(QNO) - Để bảo vệ khu rừng nhiệt đới của làng Damaran Baru, tỉnh Aceh của Indonesia, nhiều phụ nữ trong làng thành lập đội kiểm lâm bảo vệ rừng với sự cho phép của chính quyền địa phương.
Giảm nạn phá rừng
Một giờ sau khi tuần tra rừng ở làng Damaran Baru, nhóm "nữ chiến binh" giữ rừng gồm 7 thành viên phát hiện một người đàn ông đi ngang qua, tay cầm một nông cụ. Các nữ kiểm lâm viên hỏi người đàn ông: "Bạn đi đâu? Bạn đang làm gì thế? Hãy nhớ đừng chặt cây ở bất cứ nơi nào bạn đi, được chứ?".
Với cách tiếp cận thân thiện, sau nhiều năm tuần tra như vậy giúp nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã tại đây giảm mạnh. Nhóm "nữ chiến binh" ở Damaran Baru đang chia sẻ chiến lược với các nhóm do phụ nữ lãnh đạo khác trong nỗ lực bảo vệ rừng trên khắp Indonesia.
Là một quần đảo nhiệt đới rộng lớn trải dài qua đường xích đạo, Indonesia có rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới với nhiều loại động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi, voi và các loài hoa rừng khổng lồ.
Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu (Global Forest Watch) thống kê, kể từ năm 1950, khoảng 740.000km2 rừng nhiệt đới Indonesia bị đốn hạ, đốt cháy để phát triển các đồn điền dầu cọ, giấy và cao su, khai thác niken và các mặt hàng khác. Những năm gần đây, nạn phá rừng tiếp diễn nhưng giảm rõ rệt.
Phụ nữ giữ rừng
Năm 2015, mưa xối xả gây lũ quét ở làng Damaran Baru. Sumini - người dân địa phương cho biết rừng bị tàn phá gây nên lở đất và thảm họa. Vì thế, cô quyết định thành lập nhóm "nữ chiến binh" bảo vệ rừng.
Sau khi thuyết phục thành công lãnh đạo làng và gia đình, Sumini được cấp phép thành lập nhóm bảo vệ rừng.
Sumini bắt đầu làm việc với Tổ chức rừng, thiên nhiên và môi trường Aceh để giúp đăng ký hợp pháp nhóm tuần tra với giấy phép lâm nghiệp xã hội được chính phủ hỗ trợ cho phép cộng đồng địa phương quản lý rừng.
Bà Farwiza Farhan - Chủ tịch Tổ chức rừng, thiên nhiên và môi trường Acehcho biết, sau khi có giấy phép, tổ chức bắt đầu giảng dạy các phương pháp bảo tồn rừng tiêu chuẩn cho nhóm "nữ chiến binh" bảo vệ rừng như cách đọc bản đồ, nhận biết các dấu hiệu của động vật hoang dã, sử dụng hệ thống định vị GPS...
Vào tháng 1/2020, nhóm có chuyến tuần tra chính thức đầu tiên. Kể từ đó, những chuyến đi xuyên rừng bao gồm lập bản đồ và giám sát độ che phủ của cây, lập danh mục các loài thực vật đặc hữu, làm việc với nông dân để trồng rừng, đo và đánh dấu vị trí của cây. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm phá rừng, nhóm tuần tra sẽ nhắc nhở hoặc báo cáo chính quyền địa phương.
Sumini cho biết những chiến thuật vận động tỏ ra có hiệu quả trong việc khiến người dân địa phương thay đổi thói quen để bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt xuất phát từ tấm gương của chính gia đình những "nữ chiến binh".
Phải mất nhiều năm, Rosita - một thành viên của nhóm nữ tuần tra mới thuyết phục được người chồng ngừng săn trộm, chặt cây và bắt đầu cùng vợ đi tuần tra trong rừng.
Bà Rahpriyanto Alam Surya Putra - Giám đốc Chương trình quản lý môi trường của Quỹ châu Á ở Indonesia cho biết, việc lấy phụ nữ làm trung tâm trong quản lý rừng là rất quan trọng cho sự thành công của các chương trình lâm nghiệp xã hội.
Nhóm "nữ chiến binh" giữ rừng ở Indonesia khẳng định: "Bởi vì rừng vẫn xanh thì con người mới thịnh vượng".