Đời sống

Những hẹn hò từ nay… mở ra

HỨA XUYÊN HUỲNH 27/10/2024 07:57

Ở nhiều xóm mới tại các phố ngụ cư, tôi lặng lẽ quan sát và nhận ra không phải “những hẹn hò từ nay khép lại” như ca từ của Trịnh Công Sơn, mà đã có những hẹn hò từ nay… mở ra.

5.jpg
Chuyến du xuân miền Tây dịp Tết âm lịch của nhóm Liên Kiều

MỞ

Sau quãng thời gian ngắn kể từ khi dọn nhà đến khu phố mới ở Đà Nẵng, tôi gặp những láng giềng thú vị, nơi có thể “mua láng giềng gần” mà không cần phải “bán anh em xa”. Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa nói hết những chuyển động bên trong của từng khu phố.

Bắt đầu từ chuyến chơi xa ngay từ sáng mùng 2 Tết âm lịch Quý Mão 2023 của nhóm 5 gia đình cư ngụ trên cùng một tuyến đường ở bờ bắc sông Cẩm Lệ, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Đúng hẹn, mỗi nhà xuất hành theo mỗi hướng, vòng vèo một đoạn rồi mới trực chỉ sân bay. Chuyến đi kéo dài 5 ngày 4 đêm, ngang qua Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…

Kiều Liên, quê Đại Lộc (Quảng Nam), người tham gia chuyến đi ấy, kể rằng cuộc du ngoạn khởi đầu từ gợi ý của một cặp vợ chồng son rỗi. Nhưng quan trọng là họ thấy hợp “cạ”, chung sở thích. Xóm này kể ra cũng lạ. Dù đến từ nhiều nơi khác nhau, mua đất làm nhà, nhưng lâu dần thành thân thiết, thi thoảng cuối tuần kéo đi đâu đó ngoại vi Đà Nẵng để chơi.

Mùa sen nở, các gia đình cùng tìm vài điểm đến thú vị để check-in, khi ấy cánh đàn ông loay hoay chụp ảnh cho cánh phụ nữ. Họ cũng tự đặt tên cho khu phố đang ở là “xóm đàn ông quét rác”, bởi sáng ra nhìn suốt con đường thấy toàn đàn ông loay hoay cầm chổi. Hôm nào có bóng dáng phụ nữ quét rác, nghĩa là ông chồng đi công tác đâu đó chưa kịp về. Những gia đình có nhà ở gần nhau ấy tự “mặc định” phải có ít nhất một buổi cà phê.

Xóm tôi ở, phía bờ nam sông Cẩm Lệ, cũng có thói quen uống cà phê nhóm, thậm chí uống hằng ngày vì phần lớn là cán bộ về hưu. “Cà phê cả nhà ơi!”, những lúc group Zalo “Hội cafe Cồn Dầu 16” nhảy tin nhắn trên màn hình điện thoại, tôi biết đã có một người hàng xóm ra quán trước và đang ngồi đợi. Tính kỹ, những thành viên chơi chung nhóm ở xóm mới của tôi có đến quá nửa quê gốc Quảng Nam, số ít ở Gia Lai chuyển xuống và Hà Tĩnh chuyển vào.

Tất nhiên, họ cũng hợp “cạ”. Hợp, nên thi thoảng rủ nhau chạy xe lên làng cây trái Đại Bình (Nông Sơn) rồi bỏ xe lên thuyền ngược phía Hòn Kẽm Đá Dừng. Tết năm ngoái, vài gia đình cũng kịp thu xếp để cùng du xuân Măng Đen (Kon Tum)…

Những chuyến kéo nhau lên vùng Đồng Xanh - Đồng Nghệ (Hòa Vang) thì đếm không xuể, vì trong nhóm có một người đặc biệt mê câu cá. Có hôm, ngoài quán cà phê, tôi còn nghe người nọ rỉ tai người kia: “Tôi mới từ Quảng Nam ra, có ngang qua Tam Tiến. Chợ cá biển buổi sáng ê hề, lại rẻ nữa, để xem thử sáng sớm nào đó mình chạy xe vô chơi, tiện thể mua một ít mang về dùng…”.

KHÉP

Gia đình chị Phạm Ngọc ở phía bờ đông sông Hàn, thuộc địa bàn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Bà mẹ trẻ này suốt ngày lo chuyện ăn, chuyện đi học của 2 đứa con gái, rồi chuyện công sở… cũng đã đủ “đầu bù tóc rối” rồi. Nên khi tôi hỏi thăm chuyện láng giềng, chị ấy ngớ ra: “Cả chung cư đông đúc nhưng tôi chỉ chơi với… 2 nhà bên cạnh”.

Chung cư là thế, tưởng đông mà lại ít, tưởng gần lại xa. Đơn giản vì ngoài những dịp sinh hoạt chung, còn lại “mỗi nhà mỗi cảnh”. Sáng ra, những gia đình trẻ ai cũng đi làm sớm. Tối về lại thường xuyên đóng cửa ngăn ồn, để con học bài và cũng không làm phiền con cái nhà người khác.

Năm thì mười họa lại gặp cảnh đòi nợ, đập cửa nhà ở tầng dưới nhưng nhà tầng trên phải lo đóng cửa. “Cô hàng xóm cạnh nhà tôi, hình như cả tháng không gặp nhau luôn. Chủ yếu do “lệch” múi giờ. Cô ấy ra khỏi nhà từ sớm, khi mình chưa lo xong việc con cái. Buổi tối thì càng khó. Thứ Bảy, Chủ nhật mở toang cửa nhưng cũng chưa chắc gặp được nhiều người. Vì những gia đình trẻ hoặc đã đi chơi xa hoặc về quê”, Phạm Ngọc nói.

Đôi khi hàng xóm “đóng cửa” chỉ vì những chuyện vặt vãnh kiểu chó thả rông. “Chó nhà ai mà cứ qua vỉa hè nhà tui ị bậy thế này hả trời!”, những người ở chung xóm An Trung 8, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thi thoảng lại nghe có người hét toáng lên. Biết tỏng chó nhà ai rồi, nhưng không bắt quả tang, đành chịu.

Nhưng mấy cụ già thì khác, xem ra họ “mở” nhiều hơn “khép”. Như cha mẹ của Phạm Ngọc. Nhóm người cao tuổi thường tụ tập thành nhóm dưới sân, ngồi quanh ghế đá, chuyện trò tối ngày. Khu vực ghế đá cũng thường là nơi sinh hoạt của nhóm “truyền thông nội bộ”. Họ chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời…

Một phụ nữ gốc Duy Xuyên (Quảng Nam) kể, mỗi lần bà mẹ ở quê ra thăm con gái có nhà mới xây ở gần Miếu Bông (Đà Nẵng), đôi khi chờ mãi không thấy mẹ về ăn cơm. Hóa ra, bà mẹ đang la cà quanh xóm phố mới, hỏi chuyện người này người nọ một vài câu, thói quen cũ chưa thể dứt ra được. Bà mẹ may mắn hợp “cạ”, gặp được người láng giềng cùng sở thích, dù chỉ ở chơi có vài ngày.

*
* *

Xóm phố mới, nơi bà mẹ từ Duy Xuyên ra thăm con gái, cũng thấy đặt vài chiếc bàn đá. Chỗ này, chiều chiều cánh đàn ông vẫn thường túm tụm cà kê. Một số cuộc nhậu, đàn hát, cà phê hay rủ nhau đi chơi xa cũng được “thảo luận” kỹ quanh chiếc bàn đá ấy. Có thể họ sẽ ngâm nga ca khúc “Như một lời chia tay” của Trịnh Công Sơn, “những hẹn hò từ nay khép lại”, nhưng lại đang mở ra những hẹn hò…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những hẹn hò từ nay… mở ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO