Chính trị

Niềm tự hào của đất và người xứ Quảng

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 23/05/2025 09:00

Chiến thắng Núi Thành là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam. Ngày nay trên quê hương huyện Núi Thành đã chuyển mình thành vùng đất trù phú.

Nui Thanh 2
Ông Trương Đình Hòe (bìa phải) kể về năm tháng dẫn đường để các chiến sĩ đánh giặc ở điểm cao Núi Thành. Ảnh: QUANG VIỆT

Chiến công lẫy lừng

Ông Trương Đình Hòe (SN 1948, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh, Núi Thành) kể, năm 1962, ông tham gia du kích, khi đó cả vùng Kỳ Thạnh (nay là Tam Thạnh) thưa vắng bóng người.

Đến năm 1965, ông Hòe là Xã đội trưởng Xã đội Kỳ Thạnh. Đến nay, ký ức về những ngày lịch sử chiến thắng Núi Thành (ngày 26/5/1965) vẫn in đậm trong tâm trí ông.

Ngày 7/5/1965, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên cảng An Hòa (Núi Thành), xây cảng quân sự Kỳ Hà và cấp tập tạo mặt bằng hàng trăm héc ta xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ Chu Lai.

Khi “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Mỹ đưa quân chính quy vào nước ta tiến hành “Chiến tranh cục bộ” với tham vọng “tìm diệt”, “bình định” sau 18 tháng.

nt.png
Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: Huyện ủy Núi Thành.

Ngày 17/5/1965, quân Mỹ đưa Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến lên chốt trên điểm cao Núi Thành - hai ngọn đồi 49 và 50 nối nhau bằng cái võng yên ngựa dài 500m.

Ở đây quân Mỹ tập trung lính thủy đánh bộ với vũ khí tối tân, có thể thông tin từng phút cho Bộ chỉ huy ở căn cứ Chu Lai và điều trọng pháo khống chế các xã Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Khương, vùng dãy núi Răng Cưa.

Ngày 25/5/1965, 60 chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Nam giao nhiệm vụ nhanh chóng từ Quế Sơn vào Kỳ Thạnh để đi đánh Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe kể, ngày 25/5, ông được gặp mặt 60 chiến sĩ ở thôn 1 Kỳ Thạnh. Thời điểm đó, Chính trị viên Tỉnh đội Hoàng Minh Thắng thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ và trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” cho Đại đội trưởng Đại đội 2 Vũ Thành Năm. Lễ xuất quân được tiến hành và ông Hòe dẫn đường để các chiến sĩ tiến đánh giặc ở điểm cao Núi Thành.

“Tôi vượt núi dẫn đường 60 chiến sĩ băng đến điểm tập kết rồi hồi hộp đợi chờ chiến công. Thời khắc đó tôi không bao giờ quên” - ông Hòe nói.

vieng-huong-dai-chien-thang-nui-thanh-1.jpg
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam dâng hoa, viếng hương tại Tượng đài Chiến thắng Núi Thành (xã Tam Nghĩa) năm 2024. Ảnh: HOÀNG ĐẠO

Vào 0 giờ 30 phút ngày 26/5/1965, tổ trưởng Trần Ngọc Ảnh nhận lệnh của chỉ huy Vũ Thành Năm ném quả thủ pháo 1kg vào công sự Mỹ cách ông chừng 3m, các mũi tiến công đồng loạt nổ súng.

Trận đánh giáp lá cà với tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê - kiểu đánh bộ mà thủy quân lục chiến Mỹ không lường trước. Các chiến sĩ xông lên, diệt quân Mỹ và cắm là cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” lên đỉnh Núi Thành vào lúc 1 giờ ngày 26/5/1965.

Xanh màu hy vọng

Sau chiến thắng Núi Thành, tượng đài Núi Thành được dựng lên uy nghi lẫm liệt ở xã Tam Nghĩa ghi dấu thời hào hùng đánh Mỹ. Huyện Núi Thành đã vận dụng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến cho vùng đất trước đây mỗi năm 3 vụ canh tác lúa, khoai vẫn nghèo.

Bước ngoặt đã đến vào năm 2003 với sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai và hình thành 5 khu công nghiệp, các cụm công nghiệp thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là THACO.

Đến nay, trên địa bàn Núi Thành có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 30.000 lao động.

Năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 76,8%, dịch vụ chiếm 15,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 54 triệu đồng.

Nui Thanh 4
Đường Võ Chí Công nối sân bay Chu Lai với TP.Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT

Đã cao tuổi nhưng hễ có dịp là ông Trương Đình Hòe đến viếng hương ở Tượng đài Chiến thắng Núi Thành và đi thăm các địa điểm nhắc nhớ một thời chống Mỹ kiên cường của quân và dân ta. Hiện nay, hệ thống giao thông phát triển gồm đường cao tốc, quốc lộ 1, đường Võ Chí Công, Cảng Chu Lai - Trường Hải... Các khu dân cư, khu đô thị hình thành khá đồng bộ.

Đặc biệt, sân bay quân sự Chu Lai - nơi quân Mỹ đưa máy bay thả bom, rải chất độc đã trở thành sân bay thương mại và sẽ được mở rộng, nâng cấp theo định hướng của tỉnh và Trung ương. Cảng Kỳ Hà - nơi tàu chiến Mỹ đổ quân lính thủy và vũ khí tối tân lên bờ để “bình định”, “tìm diệt” thì nay đã trở thành cảng biển lớn giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế.

Mỗi sáng, đều đặn hàng chục nghìn công nhân, kỹ sư nhộn nhịp đến các khu công nghiệp ở Núi Thành làm việc, không khí sầm uất ghi dấu ấn năng động lên vùng đất một thời khói lửa đạn bom. Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói, Núi Thành đã chuyển mình, khẳng định vai trò hội tụ, đóng góp chiến lược vào phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tự hào của đất và người xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO