(VHQN) - Xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, kết nối với bạn bè quốc tế; từ nghệ thuật, bằng nghệ thuật, họ trở thành những sứ giả văn hóa, mang bản sắc của xứ Quảng đến bạn bè năm châu.
Những anh chị em nghệ sĩ của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An (thuộc Trung tâm VHTT- TTTH Hội An - ra đời năm 1996) vẫn miệt mài với những nối kết vượt khỏi biên giới nước nhà.
Đảm nhận nhiều vai
Thế mạnh ngoại ngữ, Thu Ly gia nhập Trung tâm VHTT-TTTH TP.Hội An ở vai trò người giới thiệu các chương trình lễ hội bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Đồng thời cô hướng dẫn hát dân ca cho học sinh các trường phổ thông tại Hội An. Thu Ly còn có thể tham gia biểu diễn hát, múa dân ca, bài chòi. Cô trở thành cộng tác viên thường xuyên của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và được chọn đi lưu diễn ở nước ngoài.
Thu Ly cho biết: “Do nhiều điều kiện khác nhau, những cuộc lưu diễn ở nước ngoài thường hạn chế số lượng thành viên. Để bảo đảm thời lượng chương trình, mỗi diễn viên phải đảm nhận nhiều vai, từ hát dân ca, bài chòi cho đến múa” - Thu Ly nói.
Mỗi diễn viên thường phải mặc sẵn nhiều bộ đồ diễn cùng lúc. Sau mỗi tiết mục, họ nhanh chóng thay trang phục, rồi tiếp tục diễn. Khán giả ngồi xem bên dưới cứ nghĩ rằng diễn viên đoàn Hội An tham gia đông lắm. “Họ cũng thực sự ngạc nhiên và khâm phục khi biết được đoàn Việt Nam có rất ít diễn viên mà có thể thực hiện một chương trình tròn trịa đến như vậy” - Thu Ly chia sẻ.
Là dân Duy Xuyên, mê sáo trúc từ nhỏ, Nguyễn Quang Nam thường tìm đến xem các cụ già chơi nhạc cụ cổ truyền, rồi về nhà tự tập thổi sáo. Sau đó, anh thường đi theo nghệ nhân đàn bầu Dương Tấn Sanh xuống Hội An biểu diễn trong các dịp lễ hội.
Khi Hội An thành lập Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, Nguyễn Quang Nam được chọn tham gia ban nhạc. Từ đó, anh quyết tâm tìm thầy học thêm về nhạc lý và âm luật, cách sử dụng sáo Mèo, kèn saranai và đàn bầu.
Cũng nhờ kỹ năng sử dụng đa dạng các loại nhạc cụ, Nguyễn Quang Nam là khuôn mặt thường xuyên được nhắm đến trong những lần Nhà biểu diễn đi lưu diễn ở nước ngoài cùng với các đồng nghiệp Minh Nhanh, Thu Ly, Thanh Tuấn, Kiều Trang, Đinh Ngọc...
“Lần đầu được chọn đi lưu diễn ở nước ngoài mình vừa tự hào, vừa lo lắng, bởi chịu áp lực tâm lý cá nhân rất lớn. Nhưng rồi, qua hàng tháng trời khổ luyện, cảm giác tự tin cũng tăng lên dần. Nhờ căn bản đã có sẵn, nên trong mỗi chương trình mình có thể chuyển đổi các loại nhạc cụ khác nhau để diễn tấu trong các tiết mục” - Nguyễn Quang Nam nói.
Hát bằng tiếng nước bạn
Ông Võ Phùng - Nguyên Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH được xem như “ông bầu” những chuyến lưu diễn nước ngoài của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An. Khởi từ lòng cảm mến của những người yêu văn hóa truyền thống, những nghệ sĩ của Hội An đã có chương trình biểu diễn đầu tiên tại Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, được tổ chức ở Hồng Kông.
Không chỉ mang bản sắc của mình đến nước bạn, từ đề xuất của ông Võ Phùng, đoàn nghệ sĩ Hội An nỗ lực tập thêm những bài dân ca của nước sở tại để biểu diễn, gây hiệu ứng tốt hơn với khán giả.
Các nghệ sĩ đã tiến hành phối âm lại những bài dân ca nước ngoài, ghi âm làm beat nền để biểu diễn như bản “Arirang” của Hàn Quốc hay bản “A Csitári Hegyek Alatt” của Hungary, cũng như nhiều bài dân ca của các nước khác.
Sau lần đầu tiên xuất ngoại qua Hong Kong là những lần Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An được tài trợ và mời đi diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Pháp, Ý, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
Ông Võ Phùng nói, điều may mắn và đáng nhớ nhất với ông và các nghệ sĩ là sự giúp đỡ tận tâm của đại sứ quán cùng kiều bào Việt Nam ở các nước.
“Chính từ những tấm lòng đầy yêu thương đó, đã khiến chúng tôi quyết tâm thực hiện thêm tiết mục chỉn chu, độc đáo hơn để phục vụ. Điều hạnh phúc nhất còn đọng lại trong chúng tôi cho đến bây giờ là ở những đêm công diễn, chúng tôi đã nhận được sự yêu mến và cổ vũ nhiệt tình của quý vị khán giả đến tham dự chương trình ở các nước sở tại” - ông Võ Phùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, qua những lần giao lưu biểu diễn ở nước ngoài, các thành viên của Nhà biểu diễn đã tiếp cận và học hỏi những kinh nghiệm về xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn; kết nối với nhiều bạn bè quốc tế. Họ đã mang được hình ảnh, nét đẹp văn hóa Việt cũng như văn hóa xứ Quảng đến với công chúng nước ngoài.
“Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền đã góp mặt hầu như khắp nơi trên đất nước Việt Nam và được mời đi biểu diễn ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Italia, Hungary, CHLB Đức… Đây là một cách để biểu đạt, giới thiệu nhiều hình thái văn nghệ dân gian tiêu biểu, đặc sắc Hội An đến bạn bè gần xa, qua đó thể hiện sức sáng tạo và di sản văn hóa nổi trội của cộng đồng cư dân Hội An” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.