Là địa phương miền núi khó khăn của huyện Nông Sơn, song từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, xã Ninh Phước đã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023 và đang nỗ lực duy trì, nâng chuẩn.
Vượt khó đi lên
Ninh Phước là xã miền núi của Nông Sơn được thành lập ngày 25/2/2020 trên cơ sở hợp nhất 2 xã Quế Phước và xã Quế Ninh (cũ). Xã có 6 thôn gồm Mậu Long, Ninh Khánh, Khánh Bình, Đông An, Phú Gia 1 và Phú Gia 2.
Ngày trước, hạ tầng giao thông đi qua địa bàn còn khó khăn nhưng từ công cuộc xây dựng NTM, giao thông không ngừng được hoàn thiện. Cảnh quan ở các khu dân cư kiểu mẫu Phú Gia 1, Mậu Long khởi sắc; nhà cửa, tường rào cổng ngõ cải thiện đáng kể.
Từ một xã thuần nông, Ninh Phước nỗ lực đẩy mạnh các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, thúc đẩy kinh tế rừng, tạo điều kiện cho thương mại - dịch vụ phát triển. Địa phương huy động các nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, nâng chất lượng đời sống nhân dân.
Ông Lê Anh Tuấn - quyền Chủ tịch UBND xã Ninh Phước chia sẻ, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 2%. Để có kết quả đó, Ninh Phước đã nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đảng ủy, UBND xã Ninh Phước giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đoàn thể, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn chính sách phát triển kinh tế. Địa phương quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách của nhà nước như hỗ trợ vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo; đào tạo gắn với giải quyết việc làm; các chính sách hỗ trợ khác...
Đi cùng bài toán giảm nghèo, xã Ninh Phước tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế với mũi nhọn là kinh tế rừng với diện tích trồng keo 2.500ha.
Khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Phát huy thế mạnh của kinh tế vườn với các loại cây chủ lực là cây mía đường, các loại cây ăn quả như bưởi trụ, bưởi da xanh...
Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở thủ công mỹ nghệ chủ yếu là nghề chế tác trầm hương, dó bầu, làm nhang... Trên địa bàn xã có 30 cơ sở chế tác trầm mỹ nghệ, làm hương trầm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ...
“Với sự quyết tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong việc hiến đất làm đường, xây dựng các công trình, hạng mục, hưởng ứng các phong trào, các mô hình, hoạt động do địa phương phát động nên Ninh Phước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thật sự mang đến sự thay đổi tích cực cho xã về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân” - ông Tuấn nói.
Nâng cao đời sống nhân dân
Phú Gia 1 là thôn 3 năm liền được công nhận danh hiệu “thôn văn hóa” (2021 - 2023) và thôn đạt chuẩn “Khu dân cư kiểu mẫu” của Ninh Phước.
Toàn thôn có 212 hộ dân, hộ nghèo được xóa hoàn toàn, trừ đối tượng bảo trợ xã hội. Bình quân thu nhập đầu người của Phú Gia 1 hiện đạt gần 49 triệu đồng/người/năm.
Phú Gia 1 tập trung sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, phát triển mạnh kinh tế vườn với các mô hình trồng vườn cây ăn quả, trồng mía cung cấp nguyên liệu sản xuất đường…
Cả thôn Phú Gia 1 có 2 cơ sở sản xuất đường thẻ, 2 cơ sở sản xuất trầm hương mỹ nghệ, 3 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Phú Gia 1 có 30 vườn trồng rau và cây ăn quả lớn nhỏ, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Dung - Trưởng thôn Phú Gia 1 chia sẻ: “Công cuộc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở thôn có sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân - chủ thể NTM. Các nhiệm vụ giảm nghèo, xóa nhà tạm, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng”.
Ông Trương Văn Nhanh - cán bộ Địa chính - xây dựng, phụ trách NTM xã Ninh Phước chia sẻ, ngoài thôn Phú Gia 1 được công nhận khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2023, thôn Mậu Long trước đó đã được công nhận khu dân cư kiểu mẫu năm 2020.
Thời gian tới, Ninh Phước tiếp tục duy trì đạt chuẩn ở 2 khu dân cư này; đồng thời đưa 3 khu dân cư còn lại đạt chuẩn vào năm 2025 (Ninh Khánh, Đông An, Phú Gia 2). Địa phương phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 53 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.
Ninh Phước cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng là ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng phát triển kinh tế vườn theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2023 - 2024, với 20 hộ được phê duyệt hưởng lợi cơ chế. Triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía đường tại thôn Phú Gia 1, diện tích 2,5ha, 24 hộ tham gia...
Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của Ninh Phước là 33,66 triệu đồng; năm 2023, đạt 48,19 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng giá trị thương mại - dịch vụ đạt 47,727 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 27,175 tỷ đồng; ngành sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 102,567 tỷ đồng. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7%, hiện còn 2%, chủ yếu là hộ nghèo thuộc diện chính sách.