Cuộc sống thường ngày

Bước chân lên phố...

LÊ QUÂN 24/08/2024 08:10

Thời điểm này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông cha bà mẹ tay xách nách mang cùng con cái dạo các hẻm phố quanh trường học để... tìm nhà trọ.

img_20230816_085818.jpg
Đi tìm nhà trọ thành phố. Ảnh: Minh họa

Nhu cầu nhà trọ tăng nóng, đặc biệt ở các thành phố lớn ngay sau khi kỳ thi THPT kết thúc. Nỗi lo chỗ trọ học vẫn luôn canh cánh với các bậc phụ huynh, nhất là những cha mẹ ở vùng quê.

Thành phố trong mắt người nhà quê chưa bao giờ là nơi chốn an toàn. Thành phố càng nhiều “cạm bẫy” hơn với những đứa trẻ vừa mới lớn, từ suy nghĩ của cha mẹ.

Vừa qua tuổi 18, sau những ngày căng não với thi cử, bạn trẻ lại cùng cha mẹ trải thêm lo lắng khác, mang tính người lớn hơn, là ổn định chỗ ở để học hành.

Thảo Nguyên là con trong gia đình có cha mẹ làm công chức ở Tam Kỳ. Chưa có điểm thi nhưng biết chắc mình đậu Đại học Y dược Huế, cô bé muốn cùng bạn đi Huế trước khi nhập học để tìm nhà trọ. Là đi cùng bạn nhưng mẹ vẫn xin nghỉ phép theo con.

Huế xưa giờ vẫn rộn ràng sau mỗi kỳ tuyển sinh, bởi đây là “thành phố giáo dục” của cả miền Trung với sự tập trung của rất nhiều trường đại học. Dù mỗi trường đều có ký túc xá, nhưng không vì thế mà các dãy trọ vắng người thuê.

Đời sống thay đổi, những dãy trọ cũng càng phải tiện nghi hơn. Giá thành đi liền với nhu cầu. Dĩ nhiên, cô bé Thảo Nguyên chọn ở chung cư cho thuê với giá từ hơn 3 triệu đồng/tháng.

Mặt bằng giá cho thuê này, nếu mang ra so với thu nhập của các bậc cha mẹ ở quê, thì khó xoay nổi. Vậy nên sẽ có những dãy nhà trọ cũ kỹ, phòng vừa đủ bố trí mấy cái giường tầng cho những sinh viên tỉnh lẻ khó khăn.

Tôi đi dạo lại những con hẻm ngày cấp 3 mình trọ học ở Tam Kỳ. Không còn những con đường tí tẹo chỉ vừa 2 xe máy tránh nhau. Hạ tầng đô thị ở Tam Kỳ được đầu tư liên tục để không còn những con hẻm mùa hè bụi mù mịt và mưa xuống ngập dai dẳng nữa.

Nhưng những dãy nhà trọ thì vẫn ẩm thấp và đôi phần nhếch nhác như cách đây hơn 20 năm. Số lượng sinh viên cao đẳng, đại học mỗi năm đổ về Tam Kỳ không phải nhiều, do vậy, có lẽ đầu tư nhà cho thuê vẫn chưa phải lĩnh vực “ăn nên làm ra” tại đây.

Nhiều cô bé người Cơ Tu từ Tây Giang, Nam Giang sau khi ở ký túc xá một thời gian thì ra ngoài ở trọ. Họ nói, ở ký túc thì khó đi làm thêm vì quy định giờ giấc. Cũng thành phố, nhưng với Tam Kỳ, chật vật về chuyện nhà ở, nhà trọ cho sinh viên hình như chưa bao giờ diễn ra.

Bước chân lên phố với các tân sinh viên bây giờ không còn quá khó nhọc như thời của lứa 8X. Chỉ cần vài lần lướt mạng, cần thông tin gì về chỗ ở, trường học, thậm chí có thể đặt chỗ trước cho đến ngày nhập học, đều được.

Internet mở ra một thế giới mà ở đó, đô thị và nông thôn gần như không còn khoảng cách. Nhưng với người làm cha mẹ, mỗi đứa con đặt chân lên phố, là thêm muôn ngàn nỗi lo xa nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chân lên phố...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO