Người quê lên phố, có xu hướng tập sống theo kẻ phố. Thay đổi là đúng, vì phố có nhiều cái văn minh hơn ở quê. Còn kẻ ở phố từ nhỏ, nếu không biết ngó trước nhìn sau để học hỏi, sẽ... bị phèn.
Ngày càng ít người quan tâm đến xuất xứ, người ta chỉ quan tâm đến hiện tại bạn đang văn minh như thế nào mà thôi.
Học người thành phố
Tôi có anh bạn người Lâm Đồng, dân quê ra Đà Nẵng lập nghiệp. Thường ngày, anh sống rất tiết kiệm, thậm chí tằn tiện. Nhưng khi đi du lịch, anh không tiếc đặt khách sạn 4 sao, 5 sao.
Anh lý giải: “Tôi có cô con gái nhỏ rất xinh. Từ lúc cháu mới ra đời, tôi đã cho cháu tiếp cận tiêu chuẩn sống cao cấp. Cháu biết đến một không gian sống sạch sẽ, ngăn nắp, nhà tắm có ti vi và bồn ngâm là như thế nào. Rồi cháu phải biết cách ăn mỳ Ý, biết cách cầm con dao cắt miếng thịt bò bít-tết.
Tôi hoàn toàn không sính ngoại, cũng không phải trưởng giả học làm sang. Nhưng tôi biết rằng, người nhà quê có cái chân chất đáng yêu, nhưng cũng có nhiều thứ lạc hậu đến tội nghiệp. Quê thì đáng yêu nhưng quê mùa thì đáng tội. Chẳng phải chúng ta luôn muốn hướng cuộc sống đi lên sao?”.
Tôi tin, với quan điểm này, với cách dạy con này, anh ấy sẽ có một chàng rể như ý. Cuộc sống của gia đình anh ấy sẽ tiến nhanh về hướng văn minh.
Có một sự thật khó chối cãi rằng, người ta có thể yêu quê hương, quý quê hương, nhưng ít ai tự hào mình là người nhà quê. “Rửa phèn” là chuyện bắt buộc. Thôn quê rồi cũng đô thị hóa, hiện đại hóa lên. Có điện, có internet giúp người quê đẩy cao tốc độ văn minh.
Có một bộ phận lớn người nhà quê không chấp nhận quê mãi. Việc “rửa phèn” được họ làm từng ngày. Người nhà quê có thể dành cả 10 năm ở thành phố để “rửa phèn”. Đó là 5 năm cố học đại học thật giỏi, giỏi hơn người thành phố. Mà thường thì giỏi hơn. Bởi buổi tối, sinh viên thành phố đi club, pub, sinh viên nhà quê về gác trọ ăn mì gói, đánh bài quỳ và… học bài.
Hóa ra việc học bài bậc đại học chả rửa được phèn bao nhiêu vì kiến thức trong ấy toàn lý thuyết, 7 phần vô bổ, 3 phần có vẻ không vô bổ nhưng không chắc lắm. Mấy đứa rửa phèn nhanh là mấy đứa đi làm thêm, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, quán xá. Đơn giản thôi, người nhà quê đứng nhìn người thành phố ăn uống, âm thầm quan sát và học.
Đặt chân vào đời sống thị dân
Và những người nhà quê học gì? Học cách không nói to giữa đám đông. Học nhai một miếng không phát ra nhóp nhép, húp một miếng không phát ra sộp soạp. Vừa nhai vừa nuốt, nuốt xong uyển chuyển qua nói một cách tự nhiên. Người nhà quê thấy người thành phố đẹp quá, vì họ tự nhiên trong mọi việc. Mà họ tự nhiên bởi họ được làm điều đó nhiều lần.
Người thành phố tay cầm dao, tay cầm nĩa cắt miếng bò bít-tết, mắt vẫn nhìn người đối diện chuyện trò vui vẻ, thoải mái, toát ra phong thái tự nhiên và đẹp. Dù nét mặt họ chưa chắc đẹp bằng nét mặt người nhà quê đang phục vụ bàn.
Người nhà quê lỡ rơi vào bàn ngồi ăn bò bít-tết, chắc chắn phải toát mồ hôi hột vì vật lộn với miếng thịt. Họ có thể cắt gọn ghẽ con gà trong 3 phút khi làm thịt gà, nhưng họ không thể cắt đứt một miếng bò bít- tết, đơn giản vì họ chưa quen.
Trong 10 năm người nhà quê chuyên tu “rửa phèn”, người thành phố thưởng thức hết cuộc sống, trải nghiệm du lịch nước này nước nọ, đọc trơn mồm các nhãn hàng hiệu đỉnh thế giới.
Lúc này, người nhà quê phát huy được lợi thế của mình sau 10 năm bám trụ ở thành phố: rửa gần sạch “phèn”, làm việc chăm chỉ, không biết sợ khổ (vì những thứ cực nhất họ đã trải qua rồi), vào công ty, gặp việc gì cũng cày bất chấp.
Người thành phố ít chịu cực được vì vốn đã quen sướng. Mấy bạn giỏi hẳn thì ưu việt luôn, mấy bạn làng nhàng dễ bị đào thải. Các bạn ấy có đủ mọi thứ nhưng thiếu một món: thiếu khổ. Nên sẽ bị đời vùi một đoạn, rồi cũng trưởng thành hơn.
Cột mốc quan trọng để người nhà quê tự tin bước ra các đại lộ thời trang, đại lộ trà sữa, đại lộ điện máy, đại lộ các thứ ở thành phố là tự mua được một ngôi nhà cho mình. Từ đó, người nhà quê như đặt một chân vào đời sống thị dân.
Cách rửa phèn
“Rửa phèn” có khó không? Mất bao lâu? Thực tế, bất kỳ ai có ý thức “rửa phèn” đều làm dễ, làm nhanh, chẳng có gì khó cả. Đầu tiên là rửa “bên ngoài”, ấy là cách ăn mặc, đi đứng, nói năng.
Sau đó là rửa “bên trong”, ấy là thay đổi tư duy ứng xử, thay đổi cách nuôi dạy con cái để mình “đỡ phèn” và đến đời con “hết phèn” như câu chuyện của ông bố dạy con kể trên.
Nhưng không phải ai sinh ra ở phố cũng đều không lấm “phèn”. Nếu là người thành phố mà đứa trẻ được sinh ra ở một gia đình có văn hóa thấp, thì cũng “phèn” như thường.
Đứa bé đó quen với việc chửi thề từ bé; không gian sống luộm thuộm; cha mẹ thất học mà lại coi thường việc học; đứa trẻ chơi với các bạn xấu, bạn kém văn hóa trong khu phố thì lớn lên, dù tiếng là “thị dân” nhưng vẫn toát ra vẻ nhếch nhác, chậm lụt.
Và hẳn nhiên, những người nhà quê lên phố biết tự nhận mình “phèn”, tự cảm thấy xấu hổ, thèm khát sự văn minh nên tu sửa mỗi ngày, sẽ nhanh chóng vượt mặt những thị dân “đã trong gia đình không tốt mà còn không biết phấn đấu”.
Những người sinh ra ở quê tự biết họ thiệt thòi. Những người sinh ra ở phố tự biết mình may mắn vì rõ ràng mình ở gần vạch đích hơn. Nhưng nếu người ở phố không nhìn lại bản thân, chưa chắc đã đến cái đích văn minh trước người quê.