Tạp văn

Những tình bạn xế chiều

DIỆP TRẦN 31/08/2024 17:01

Kế bên chung cư tôi ở có một cửa hàng rau kiêm tiệm sửa xe máy của hai ông bà đã lớn tuổi.

4bct.jpg
Tuổi xế chiều. Ảnh: AI

Bà bán rau buổi sáng sớm và lúc chiều muộn, còn ông sửa xe cho khách trong ngày. Ông làm cẩn thận nhưng vô cùng chậm. Đôi tay run run vì di chứng sau một lần tai biến trước đây vẫn chưa thể phục hồi.

Sáng nào cũng thế, từ tinh mơ, bà dậy sớm nổi lửa bắc nồi khoai, bắp luộc để bán cho khách (chủ yếu là công nhân) đi làm sớm. Buổi chiều, bà ngồi chặt khoai, chặt bắp, soạn rau để chuẩn bị cho buổi hàng hôm sau.

Những lúc rảnh lại thấy bà giúp ông bơm xe cho khách, thu dọn đồ nghề sửa chữa. Bà bị giãn tĩnh mạch, lâu lâu lại thấy phải cầm cây kim chích bớt máu cho khỏi đau tức vì ngồi lâu.

Suốt nhiều năm, nhịp sống của họ cứ lặng lẽ trôi qua như thế.
Một ngày, thấy cửa hàng bỗng dưng trống trải khác thường, hỏi thăm bà tôi mới biết ông vừa phát hiện bị bệnh ung thư giai đoạn cuối nên con cháu đã đón về quê. Căn nhà giờ chỉ còn bà. “Ủa, bà nói con cháu ông ấy, vậy không phải con cháu bà hay sao?”, tôi hỏi.

“Không, tao với ông ấy chỉ là bạn thôi, không phải vợ chồng”, bà đáp. Hóa ra cuộc đời người phụ nữ này thật lắm truân chuyên.

Ngoài 70 rồi, bà vẫn đang nhặt nhạnh từng đồng mỗi ngày để lo thăm nuôi thằng con lớn đang trong tù và đỡ đần vợ nó nuôi đứa con nhỏ còn đi học.

Người “bạn đời” kia của bà hẳn cũng không giúp được bà bao nhiêu về kinh tế, nhưng chắc cũng đã là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho bà trong suốt những năm qua.

Một bữa đi làm về, thấy tiệm rau bà Năm có thêm 2-3 người phụ nữ lớn tuổi và trung niên đứng phụ bán. Mỗi người một việc, người cân trái cây, người lấy túi cho khách lựa rau, người thu tiền, mang lại chỗ bà Năm đang ngồi. Càng về sau này bà khó đi lại và không đứng lâu được, xoay qua xoay lại chốc chốc lại phải ngồi xuống.

Mấy ngày đầu, những người “phụ việc” cho bà liên tục quay lại hỏi bà giá món này món kia bao nhiêu, rồi phải hỏi luôn cả cách bao gói đồ cho khách, chọn loại túi nào, cách buộc bó hoa cúng ra sao để treo lên xe không bị dập, gãy… Giờ thì họ quen việc lắm rồi, tay năm tay mười thoăn thoắt.

Chiều nay đi làm về qua, tôi lại thấy ông ngồi trong nhà, người gầy rộc, da tái sạm. Một người đang ngồi chích thuốc vào chân cho ông. Bà nằm trên chiếc võng kế bên.

Hóa ra sau khi đưa về quê, các con ông đã không thể chăm sóc cha theo cách ông đã quen khi ở bên bà. Ông không ăn không ngủ được, bệnh tình mỗi ngày một nặng. Và giờ thì chúng phải đưa ông trở lại đây.

“Thôi, tới đâu lo tới đó, tao biết là tụi nó không chăm được cho ông ấy đâu”, bà bảo. “Tội ông ấy lắm, bệnh đã tới nước này thì đâu thể chữa được nữa”. Giờ thì đúng nghĩa là bà phải đeo thêm gánh nặng lớn hơn rồi, bà cười mà tôi không sao cười nổi.

Và rồi lại sáng, lại chiều, lại lo, lại toan, bà tập tễnh ra vào với rổ khoai, rổ bắp. Dù sao thì lúc này bên bà đã lại có ông, và còn có thêm cả những người bạn xế chiều của tình làng nghĩa xóm giữa thành phố sôi động này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những tình bạn xế chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO