(QNO) - Nhiều làng quê ở Quảng Nam đang dần thay da đổi thịt nhờ biết khai thác lợi thế tài nguyên bản địa, sức mạnh của sự đồng thuận trong nhân dân. Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống đang được nhiều địa phương lựa chọn và từng bước hình thành điểm đến tham quan mới mẻ, thu hút nhiều du khách.
Nhiều làng quê Quảng Nam đang dần thay da đổi thịt nhờ biết khai thác lợi thế tài nguyên bản địa và sức mạnh của sự đồng thuận trong nhân dân. Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống đang được nhiều địa phương lựa chọn và từng bước hình thành điểm đến tham quan mới mẻ, thu hút nhiều du khách.
Hàng rào, lối đi, giếng nước, cổng ngõ… đều được tạo nên từ một thứ nguyên liệu duy nhất, đó là đá. Đây là vẻ đẹp độc đáo của làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước).
Từ xa xưa, người dân nơi đây biết tận dụng những viên đá đủ kích thước, hình dáng để xếp nên những bờ đá vững chãi mà không cần một chất kết dính nào cả. Qua thời gian, những ngõ đá, bờ đá ấy phủ mờ bởi rêu phong tạo nên nét cổ kính bên cạnh những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm.
Với người dân nơi đây, đá mang đến sự bình yên, hạnh phúc. Ông Nguyễn Đình Mẫn cho biết, ngôi nhà cổ của gia đình ông có tuổi đời 160 năm thì con ngõ đá cũng tròn 150 tuổi. Ổng chỉ nhớ rằng từ nhỏ đã gắn với ngõ đá này, nên ông gìn giữ và gắn thêm những bờ đá mới để lại cho đời sau.
Nếu một lần đặt chân đến Lộc Yên, bên cạnh khám phá những ngôi nhà cổ trầm mặc, vườn cây trái sum suê, những cánh đồng xanh ngát uốn lượn, du khách còn bị cuốn hút trước những ngõ đá, cổng đá, lối đi lát đá ở ngôi làng này. Một khung trời thiên nhiên bình yên, và cả sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân bản địa đủ níu chân khách khi đến trải nghiệm.
Lần thứ hai trở lại Lộc Yên, ông Nguyễn Phan Công Anh hiện định cư tại Singapore đã phải thốt lên vẻ đẹp thanh bình đến lạ ở Lộc Yên. Theo ông, qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, Lộc Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng - là giữ được hồn cốt quê kiểng với những con đường làng, ngõ đá xanh rêu.
Giờ đây, quanh làng, bên cạnh những bờ đá cũ thì có thêm rất nhiều những bờ đá mới, ngõ đá, cổng đá mới. Đây là kết quả từ quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Vì một chủ trương đúng nên người dân ủng hộ, hiến đất, chặt cây, góp công, góp của để xây dựng quê hương giàu đẹp.
[VIDEO] - Vẻ đẹp của những ngõ đá, bờ đá tại Làng cổ Lộc Yên:
Những ngày cận tết, xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) như được khoác chiếc áo mới tinh tươm. Những con đường bê tông rộng rãi, rực rỡ sắc hoa, nối liền từ thôn này sang thôn khác men theo cánh đồng lúa xanh mướt tạo nên bức tranh thôn quê thật bình yên, phồn thịnh.
Đứng trước Nhà văn hoá thôn Phú Mỹ, ông Lê Phương - Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ (Quế Xuân 2) hào hứng khoe rằng, nhà văn hóa này vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Cơ sở vật chất văn hoá đẹp - hoạt động hiệu quả” năm 2023 của tỉnh. Thời gian qua, các cuộc vận động xây dựng tường rào - cổng ngõ đẹp, vườn đẹp, đường đẹp nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nhất là việc "mềm hóa", "xanh hóa" tường rào giúp tạo không gian xanh mát, cảnh quan làng quê mang bản sắc riêng.
“Khi địa phương phát động xây dựng nông thôn mới rồi thôn nông thôn mới kiểu mẫu, không ai bảo ai, mọi người tự làm đẹp từ nhà ra ngõ, cùng đoàn kết, chung tay xây dựng các tiêu chí từ môi trường đến đến phát triển kinh tế, xã hội” - ông Phương nói.
Điểm sáng của nông thôn mới ở Phú Mỹ là người dân dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế, thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Mỗi năm, thôn Phú Mỹ sản xuất 5ha lúa giống cung ứng cho các nơi. Cùng với đó, nhân dân tích cực tham gia vào các mô hình hợp tác xã và doanh nghiệp nông thôn. Sự đoàn kết giúp họ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tài nguyên, tạo ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả.
Không chỉ ở thôn Phú Mỹ, ở các thôn khác của xã, diện mạo làng quê cũng đổi khác rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Hòa Mỹ) xúc động khi nhìn thấy quê hương thay đổi nhiều với một cuộc sống đầy đủ, sung túc.
Những ngày cận tết, làng quê Quế Xuân 2 càng đẹp hơn bởi những con đường hoa, ánh sáng lung linh về đêm, người dân tất bật trang trí những ngôi nhà thêm ấm cúng để đón tết cổ truyền của dân tộc.
[VIDEO] - Quang cảnh làng quê yên bình ở xã Quế Xuân 2:
Hơn 20 năm làm trưởng thôn, ông Nguyễn Tấn Nga (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) dường như vẫn còn ngỡ ngàng trước sự hoàn thiện của hạ tầng nông thôn. Bây giờ đường thảm nhựa rộng thoáng chạy qua làng, cầu Trường Giang bắt qua sông không còn phải "lụy đò" như xưa.
“Giờ đây ngư dân không chỉ biết đi biển mà còn tự chế biến các sản vật từ biển thành những món đặc sản cung ứng ra thị trường khắp nơi. Vùng biển hoang sơ ngày nào giờ đã thành điểm tham quan du lịch mới mẻ với làng bích họa, con đường thuyền thúng, bãi tắm Tam Thanh” - ông Nga tự hào.
Ngày mới ở Tam Thanh bắt đầu khi bình minh ló dạng. Những khoang thuyền nhỏ chứa đầy cá, tôm, ghẹ... lần lượt vào bờ sau một đêm lênh đênh trên biển. Những người đàn bà biển vội vã gánh những thúng hải sản đem đi trao đổi, mua bán.
Hơn 50 năm gắn bó với làng chài, ông Trần Văn Tế (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) vẫn chưa có ý định bỏ biển, vì với ông và dân làng nơi đây biển đã cứu mang, đem lại nguồn sống. “Dù nhiều phong ba, bão táp nhưng với ngư dân chúng tôi, biển luôn là nhà” – ông Tế nói.
Từ sản phẩm nước mắm ở quy mô sản xuất hộ gia đình, chị Nguyễn Thị Ngọc Tầm (xã Tam Thanh) đã đầu tư phát triển lên thương hiệu nước mắm Ngọc Lan đạt OCOP 3 sao.
Không chỉ sản xuất được loại nước mắm hảo hạng, chị Tầm còn biến nơi đây thành một điểm dừng chân tham quan, trải nghiệm, vừa phát triển du lịch vừa gìn giữ các giá trị truyền thống của quê hương, gia đình.
[VIDEO] - Vẻ đẹp của làng chài Tam Thanh:
MỸ LINH - VÂN TÂY