Trong rất nhiều ngôi làng, thôn xóm ở Quảng Nam hứng chịu đạn bom qua chiến tranh, Hội An từng có một ngôi làng nhỏ bị địch xóa sổ vào năm 1967. Xóm ấy chỉ vẻn vẹn mấy nóc nhà nhưng có tới 10 liệt sĩ, hai anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Tất cả cho ngày hòa bình
Những ngày cận tới dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, khoảnh đất nằm bên trái con đường bê tông dẫn từ trung tâm TP.Hội An vào xóm Mồ Côi (hiện nằm ở khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu) được bà con, đoàn viên thanh niên cùng nhau dọn dẹp tươm tất.
Những nén nhang ấm được ai đó thắp lên. Có những người biết tới lịch sử bi hùng của xóm Mồ Côi thi thoảng lại tìm về. Trên tay họ, là nén nhang. Họ đứng lặng lẽ trước tấm bia đá dựng đầu xóm rồi cúi đầu bùi ngùi.
Đối chiếu với những hình ảnh về xóm Mồ Côi được đề cập trong tài liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An hay trong tài liệu Lịch sử Đảng bộ Hội An, thì không ai có thể tin rằng, doi đất nổi lên giữa xung quanh ruộng lúa, được che chắn bằng những rặng dừa lớn kế bên đường Lý Thái Tổ lại từng bị xóa sổ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy nói rằng, mình có nghe cái xóm mà lâu nay hay đưa khách qua, từng bị đốt cháy trong chiến tranh, không có người sinh sống. Chị Thủy là hướng dẫn viên du lịch chuyên đạp xe dẫn khách từ rừng dừa Cẩm Thanh, vòng qua phố cổ, bọc qua con đường ôm lấy xóm Mồ Côi rồi qua bên kia An Mỹ (Cẩm Châu).
Nhưng tất cả chỉ là quá khứ. Ngôi làng ngày nào giờ đã sầm uất, chộn rộn thành một làng du lịch.
Những villa mọc lên san sát, xen lẫn giữa các khu lưu trú là vài ngôi nhà của người bản địa. Đường làng sạch tinh tươm, khách vào xóm nhỏ đều đạp xe trò chuyện khe khẽ. Họ cố gắng không phá vỡ nét bình yên của ngôi làng nhỏ.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hải Sơn (79 tuổi) - người có cha ruột là ông Nguyễn Dưỡng và chú ruột là Nguyễn Cho - đều là liệt sĩ. Ông Sơn giờ đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, bước đi chậm hơn. Người đàn ông này từng đi qua chiến tranh, khổ đau mất mát, nay đảm nhận việc hương khói cho những thân nhân đã khuất.
“Tôi dành mỗi ngày hai lần để ra mở cửa nhà thờ, quét dọn gian đặt bát nhang cho ba và chú cùng những người khác đã qua đời. Chỉ có lúc chết đi tôi mới thôi không nhớ những gì đã xảy ra ở cái xóm này, chỉ nói một câu thôi là quá đủ: hy sinh để đất nước được hòa bình mà không tiếc một thứ gì, kể cả mạng sống” - ông Sơn nói.
Ông Sơn xúc động kể rằng cha ông mất ở chiến trường Bắc Trà My. Tới năm 1967, chú ruột của ông là Nguyễn Cho - cán bộ bí mật tại nhà lao Hội An cũng bị địch giết. Những ngày đất nước chìm trong chiến tranh, ông cùng người dân vùng này chỉ biết dốc hết sức giúp quân cách mạng, đánh giặc. Mãi sau này ông mới cảm nhận hết những mất mát, khổ đau mà mình phải trải qua.
Từ xóm trắng tới làng du lịch
Chúng tôi cố gắng tìm những “cư dân gốc” ở xóm Mồ Côi ngày nào giờ còn ở lại. Khổ đau, khói lửa đã nhường lại cho ruộng lúa, xóm làng và sự bình yên vốn có của ngày hòa bình. Nhưng đi quanh, hỏi quanh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Những người như ông Sơn, hay người đàn ông già nua cách nhà ông Sơn hai căn - ông Nguyễn Văn Cũ giờ cũng thành người xưa cũ. Phần lớn bà con đã dời đi nơi khác, hiện chỉ còn 4 hộ còn sinh sống ở đất này.
Ở xóm Mồ Côi này hầu hết đều gia đình có công với cách mạng. Hộ ít thì cũng có thương binh, nhưng có gia đình 2-3 liệt sĩ cùng thân nhân là Mẹ Việt Nam anh hùng như gia đình của ông Cũ.
Nhà ông Cũ chừng 300m2 nằm ngay sát một villas du lịch. Căn nhà xưa cũ, mái lợp tôn khiêm nhường này có điểm đặc biệt khiến ai bước vào cũng xúc động. Nơi khang trang, ấm cúng và kiên cố nhất của căn nhà ấy được dành để làm khu thờ phụng cho những người đã hy sinh trong kháng chiến.
Ông Cũ kéo cánh cửa gỗ, phủi bụi bám trên mặt bê tông trảng thờ rồi đốt nhang. Ông đốt hẳn một bó, chứ không phải một vài cây nhang. Nhìn cả dãy bát nhang, chúng tôi nén tiếng thở dài.
Nhà có 3 liệt sĩ đều là em ruột của ba ông Cũ. Phía trên là di ảnh bà nội của ông - cụ Trần Thị Ân cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Cũ mỗi ngày đi làm về đều không quên vào đốt đèn thắp nhang tưởng nhớ người đã mất.
Ông Cũ kéo chiếc bàn inox nơi ông đặt ở khoảnh sân, dưới cây vú sữa mà mình thường ngồi tiếp khách tới uống trà. Ông bảo thờ phụng nhiều người nhưng gia cảnh lại không khá giả gì mấy nên ông tổ chức giỗ chung một ngày. Riêng ngày 27/7 hằng năm thì gia đình cũng làm lễ cúng.
Trong tài liệu Lịch sử Đảng bộ Hội An, bối cảnh hào hùng, bi tráng và đau thương của xóm Mồ Côi được ghi lại rất rõ. Xóm Mồ Côi nhỏ được biết đến với doi đất nổi lên giữa bao quanh là những đầm lau sậy bọc kín. Người dân chọn nơi cao ráo nhất để dựng nhà, sinh sống.
Nhà của bà con chỉ đơn giản lợp bằng mái tranh, chống lên bằng những cột tre già. Nhưng hầu như dưới mỗi nhà nào cũng có một căn hầm bí mật.
Địa thế của xóm Mồ Côi nằm ngay sát trung tâm thị xã Hội An, được ví như bên hông địch. Tận dụng vị trí này, cán bộ được dân bao bọc, nuôi nấng che chở ở đây, ban đêm luồn đầm sậy vào bên kia để hoạt động bí mật.
Chính vì vị trí hiểm yếu mà xóm Mồ Côi luôn nằm trong ánh mắt lùng sục, dò xét của địch. Nhưng để qua xóm nhỏ này không dễ, người bản địa và cán bộ hoạt động bí mật thì nắm chắc địa thế nên di chuyển dễ dàng hơn.
Những năm 1967, trước quá nhiều tổn thất, địch quyết tâm thâm nhập để xóa trắng xóm Mồ Côi. Ngày 18/10/1967, địch huy động quân binh, đưa hỏa lực dồn lên xóm nhỏ bên kia đám lau lách.
Trong khoảnh khắc, những căn nhà tranh liêu xiêu rực cháy như bó đuốc. Nhiều chiến sĩ có mặt trong thời điểm làng bị tấn công đã kiên cường chống trả nhưng đều lần lượt hy sinh.
Sau ngày đau thương này, toàn bộ người dân cả nhỏ lẫn lớn bị địch đưa vào nhà lao Hội An, một số bị đưa ra giam giữ ở Côn Đảo. Xóm Mồ Côi bị xóa trắng, không còn người ở. Mãi cho tới sau này, khi hòa bình lập lại thì người ở xóm mới bồng bế dắt díu nhau về và tới nay thành một ngôi làng du lịch bình yên ở ngoại ô Hội An.
Xóm nhỏ mà bi hùng
Chúng tôi tìm tới bia di tích lịch sử cách mạng đặt ở đầu lối vào xóm Mồ Côi. Những dòng thông tin ghi trên bia thể hiện không quá nhiều, nhưng cũng đủ cho thấy những đóng góp to lớn của một xóm nhỏ ở Hội An cho hòa bình.
Theo nội dung trên bia, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xóm Mồ Côi có vị trí thuận tiện để liên lạc với căn cứ cách mạng ở xóm Chiêu và Trà Quế. Vì vậy, Thị ủy Hội An đã xây dựng nơi đây làm địa điểm để chỉ đạo phong trào cách mạng khu vực nội ô và một phần cánh bắc ngoại ô Hội An.
Dựa vào sự che chở kiên trung của bà con nhân dân, nhiều cán bộ lãnh đạo Thị ủy Hội An đã về đây hoạt động trong thời gian dài. Nơi đây còn ghi dấu sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Minh Lượng (Phó Bí thư Thị ủy Hội An) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Việt.