Hồ sơ - Tư liệu

Những dấu mốc lịch sử về sáp nhập, thay đổi hành chính tỉnh Quảng Nam

PHẠM PHƯỚC TỊNH 28/04/2025 19:00

(QNO) - Trải qua các chặng đường hình thành và phát triển, Quảng Nam luôn giữ vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Năm 2025, đánh dấu sự kiện chính trị lớn của vùng đất và con người Quảng Nam - 50 năm giải phóng hoàn toàn tỉnh và mở ra kỷ nguyên mới để ổn định, hội nhập và phát triển.

2025-05-07_194945.png
Đại Việt Sử ký Toàn thư - bộ sách chính sử được in ấn từ mộc bản triều Nguyễn. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Nhân sự kiện chính trị quan trọng này đồng thời điểm lại những dấu mốc, sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến tên gọi, địa danh hành chính; sự thay đổi, sáp nhập phủ huyện, thôn, xã… của vùng đất Quảng Nam. Những sự kiện này được ghi chép khá chi tiết và đầy đủ trong các bộ chính sử của nhà Nguyễn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Đại Nam nhất thống chí… và trong các tư liệu được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, III, IV tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Lạt.

Sau khi vua Lê Thánh Tông bình định xong Chiêm Thành, vào tháng 6 năm 1471, vua đã cho thành lập Thừa tuyên Quảng Nam, quản lĩnh ba phủ 9 huyện, đặt ba ty: Đô ty, Thừa ty và Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hoa gồm 5 sở. Đây được xem là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu mốc cho sự xuất hiện danh xưng Quảng Nam trong lịch sử Việt Nam.

Vào năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn vùng đất Thuận Hóa. Đến năm 1570, Nguyễn Hoàng từ Tây Đô về, dời dinh sang xã Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương), kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Đây được xem là sự kiện chính trị lớn thứ hai đặt nền tảng cho sự phát triển của vùng đất Quảng Nam sau này.

Về hành chính, thời kỳ này Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện. Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang; phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân gồm 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Nguyễn Hoàng đeo ấn tổng trấn tướng quân, đặt quân hiệu là dinh Hùng Nghĩa.

Nhâm Dần, năm 1602, tháng 7, chúa Nguyễn Hoàng sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Chúa khen rằng “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.

Giáp Thìn, năm 1604, tách huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn thuộc Quảng Nam, quản lý 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu). Đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi, đổi huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa thành huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang thành huyện Duy Xuyên.

Đinh Mão, năm Gia Long thứ 6 (1807), tháng 12, vua cho dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phúc).

Mậu Thìn, năm Gia Long thứ 7 (1808), tháng 7, ban chiếu lấy Quảng Nam làm dinh trực lệ. Quảng Nam là 1 trong 4 dinh trực lệ với 3 dinh khác là Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình.

Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phúc (Phước).

Đinh Hợi, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), tháng 8, đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam, bỏ hai chữ “trực lệ”; đổi bổ Lưu thủ làm Trấn thủ, Cai bạ, Ký lục làm Hiệp trấn, Hiệp lý làm Tham hiệp, Tri châu làm Tri huyện, đều đổi cấp ấn triện.

Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam, quản hai phủ gồm Điện Bàn, Thăng Hoa và 5 huyện gồm Diên Phúc, Hòa Vinh, Duy Xuyên, Lễ Dương, Hà Đông.

Ất Mùi, năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), tháng 12, đặt thêm huyện Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam.

Tân Sửu, năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), đổi phủ Thăng Ba (Hoa) thành phủ Thăng Bình.

Canh Tuất, năm Tự Đức thứ 3 (1850), tháng 10, dời phủ lỵ Điện Bàn đến xã Thanh Triêm (nguyên là thành tỉnh cũ), vì xã Uất Lũy lỵ sở cũ gần sông, nước chảy xói xuyên lõm vào.

Mậu Tý, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), tháng 2, đổi lại và cho sáp nhập các xã, thôn hạt Quảng Nam, như sau: “...tổng Ngọc Sơn, ở huyện Quế Sơn, đinh điền đều ít, ở xen vào trong 4 huyện Quế Sơn, Lễ Dương, Hà Đông và Duy Xuyên, xin bỏ tên tổng ấy, rồi đem 3 xã phường Đồng Lam, Đồng An và Xuân Yên, sáp nhập vào tổng Xuân Phú Trung ở huyện ấy; 2 xã Ngọc Sơn, Tịch An sáp nhập vào huyện Lễ Dương,3 xã thôn Tịch An Đông, cùng Thạch Tân, Thanh Trà sáp nhập vào huyện Hà Đông; xã Thượng Bình sáp nhập vào huyện Duy Xuyên; 3 xã, thôn Phúc Ấm, Phú Sơn, Phú Khương, ở huyện Duy Xuyên, sáp nhập vào tổng An Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương; 2 xã An Thuyên, Trúc Ảnh, sáp nhập vào tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương...”.

Kỷ Hợi, năm Thành Thái thứ 11 (1899), tháng 11, chuẩn cho các xã ấp ở giữa hai phủ huyện Điện Bàn, Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam đều chiểu theo địa thế nối liền mà thay đổi sáp nhập để tiện cho dân, cụ thể như sau “7 xã ấp là ấp Hóa Khuê Đông, Mỹ Thị, Phước Trường, An Hải, Tân An, Nam Thọ, ấp Phong Lộc thuộc phủ Điện Bàn sáp nhập vào huyện Hòa Vang; ấp Phong Lộc Bắc tổng Thanh Châu sáp nhập vào tổng Bình Thái; 3 giáp Đông Tây Nam Thanh Châu và 7 xã Đại An, Hà Quảng cùng 9 giáp Phước Trạch, Để Võng, Tân Hợp huyện Hòa Vang sáp nhập vào tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn”.

Canh Tý, năm Thành Thái thứ 12 (1900), tháng 9, đặt thêm huyện Đại Lộc ở Quảng Nam, cụ thể như sau: “… lấy từ huyện Hòa Vang 49 xã thôn thuộc 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê, lại lấy 58 xã thôn thuộc hai tổng Đại An, Mỹ Hòa, 2 châu phường thuộc tổng Phú Mỹ và xã Phú Thứ Thượng huyện Quế Sơn đặt thêm một huyện tên là Đại Lộc, xếp vào loại nhiều việc, tất cả 5 tổng 110 xã thôn phường ấp, huyện lỵ đặt ở địa phận châu Đông Lâm, quan lại chiểu theo lệ các huyện bổ nhiệm...”.

Bính Ngọ, năm Thành Thái thứ 18 (1906), tháng 6, đổi huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam thành phủ Tam Kỳ, vì huyện (Hà Đông) địa thế rộng lớn, đinh điền nhiều nên đổi làm phủ, ấn kiềm đồ ký của quan lại đều chiểu lệ phủ nha mà làm.

Giáp Dần, năm Duy Tân thứ 8 (1914), tháng 4, chuẩn lấy các xã thôn phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam (thuộc tổng An Thạnh Hạ (trở xuống cũng thế) các xã Kỳ Sơn, Tương An, Tú Viên, An Lương và thôn Trà Lộ, ấp Phương Trì) sáp nhập vào huyện Duy Xuyên (6 xã thôn ấp cách phủ nha Thăng Bình một ngày đường, cách huyện nha Duy Xuyên nửa ngày đường, hào lý đều xin trích sáp nhập để tiện công vụ).

Đến tháng 7, lấy xã Bình An Nội (thuộc phủ Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Vì xã ấy địa thế nối liền với huyện Bình Sơn, xã dân cũng thuận tình sáp nhập nên trích sáp nhập.

Vào tháng 10, chuẩn thay đổi sáp nhập đặt thêm các xã thôn ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, cụ thể như sau:… thay đổi sáp nhập 6 xã thôn (trở xuống cũng thế) châu Phước Lộc sáp nhập vào châu mới Hòa Mỹ, thôn Phước Vinh sáp nhập vào xã Khương Mỹ, xã Giam Hạnh sáp nhập vào thôn Cư Nhơn, xã Nhơn Liên sáp nhập vào xã Tiên Sơn Tây, thôn An Châu sáp nhập vào xã Đông An, xã An Hoài sáp nhập vào xã Đại An. Đặt thêm 16 xã thôn (trở xuống cũng thế) là thôn Cư Nhơn, xã Thuận An, thôn Trung Đạo, xã Tân Đại, ấp An Thới, thôn An Điềm, xã Long Phú, châu Hà Dục Trung, châu Mỹ Trạch, châu An, thôn Tân Thừa Hòa, châu Hòa Mỹ Trung, châu Phước Nhơn, xã Hải Châu, châu Thúy La, châu Mỹ Tân. Các xã thôn ấy nguyên đinh số không đầy 10 người nay tăng thêm cho đủ, vẫn lấy tên như cũ”.

Bính Thìn, năm Khải Định thứ 1 (1916), tháng 11, đặt huyện Tiên Phước, thuộc tỉnh Quảng Nam, gồm có một phần địa phận phủ Tam Kỳ và một địa phần phận phủ Thăng Bình.

Tân Mùi, năm Bảo Đại thứ 6 (1931), huyện Duy Xuyên đổi thành phủ Duy Xuyên.

Ất Hợi, năm Bảo Đại năm thứ 10 (1935), 33 làng thuộc phủ Điện Bàn và 19 làng thuộc huyện Đại Lộc sáp nhập vào huyện Hòa Vang.

Bính Tuất, năm 1946, bỏ tổng và thành lập những liên xã, những làng cũ đổi ra thôn: Hòa Vang hợp xã lần thứ nhất (23 xã trên 158 xã); Điện Bàn hợp xã lần thứ nhất (37 xã trên 123 xã); Duy Xuyên hợp xã lần thứ nhất (34 xã trên 129 xã); Quế Sơn hợp xã lần thứ nhất (25 xã trên 97 xã); Tiên Phước hợp xã lần thứ nhất (30 xã trên 79 xã); Tam Kỳ hợp xã lần thứ nhất (49 xã trên 169 xã); Đại Lộc hợp xã lần thứ nhất (37 xã trên 157 xã); Thăng Bình hợp xã lần thứ nhất (58 xã trên 137 xã); thành lập thị xã Hội An có 8 khu phố gồm những làng trước thuộc phủ Điện Bàn.

Đinh Hợi, năm 1947, thành lập châu Trà My; hợp xã lần thứ hai ở Đại Lộc (10 xã trên 37 xã); hợp xã lần thứ hai ở Hòa Vang (17 xã trên 28 xã).

Mậu Tý, năm 1948, thành lập huyện Phước Sơn; huyện Bến Giằng. Bỏ danh từ phủ, châu, thống nhất danh từ huyện. Hợp xã Thăng Bình lần thứ hai (10 xã trên 58 xã); hợp xã Điện Bàn lần thứ hai (11 xã trên 37 xã); hợp xã Duy Xuyên lần thứ hai (12 xã trên 34 xã); hợp xã Tiên Phước lần thứ hai (14 xã trên 30 xã).

Kỷ Sửu, năm 1949, hợp xã Tam Kỳ lần thứ hai (15 xã trên 49 xã); hợp xã Quế Sơn lần thứ hai (8 xã trên 25 xã); thành lập 6 khu Đà Nẵng.

Canh Dần, năm 1950, hợp xã Duy Xuyên lần thứ 3 (6 xã trên số 12 xã); hợp xã Thăng Bình lần thứ 3 (9 xã trên số 19 xã); hợp xã Hòa Vang lần thứ 3 (8 xã trên số 17 xã); hợp xã Trà My lần thứ 1 (1 xã trên số 3 xã); hợp thị xã Hội An thành 4 khu (4 khu trên số 8 khu); thành lập xã đặc biệt Tam Kỳ,…

Có thể nói, Quảng Nam với vị thế địa chính trị, địa văn hóa đặc biệt đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng, xác lập lãnh thổ về phía Nam của các triều đại phong kiến Việt Nam, là cửa ngõ giao lưu, buôn bán, giao thương giữa các vùng miền trong cả nước, và với các nước trên thế giới trong lịch sử. Ngày nay, Quảng Nam với thế mạnh, ưu thế vượt trội đã vươn mình, hội nhập và phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất mở Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng và giàu bản sắc văn hóa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những dấu mốc lịch sử về sáp nhập, thay đổi hành chính tỉnh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO