Những cuốn sách mới xinh xắn trở thành những món quà tết trang nhã và giàu ý nghĩa. Trong sự gửi trao và tìm đến với nhau, hơi ấm mùa xuân cứ thế tỏa lan...
Quà tặng tri âm
Nhận thùng sách mới từ nhà in - là tập truyện ngắn “Bắt ốc hái rau”, nhà văn Nguyễn Tấn Ái không giấu được xúc động. Khi đặt bút ghi lời đề tặng bạn bè lên cuốn sách thứ 11 của mình, anh tâm sự: “Với tôi, mỗi cuốn sách là một trải nghiệm mới mẻ và hạnh phúc. Lần này, ký tặng bạn bè cuốn sách mới của mình ngay dịp năm mới nên niềm vui và cả sự xúc động tăng lên gấp bội...”.
Trong khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có gần 20 tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam xuất bản sách mới. Những cuốn sách này chính là “bản báo cáo tổng kết” sau một hoặc vài ba năm miệt mài sáng tạo của mỗi người.
Đây còn được xem là món quà tinh thần rất ý nghĩa mà người cầm bút muốn dành tặng người thân, bạn bè nhân dịp tết đến xuân về. Nói như nhà thơ Nguyễn Hường - tác giả tập thơ “Men ngàn xứ Quảng” vừa xuất bản, là “để bạn bè có cái mà nhâm nhi trong những ngày nghỉ tết”.
Còn nhà thơ Nguyễn Vĩnh thì cho biết, chưa bao giờ anh có được một khoản “lãi” chữ nghĩa lớn như dịp tết năm nay. Thì ra, trong một dịp hội ngộ văn chương trước tết, anh mang mấy chục bản tập thơ mới in “Mật ngôn hạt mưa” của mình từ Đại Lộc vào Tam Kỳ tặng bạn bè. Ngoài những lời cảm ơn và chúc mừng của mọi người, anh cũng nhận được gần 10 tập sách mới do các hội viên khác tặng...
Nhận được nhiều món quà sách ngay trước thềm năm mới nên trên bàn tiếp khách tết năm nay của nhiều văn nghệ sĩ và người yêu văn chương xứ Quảng, ngoài hoa, bánh mứt còn có những cuốn sách mới tinh.
Nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh - người có sách mới để tặng bạn bè và cũng nhận được nhiều sách mới từ bạn bè trong dịp năm mới, cho biết nhờ vậy mà những ngày tết càng thêm tao nhã và ấm áp...
Những giọt ân tình
Một trong những món quà sách nhận được nhiều yêu thương, trân quý nhất trong dịp tết năm nay có lẽ là tập phê bình văn học “Đọc và cảm” của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Mậu Hùng Kiệt.
Vì đang phải chữa bệnh dài ngày, anh không thể tự mình mang sách đến tặng nên phải nhờ một bạn văn chuyển sách đến bạn bè ngay trước tết, như một cách để chia sẻ và gửi đến mọi người thông điệp về niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ.
Ngay sau đó, nhiều người đã có những cảm nhận về tập sách “Đọc và cảm” trên mạng xã hội facebook, kèm theo nhiều lời chúc mừng, khen ngợi, động viên... đầy yêu thương dành cho tác giả.
Không viết riêng về mùa xuân, nhưng trên nhiều trang sách của những cuốn sách mới xuất bản, vẫn không thiếu những giọt xuân long lanh.
Như khi ngồi trong ngày xuân se lạnh, chợt nghe lòng ấm khi đọc được mấy câu thơ của nhà thơ Phạm Phú Hưng, được in trong tập “Miền ký ức” vừa được xuất bản của anh: “Gói nỗi buồn gởi mùa đông đi xa/ Tìm kiếm ngày xuân trong ly rượu tết/ Hoa, cây cỏ biết nói lời tha thiết/ Đêm nằm mơ ai đó gọi tên mình” (Giao mùa).
Hay như trong tập truyện “Bão không mùa” của Mạc Ly, những khoảnh khắc xuân trên quê nhà Quảng Nam luôn tươi tắn và gần gũi: “Ngoài kia, nắng trải vàng trên lối nhỏ đường quê. Nắng còn ngập màu trên cánh đồng xanh lúa. Và nắng chan hòa lấp loáng dòng chảy phía thượng nguồn sông Thu...” (Nắng xuân ngập lối).
Đặc biệt, trong nhiều tập sách còn có những khoảnh khắc của tết cổ truyền dân tộc.
Đó là những khoảnh khắc đầm ấm, thiêng liêng riêng có của tết: “Nhang trầm níu cháu con về tảo mộ/ Uống nước nhớ nguồn, cây thương cội dâng hoa/ Đêm trừ tịch bếp đỏ lòng thơm thảo/ Bánh chưng xanh giữa trời đất giao hòa” (Mùa hẹn, Thái Bảo Dương Đỳnh, in trong tập thơ mới xuất bản “Bịn rịn níu trăng khuya”).
Đó là những hình ảnh “độc quyền” của tết, không lẫn vào đâu được: “Thằng út Mẫn đang cùng ông Tân vớt bánh, mùi bánh chưng bánh tét thơm dễ chịu không lẫn vào đâu được. Tiếng dương cầm nhà bên lại vang lên những bản nhạc xuân vui, xuân đã về xuân đã về kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông...” (Lời trầm hương, Nguyễn Bá Hòa, in trong tập truyện ngắn “Như mây lang thang”)...