(VHQN) - Một buổi sớm tinh mơ ở chợ cá ven bãi biển Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa), tôi lặng im ngắm những người phụ nữ đen đúa đang vội vã, ồn ào tranh giành mớ tôm cá. Đó là một bức tranh đa sắc, ngồn ngộn chi tiết, rộn ràng mà không hẳn vui.
Tôm cá đượm cuộc đời
Ở cái chợ “chồm hổm” biển Vạn Giã này, có khoảng 30 người phụ nữ chạy chợ. Họ dậy từ rất sớm, 3 giờ sáng đã túc trực trên bờ để đón từng chiếc thuyền cập vào. Có gì mua nấy, nhưng mỗi người cũng nắm một “mảng” riêng. Chị thì chuyên cá bớp, cô thì chỉ gom cá thu xanh, em thì gom hết cá hố, bà thì gom cá cơm.
“Mấy chục ký cá thu đó có người dặn rồi, đừng để ai nhe”- giọng Khánh Hòa đanh mặn vang lẫn trong tiếng sóng biển. Đó là chị Mè, người “chạy chợ” ở đây đã thâm niên gần 30 năm.
Chị đang vật lộn với mớ cá ngân lẫn cá nục chừng hơn ba tạ, nói với qua chị Thủy xa xa. Vãn khách, tôi bắt chuyện. Hóa ra, chị dân Vạn Giã chính gốc. Chừng 16 tuổi đã bỏ học, lăn lộn ngoài bãi này. Từ lúc ấy, tôm cá đượm dần vào cuộc đời chị.
Bươn chải ở chợ hơn 1 năm, chị lấy chồng ngư phủ - một “kịch bản” phổ biến ở đây. Từ đó đến nay, gần 30 năm, trời chập choạng tối là anh chồng dong chiếc thuyền con ra biển. 4h sáng, chị ngồi ở bờ, trông ra biển trong ánh sáng tù mù.
Rồi sẽ có một chấm đen xuất hiện. Chấm đen ấy to dần, rõ dần, và thành hình là chiếc thuyền quen thuộc. Mớ cá được đổ ra trong sự hồi hộp nhẹ vì cảnh ấy lặp lại quá nhiều lần. “Nhiều no ít đủ” là tâm lý của người vợ “vọng phu” mỗi sáng. Được nhiều cá to, cá quý thì người vợ nhanh nhẹn, hoạt bát, nói nói, cười cười huyên thuyên, thất bát thì im lặng.
Bỏ quên hương sắc
Tôi đi nhiều nơi, lại có thói quen hay quan sát phụ nữ mọi vùng miền, tầng lớp. Chị Mè ngoài 40 nhưng trông như ngoài 50. Ở chợ biển này, phụ nữ không đeo khẩu trang, cũng chẳng áo chống nắng. Đơn giản là họ đã bị nắng biển “định dạng” màu da rồi. “Phom” người cũng chỉ có hai kiểu phổ biến: một là gầy do đói ăn hoặc đau ốm, hai là đẫy đà do lớn tuổi mà không để ý đến vóc dáng.
Chị Mè mập, đen, vui vẻ và vô tư. Ngồi kế bên chị Mè là chị Tuyết, rất gầy, cũng đen, vui vẻ và vô tư. Trong bộ đồ thun lạnh giản đơn phổ biến ở đây, chị xoay ngược trở xuôi, bán cá thật nhanh cho khách mà như múa.
Bất chợt, tôi bắt gặp ánh mắt chị nhìn chằm chằm vào bàn chân của một vị khách du lịch. Cô này yêu kiều bước từ xe hơi xuống, nhón chân ra chợ biển để mua cá, chắc là mang về Sài Gòn. Trông cô thanh tú, sang trọng, bàn chân cũng trắng ngần, điểm xuyết những móng chân đỏ thẫm nổi bật.
Tôi phát hiện ra chị Tuyết bị cuốn hút bởi hình ảnh bàn chân đó. Nó hẳn là rất đẹp và xa lạ. Bởi chị và những người phụ nữ ở đây, từ ngày bước chân ra hướng biển là bàn chân đã chịu phận đen đúa. Cô khách ấy bước xa dần, chị Tuyết dõi theo cái yêu kiều xinh thơm đó, rồi quay qua tôi, vô tư bảo: “Người đâu mà đẹp hè”.
“Người đâu”, nghĩa là người ở đâu? Và cũng có nghĩa là không phải người ở đây. Người ở đây không được cái gót hồng như vậy. Một câu nói cửa miệng mà khái quát được câu chuyện nhan sắc của phụ nữ chạy chợ biển.
Chi tiết này làm tôi nhớ, có một lần, anh bạn của tôi, đang là giám đốc vùng của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Anh ấy chia sẻ, khi phát triển thị trường mới, nhất là vùng nông thôn, phải “tránh” những vùng biển vì phụ nữ nghèo ở đó phó mặc nhan sắc cho thiên nhiên khắc nghiệt. Hương, sắc bị thả bay theo gió biển, họ ít dùng mỹ phẩm.
Một người phụ nữ không có điều kiện để quan tâm đến nhan sắc, không dám nghĩ nhiều đến chuyện làm đẹp, mặc nhiên chấp nhận vẻ đẹp của mình tàn phai rất sớm, đó hẳn là sự thiệt thòi!
“Ăn sóng nói gió”
Biển Bình Minh (Thăng Bình), một bình minh giữa tháng 4. Tôi cảm thấy thú vị khi “lọt” vào một nhóm phụ nữ họp chợ.
Tôi đi từ một resort gần đó, lang thang mãi thì mất hướng, tìm đến đám đông ở đó để hỏi đường về. Một chị nói bằng giọng Quảng “rin”, nói như hét vào tai tôi, chỉ lối đi ngang dọc, ngoằn ngoèo.
Thấy tôi có vẻ đực mặt ra, các chị biết tôi chưa hiểu. Cũng đúng, tôi dân ở xa đến, nghe giọng Quảng ở đây thì câu được câu mất.
Một chị khác hăng hái “xông vô”, vẫn giọng Quảng “rin”, nói to hơn và phức tạp hơn. Tôi đang rối não thì có hai chị khác chen vào, tranh nhau chỉ đường. Cùng lúc, cả bốn chị hòa thanh, càng lúc càng nói to, không khác gì đang cãi nhau.
Tất nhiên, tôi nghe mà chẳng hiểu gì cả, nhưng thật lòng, thấy khoảnh khắc này rất đáng yêu. Bạn hãy tưởng tượng, ở một vùng quê biển xa xôi, có bốn người phụ nữ xúm vào, cùng nói như hét với nhau trong sự nhiệt tình cao nhất.
“Ăn sóng nói gió” là đặc trưng của phụ nữ vùng biển, nhất là những chị em chạy chợ biển. Công việc khiến họ phải giao tiếp nhiều, nhưng thường thì họ lại ở cách xa nhau trong không gian quá loãng của lồng lộng gió biển. Thế là họ phải nói thật to, mỗi ngày càng nói to hơn. Đến một lúc, họ nói như hét mà chẳng hay.
Ai chẳng biết, phụ nữ nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn mới duyên dáng và thu hút. Nhưng ở miền biển quê như Bình Minh, Vạn Giã hay các vùng biển quê khác, “ai cho họ nói nhỏ?”.
Một thiếu nữ, rồi trở thành phụ nữ, trải qua cuộc đời của mình trong ăn to nói lớn như vậy, có phải là một thiệt thòi? Tôi không chắc về điều đó nhưng với trái tim mẫn cảm nhìn về phụ nữ, tôi cảm thấy thương họ, chẳng vì một lẽ nào rõ ràng.
Phụ nữ nông thôn gặp thiệt thòi đủ thứ, phải chịu đựng nhiều. Không hiểu sao, tôi thấy thương cảm cho phụ nữ chạy chợ biển một cách đặc biệt hơn cả. Họ không được an nhàn, ít bình yên và quên đi phần lớn vẻ đẹp của mình.
Ai ở vùng biển sẽ thấy một nụ hoa tròn lởm chởm lông, xoay tròn bay lặng lẽ, đơn sơ trên bãi biển mỗi chiều. Đó là loài hoa không hương, không sắc, có tên gọi là hoa lông chông.
Nếu cánh hoa hồng phai phải buồn vì khô héo sau thời gian tỏa hương, khoe sắc rực rỡ, vẫn còn may mắn hơn hoa lông chông. Bởi loài hoa lông chông vừa hiện diện trong thế giới này, đã giản đơn, khô khan, không từng được tỏa sáng, lăn loay xoay trên biển một cách bền bỉ và cuối cùng chìm vào lãng quên.
Như thân phận của người đàn bà chạy chợ biển.