phương nói, Trà Dơn cách trung tâm Trà Mai khoảng chừng 20km. Bốn bề vùng này là núi. Số hộ thoát nghèo dần tăng nhưng đời sống chưa dứt khổ. Nhiều trẻ trong tuổi đến trường không có bảo hiểm y tế. Hơn thế, cha mẹ chúng vẫn chưa hiểu đi học để làm gì, khi chỉ cần lớn thêm một chút sẽ qua Ngọc Linh trồng sâm. Những cảnh nghèo không có trong các báo cáo hay thống kê.

Thầy cô giáo bám bản và lực lượng y tế tại chỗ, là những người đang hiểu rõ nhất những đứt gãy âm ỉ trong đời sống vùng cao - như cơn sóng ngầm trong bề mặt lặng phắc của núi non hùng vĩ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cơn sóng ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO